28/08/2016 - 15:14

Siết chặt quản lý thị trường

Thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Cần Thơ (Ban Chỉ đạo 389/TP) có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn không ít những khó khăn, hạn chế. Do đó, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh việc học tập, trao đổi kinh nghiệm để siết chặt quản lý thị trường.

Nhằm kiểm soát chặt thị trường, Ban Chỉ đạo 389 TP Cần Thơ tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và của UBND thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung tổ chức đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phòng chống tiêu cực tham nhũng nhằm từng bước xã hội hóa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ của các hiệp hội, doanh nghiệp.

 Đoàn công tác Ban Chỉ đạo 389/TP Cần Thơ cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Trị trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Trên thực tế, các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại ngày càng tinh vi, trong khi hệ thống pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng gian, hàng giả chưa hoàn thiện; một số lĩnh vực còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Việc thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi vi phạm rất khó khăn. Chẳng hạn, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước còn chồng chéo quy định về hành vi, mức phạt,… gây khó khăn trong việc áp dụng xử phạt. Ông Nguyễn Văn Sanh, Chi Cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường, thành viên Ban Chỉ đạo, cho rằng: "Trong 8 tháng đầu năm 2016, Chi cục QLTT TP Cần Thơ đã kiểm tra, xử lý 1.679 vụ, xử phạt 11,481 tỉ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu 957 triệu đồng. Để kiểm soát chặt thị trường cần có sự tham gia của cán bộ tòa án trong những đợt tập huấn ngành để nắm về nguyên tắc xử lý vi phạm. Trong việc thu giữ hàng hóa xử lý, chẳng hạn đối với rượu ngoại, QLTT rất khó để thẩm định vì theo qui định phải đủ 100 chai cùng lô mới đủ thẩm định trong khi việc thu giữ gần như khó để đủ 100 chai cùng lô". Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, một số văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa các địa phương. Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã phối hợp rất tốt trong công tác này; đồng thời công khai thông tin rộng rãi trong nhân dân. UBND TP Đà Nẵng đã công khai đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389/TP trực tiếp qua số điện thoại của trưởng và phó Ban Chỉ đạo, số fax và địa chỉ email. Việc công khai này nhằm tiếp nhận thông tin tố giác về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp nhận thông tin cá nhân, đơn vị chức năng không thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, có hành vi tiêu cực, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo 389 TP Đà Nẵng đã kiểm tra trên 5.000 vụ, xử lý gần 4.200 vụ, xử phạt trên15,2 tỉ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu 540 triệu đồng, đạt 78% kế hoạch năm 2016. Các vụ việc nổi trội từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP Đà Nẵng là các buôn lậu thuốc lá điếu ngoại, vi phạm về bán hàng đa cấp... Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, nhấn mạnh: "Để kiểm soát chặt hoạt động bán bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố, sở sẽ chỉ đạo cho Chi cục QLTT phối hợp với lực lượng Công An. Theo đó, chỉ cần phát hiện có hoạt động bán hàng đa cấp (không cần lập chi nhánh mà chỉ có người "đứng điểm") thì QLTT phải đến nghe họ đang làm gì. Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì mời các cơ quan truyền thông đến để phản ánh nhằm cảnh báo, tuyên truyền cho người dân tránh dẫn đến các hậu quả đáng tiếc".

Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Tỉnh nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Có đường biên giới trên đất liền và đường sông tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay và 4 cửa khẩu phụ…. Với những đặc điểm vị trí địa lý kinh tế là lợi thế lớn của tỉnh để mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Nhưng, đây cũng chính là những khó khăn trong công tác kiểm soát, QLTT, đặc biệt tại các khu vực biên giới. Tại các khu vực cửa khẩu, tình hình buôn bán và vận chuyển trái phép các chất ma túy, pháo nổ diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trên tuyến biên giới Việt – Lào các đối tượng lợi dụng cơ chế xuất khẩu hàng từ trong nước sang Lào được hoàn thuế và hàng do nước ngoài sản xuất để xuất quá cảnh qua Lào như: rượu ngoại, bia, sữa bột… sau đó tìm cách thẩm lậu về Việt Nam để tiêu thụ. Dọc sông biên giới, các đối tượng buôn lậu lén lút tập kết hàng hóa bên phía Lào (chủ yếu là thuốc lá và hàng tiêu dùng), lợi dụng địa hình phức tạp, các đường mòn biên giới rồi chia lẻ hàng hóa, thuê cửu vạn gùi hàng qua biên giới… Tại thị trường nội địa, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng vi phạm dán tem, quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra. Các hành vi gian lận thương mại chủ yếu là vi phạm về kê khai giá bán thấp hơn giá thị trường để trốn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp (xe gắn máy, ô tô, gỗ nhập khẩu…). Trong 8 tháng 2016, Chi cục QLTT Tỉnh Quảng Trị đã xử phạt hành chính các vụ vi phạm 10 tỉ đồng.

Ông Đoàn Quang Việt, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Các mặt hàng giả chủ yếu là mỹ phẩm với phương thức như cắt bỏ mã vạch của hàng nhập sau đó dán mã vạch hàng Việt Nam hoặc lấy hàng có xuất xứ Trung Quốc dán mã giả hàng Thái Lan, hàng Lào để tiêu thụ trên thị trường. Trong tháng thực hiện cao điểm (tháng 7-2016) QLTT đã phạt vi phạm hành chính gần 4 tỉ đồng. Nhằm quản lý chặt thị trường, Ban Chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng tập trung đấu tranh vào các địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Thực hiện tốt qui chế phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng thời công bố rộng rãi đến quần chúng nhân dân số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo".

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết