11/11/2019 - 18:15

Sóng gió bầu cử “thổi bay” ghế Tổng thống Bolivia 

Tổng thống Bolivia Evo Morales (ảnh) đã thông báo từ chức sau khi quân đội rút lại sự ủng hộ đối với ông và các đồng minh cũng bỏ rơi, sau nhiều tuần xảy ra biểu tình phản đối cuộc bầu cử gây tranh cãi tại quốc gia Nam Mỹ này.

Đảo chính dân sự          

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 10-11, Tổng thống Morales giải thích việc đệ đơn từ chức để giúp khôi phục sự ổn định cho đất nước, nhưng chỉ trích cái gọi là cuộc “đảo chính dân sự” chống lại ông.

 Ảnh: FT

Trước đó, ông Morales đã đồng ý tổ chức cuộc bầu cử mới sau khi báo cáo của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) cho thấy những bất thường nghiêm trọng trong cuộc bỏ phiếu hôm 20-10. OAS cho biết đã phát hiện có “những thao túng rõ ràng” trong hệ thống bầu cử, đặt ra nghi vấn về chiến thắng của ông Morales. Ông Morales dù bảo vệ chiến thắng bầu cử của mình, nhưng cho biết sẽ tôn trọng kết quả nghi vấn của OAS.

Khi báo cáo được lan truyền trên khắp Bolivia, sự ủng hộ dành cho Tổng thống Morales theo đó cũng tan rã. Một loạt đồng minh của ông đã “trả ghế”, bao gồm Bộ trưởng Khoáng sản Cesar Navarro và Chủ tịch Hạ viện Victor Borda - hai nhân vật thuộc đảng cầm quyền Phong trào Tiến lên Xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, Phó Tổng thống Alvaro Garcia Linera cũng từ chức.

Tại thủ đô La Paz, người dân đổ xuống đường ăn mừng trước quyết định của Tổng thống Morales, vị lãnh đạo gốc thổ dân đầu tiên của Bolivia. Những ngày gần đây, lực lượng cảnh sát được thấy đã tham gia vào làn sóng biểu tình chống chính phủ, trong khi quân đội khẳng định họ sẽ “không đối đầu với người dân”. Những người biểu tình đã đốt phá trụ sở của một số cơ quan bầu cử địa phương và phong tỏa các tuyến phố, làm tê liệt nhiều khu vực ở Bolivia.

Ít nhất 3 người đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa phe ủng hộ chính phủ và phe phản đối ông Morales.

Di sản của ông Morales

Bolivia dưới gần 14 năm lãnh đạo của ông Morales đã đạt một trong những tỷ lệ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trong khu vực và tỷ lệ nghèo đói cũng được kéo giảm phân nửa (giảm từ 38% năm 2006 xuống còn 17% vào năm 2018). Ông còn sử dụng thuế thu được từ các dự án khí thiên nhiên và khai thác mỏ để xây dựng nhiều con đường và trường học tại đất nước 11 triệu dân. Chính khách 60 tuổi này vẫn còn được nhiều người dân trong nước yêu mến, nhất là ở những khu vực nông thôn nghèo khó. Ông Morales là tổng thống tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Bolivia, trong khi Phong trào Tiến lên Xã hội chủ nghĩa kiểm soát tất cả các nhánh trong chính phủ cũng như phần lớn các cơ quan truyền thông nước này.

Tuy nhiên,  quyết tâm giữ ghế và nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư của Tổng thống Morales đã chọc giận nhiều đồng minh, thậm chí là trong các cộng đồng thổ dân. Năm 2016, Tổng thống Morales tổ chức trưng cầu dân ý nhằm cho phép ông tái cử vào năm 2019. Nhưng bất chấp cử tri bác bỏ, đảng của ông vẫn thuyết phục Tòa án Hiến pháp công nhận quyền tranh cử của Tổng thống. Đây cũng là lý do phe đối lập cho rằng việc ông Morales ứng cử lần này là bất hợp pháp và phát động biểu tình chống lại ông.

Căng thẳng tiếp diễn

Sau khi tuyên bố từ chức, ông Morales khẳng định không chạy trốn và sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cùng với nhân dân Bolivia để giữ lại những thành quả mà chính phủ của ông đã tạo dựng được trong hơn một thập kỷ qua.

Trong khi đó, tuyên bố trên Twitter, ông Morales cho biết cảnh sát Bolivia đã ban bố  lệnh bắt giữ nhằm vào ông. “Trước thế giới và toàn thể người dân Bolivia, tôi lên án một thông báo của cảnh sát nước này về lệnh bắt giữ “bất hợp pháp” chống lại tôi” - ông Morales cho biết, đồng thời lên án vụ tấn công nhằm vào nhà riêng của ông do các nhóm “bạo lực” tiến hành.

 Viện Công tố Bolivia cũng thông báo cảnh sát nước này đã bắt giữ bà Maria Eugenia Choque, cựu lãnh đạo Tòa án Bầu cử Tối cao (TSE), vì liên quan đến những hành vi sai phạm trong việc thống kê kết quả bầu cử tổng thống Bolivia. Bà  Choque đã từ chức sau khi Tổng thống Morales có động thái tương tự.

Đại diện đại sứ quán các nước Venezuela, Cuba và Mexico hôm 10-11 thông báo về loạt vụ tấn công của các nhóm đối tượng nhằm vào trụ sở của những cơ quan ngoại giao này tại thủ đô La Paz. Đại sứ Venezuela tại Bolivia Crisbeylee Gonzalez  cho biết một nhóm người bịt mặt đã tấn công đại sứ quán Venezuela  bằng thuốc nổ và chiếm trụ sở cơ quan ngoại giao này. Bà Gonzalez cho rằng đây là vụ tấn công do những đối tượng thuộc phe đối lập tiến hành. Đại sứ quán Cuba tại Bolivia cho biết một số biểu ngữ có nội dung bạo lực và đe dọa đã được đặt trước hàng rào của cơ quan đại diện ngoại giao này ở La Paz.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết