02/12/2023 - 15:30

Sĩ diện hão... 

Vì nhiều lý do, không ít người cố tạo cho mình một vỏ bọc lung linh, hoàn mỹ để được trầm trồ, ngưỡng mộ, dù sự thật khác xa. Ðể giữ gìn hình ảnh, đôi khi người trong cuộc phải trả giá vì đã không sống đúng với thực tế của bản thân…

Nhiều người thích tạo cho mình “vỏ bọc” thật hoàn hảo, nhất là khi tham gia mạng xã hội (ảnh mang tính minh họa).

Chị T ở quận Cái Răng, rất chú trọng hình thức bên ngoài nên dù kinh tế không khá mấy, chị vẫn mạnh tay đầu tư quần áo, xe cộ, điện thoại đời mới… Ðể “bằng chị bằng em”, chị T vay tiền mua chiếc xe tay ga gần trăm triệu đồng. Nợ này vừa trả dứt thì một số bạn chơi chung sắm ô tô, chị cũng sốt sắng học lái xe và nhờ chồng đứng tên mua xe trả góp. Sau đó, chị T lại bàn với chồng sửa nhà vì bạn bè đều cất nhà mới. Chồng chị T lấy giấy tờ đất vay nửa tỉ đồng, xây thêm tầng lầu theo ý vợ. Tiếp đó, chị T mua sắm đồ gia dụng đắt tiền để trang trí nhà. Trên Facebook, Zalo của chị T tràn ngập hình ảnh nhà cửa, xe cộ, cảnh chị đến các trung tâm thương mại lớn, cửa hàng đồ hiệu nổi tiếng ăn uống, mua sắm… Trong mắt mọi người, chị T là mẫu phụ nữ thành đạt, hiện đại, giàu có... Ðược bạn bè, người quen bình luận, khen ngợi làm chị T rất hãnh diện.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự hào nhoáng bên ngoài, thực tế mỗi tháng vợ chồng chị T phải vất vả gồng gánh trả nợ ngân hàng, nuôi 3 đứa con đang tuổi đi học. Cả năm nay, công việc chồng chị T gặp khó khăn, công ty nơi chị đang làm cũng bị giảm đơn hàng, thu nhập chỉ bằng nửa so với trước. Quen tay tiêu xài, chị T thường ứng trước lương, làm thẻ tín dụng và đã sử dụng một khoản tiền khá lớn. Khi chồng góp ý đề phòng nợ xấu thì đôi bên xảy ra mâu thuẫn. Ðến nước này, chồng chị T chấp nhận lỗ nặng, nhờ người bán ô tô để bớt chi phí, đề nghị vợ không đăng hình ảnh “khoe của” nữa mà phải lập lại kế hoạch chi tiêu tiết kiệm để “đi đường dài”.

Cũng vì muốn chứng tỏ đẳng cấp, chị N ở quận Ninh Kiều, cho con gái học trường quốc tế, trang bị cho con toàn hàng hiệu, từ vật dụng cá nhân, quần áo đến đến giường ngủ, xe đạp; sữa, thực phẩm cũng sử dụng hàng ngoại nhập đắt tiền… Bản thân chị N đi xe xịn, đeo nhiều nữ trang. Trong lớp của con, chị N được xếp vào hàng “phụ huynh đại gia”, có tiếng nói, còn con gái sành điệu như tiểu thư. Thấy con dâu phung phí, má chồng góp ý nhưng chị N không nghe. Chồng chị N bận bịu đi làm cũng không mấy để ý, những lúc hỏi ở đâu có nhiều tiền thì vợ nói hùn với bạn làm ăn nên anh cũng an tâm.

Mấy tháng trước, khi có người đến nhà đòi nợ, gia đình mới tá hỏa. Thì ra thời gian qua, chị N rủ bạn góp vốn kinh doanh, trả lãi suất cao. Thấy vẻ ngoài của chị N giàu có nên mọi người tin tưởng, đưa tiền, đến khi đòi thì hứa hoài không trả. Chồng gặng hỏi, chị N mới nói thiệt tiền huy động đã tiêu xài hết, trong khi sinh hoạt phí hằng tháng chồng đóng góp không ít. Không muốn lớn chuyện, gia đình chồng bán một mảnh đất cho con dâu trả nợ. Sự việc xảy ra khiến chị N mất uy tín với người thân, bạn bè và mất cả quyền quản lý tài chính gia đình. Hối hận vì chuyện đã qua, chị N xin lỗi gia đình chồng, hứa sẽ ráng làm, dành dụm trả lại tiền miếng đất đã bán.

Sau khi tốt nghiệp đại học, C trụ lại Cần Thơ tìm việc làm. Là con trai duy nhất trong nhà, lại ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành nên ba má C rất tự hào về con. Mỗi lần về quê ở Long An, ba má hay dẫn C đến nhà người thân, bạn bè chơi, nhiều người trong xóm lấy C làm gương dạy con cái. Dẫu công việc thu nhập không cao nhưng C luôn chỉn chu đồ vest, giày hiệu, đồng hồ xịn… Mỗi khi về nhà, thường mua quà cáp, đồ đạc, có khi mượn ô tô của bạn lái về nên mọi người cứ nghĩ C rất thành đạt. Rồi C vay tiền mua căn hộ chung cư, lại được dịp khoe thành tích với bạn bè cùng lứa. Khi C cưới vợ là dân thành phố, gia đình lại càng vui mừng. C thường đưa vợ đi chơi, ăn uống những nơi sang trọng… đăng lên Facebook, tạo hình ảnh. Hết tiền, C lại đi vay mượn.

Năm rồi, nghe lời C, ba má bán mấy công đất để con đầu tư làm ăn, một phần C trả nợ, phần còn lại mở quán cà phê, ngày khai trương mời nhiều bà con ở quê lên dự. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm kinh doanh và quản lý nên C không trụ được lâu, thua lỗ, cuối cùng phải sang quán. Còn căn hộ chung cư thì C đang tìm người bán lại vì không kham nổi khoản tiền vay phải trả hằng tháng. Thất bại, khó khăn nhưng C không dám nói với gia đình. Lỡ khoác trên người vỏ bọc quá hoàn hảo nên C cảm thấy rất áp lực, lo lắng, thường bị mất ngủ. Gần đây vợ chồng C ít khi về quê vì sợ mọi người hỏi han công việc…

Người xưa có câu “biết đủ là đủ”, hạnh phúc hay giá trị bản thân không phụ thuộc vào chuyện giàu nghèo, sang hèn. Hãy trân quý hiện tại, xây dựng cuộc sống ổn định, bền vững bằng những điều thực tế, tự thân. Không nên vì sĩ diện mà quá đề cao những thứ bên ngoài, cố chạy đua theo vật chất, bám víu vào những điều ngoài tầm tay, không thật. Hậu quả dễ mất thăng bằng, không chỉ ảnh hưởng bản thân, gia đình mà đôi khi còn đánh mất những gì đang có…

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết