16/12/2024 - 09:18

Số phận bấp bênh của lao động nhập cư ở Saudi Arabia 

Dự kiến, hàng triệu lao động nhập cư sẽ tham gia xây dựng 11 sân vận động mới, mạng lưới giao thông và 185.000 phòng khách sạn ở Saudi Arabia, sau khi quốc gia này giành được quyền đăng cai World Cup 2034. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo giải đấu bóng đá này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với lao động nước ngoài tại Saudi Arabia, bao gồm nguy cơ bị lạm dụng và tử vong.

Lao động người Pakistan làm việc tại Saudi Arabia. Ảnh: AFP

Điển hình như trường hợp của Shahadat, một người Bangladesh đến Saudi Arabia với mục đích kiếm tiền gửi về gia đình nghèo khó ở quê nhà. Nhưng trong nhiều năm, ông này chỉ kiếm đủ tiền sống qua ngày, gửi một ít về nhà mỗi tháng và cố gắng trả khoản nợ khổng lồ vì chi phí sang Saudi Arabia. Sau khi bị một chủ lao động không gia hạn giấy phép cư trú, Shahadat rơi vào cảnh sinh sống bất hợp pháp và khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế khi sức khỏe bắt đầu suy yếu. Chật vật kiếm việc, Shahadat phải vay thêm tiền để trang trải. Nhưng rồi hành trình nơi xứ người của Shahadat đột ngột kết thúc khi ông được phát hiện đã qua đời trong khi ngủ.

Cái chết của Shahadat chỉ là một trong nhiều ca tử vong không rõ nguyên nhân của những người lao động Bangladesh tại Saudi Arabia trong năm nay. Theo ghi nhận của Chính phủ Bangladesh, ít nhất 13.685 công dân nước này đã tử vong tại Saudi Arabia trong giai đoạn 2008-2022. Còn theo điều tra của Guardian, trung bình có 4 lao động người Bangladesh tử vong mỗi ngày tại Saudi Arabia vào năm 2022. Đáng nói là phần lớn trường hợp tử vong không được giải thích và điều tra, khiến việc xác định nguyên nhân tử vong trở nên khó khăn. Các chuyên gia cho rằng điều kiện sống và làm việc khắc nghiệt mà nhiều lao động tại đây phải đối mặt có thể là những yếu tố góp phần gây tử vong.

Saudi Arabia là quốc gia không chỉ được ban tặng trữ lượng dầu mỏ dồi dào, mà còn được cung cấp nguồn lao động giá rẻ đông đảo, trong đó có hàng triệu lao động đến từ Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Nepal… Tuy vậy, quốc gia vùng Vịnh này có  lịch sử bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền và bị cáo buộc về hành vi “tẩy trắng thể thao” (thuật ngữ mô tả việc các quốc gia tổ chức các sự kiện thể thao lớn nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi sự chỉ trích tiêu cực).

Trong những tháng qua, nhiều nhóm nhân quyền đã bày tỏ quan ngại về cáo buộc lạm dụng lao động nhập cư và những rủi ro khi trao quyền đăng cai World Cup cho Saudi Arabia. Chẳng hạn như Tổ chức Ân xá Quốc tế cảnh báo rằng lao động di cư sẽ phải đối mặt với tình trạng bóc lột và nhiều người sẽ chết; còn tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết người lao động tại Saudi Arabia dễ bị lạm dụng trên diện rộng, bao gồm việc phả trả phí tuyển dụng cắt cổ, bị quỵt lương, bị chủ lao động tịch thu hộ chiếu và lao động cưỡng bức.

Trước Saudi Arabia, Qatar cũng từng bị chỉ trích nặng nề vì cách đối xử với lao động nhập cư tham gia vào các hoạt động chuẩn bị cho World Cup 2022.

NGUYỆT CÁT (Theo Guardian, CNN)

 

Chia sẻ bài viết