12/11/2020 - 21:35

Sôi động cuộc đua tìm kiếm tài nguyên biển sâu 

Thiết bị chở người mang tên “Người phấn đấu” của Trung Quốc vừa lặn xuống tới độ sâu 10.909m tại rãnh Mariana ở Thái Bình Dương. Sứ mệnh này đánh dấu bước đi mới nhất của Bắc Kinh trong tham vọng săn tìm tài nguyên dưới biển sâu.

Không chỉ nghiên cứu khoa học

Tàu lặn “Người phấn đấu” mất gần 4 giờ để xuống tới độ sâu 10.909m. Ảnh: Daily Mail

Tàu lặn “Người phấn đấu” mất gần 4 giờ để xuống tới độ sâu 10.909m. Ảnh: Daily Mail

Kết quả đạt được hôm 10-11 đã xô đổ thành tích lặn sâu hơn 10.109m mà trước đó chính Trung Quốc thiết lập, đồng thời suýt chút nữa vượt qua kỷ lục thế giới về tàu lặn sâu nhất tại rãnh Mariana. Kỷ lục này hiện do nhà thám hiểm người Mỹ Victor Vescovo nắm giữ khi ông chạm tới độ sâu 10.927m vào tháng 5-2019. Được biết, điểm sâu nhất trên Trái đất là vực Challenger Deep ở rãnh Mariana với độ sâu xấp xỉ 11.033m.

Từ năm 2016, Trung Quốc đã bắt tay phát triển dự án tàu lặn “Người phấn đấu” với sức chứa 3 người. Đến tháng 2 năm nay, công đoạn lắp ráp cuối cùng hoàn tất theo đúng kế hoạch. Trong những tháng sau đó, tàu được hạ thủy, thể hiện sự ổn định và khả năng vận hành tốt trong cả 25 lần thử nghiệm.

Thật ra, “Người phấn đấu” không phải thiết bị thám hiểm biển sâu có người lái đầu tiên của Trung Quốc. Vào tháng 6-2012, tàu lặn Giao Long của nước này từng lập kỷ lục thế giới khi đạt độ sâu 7.062m. Chiếc thứ hai mang tên “Chiến binh biển sâu” có khả năng lặn sâu 4.500m.

Tuy nhiên, mục đích của Trung Quốc khi thực hiện vụ lặn bằng tàu mới không chỉ là nghiên cứu khoa học. Nói như Giám đốc thiết kế Ye Cong, đáy biển chứa nhiều nguồn tài nguyên và những thiết bị lặn công nghệ cao có thể giúp Bắc Kinh vẽ ra một “bản đồ kho báu” của biển sâu. Trong một bài bình luận về chuyến thám hiểm của “Người phấn đấu” trên tài khoản WeChat, tác giả viết rằng: “Nhật Bản đã phát hiện mỏ đất hiếm ở Thái Bình Dương, nơi trữ lượng có thể lớn gấp 1.000 lần trên đất liền. Nếu chúng tôi không thám hiểm đáy đại dương, những nước khác sẽ nhảy vào”.

Cuộc đua đầy cam go

Đất hiếm được sử dụng trong mọi lĩnh vực sản xuất từ pin điện thoại thông minh cho tới xe điện. Trung Quốc hiện đang nỗ lực để duy trì vị thế quốc gia nắm giữ phần lớn nguồn cung cấp đất hiếm cho thế giới. Dù vậy, Bắc Kinh phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt từ nhiều nước trên thế giới.

Đơn cử như năm 2018, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tìm thấy mỏ đất hiếm với trữ lượng lên tới 16 triệu tấn ở gần đảo Minamitori, cách thủ đô Tokyo 1.850km về phía Đông Nam. Khu mỏ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản nên nước này có toàn quyền khai thác. Mỏ đất hiếm này đủ để đáp ứng nhu cầu của nhân loại trong vài thế kỷ. Cũng trong năm đó, Ấn Độ được cho sẵn sàng chi hơn 1 tỉ USD trong một thập niên vào các hoạt động lặn xuống đáy biển nhằm tìm kiếm dấu hiệu về đất hiếm hoặc khoáng sản có thể khai thác được.

Trong bối cảnh trên, Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) dự định sẽ thông qua bộ quy tắc khai thác khoáng sản dưới đáy biển vào giữa năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Tổng Thư ký ISA Michael Lodge từng nói rằng Trung Quốc có khả năng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu khai thác khoáng sản dưới đáy biển nếu các quy tắc khai thác quốc tế được thông qua. Theo ông, nhu cầu về khoáng sản rất lớn và ngày càng tăng. Không riêng Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, các quốc gia châu Âu gồm Bỉ, Anh, Đức và Ba Lan cũng như các nước Trung Đông rất quan tâm đến khai thác tài nguyên biển sâu.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết