11/02/2020 - 20:46

Sẻ chia, không kỳ thị để vượt qua dịch bệnh 

Mấy ngày qua, khi biết tin Bộ Quốc phòng chọn Sân bay Cần Thơ là phương án 2 để đón và Trường Quân sự thành phố Cần Thơ là nơi tiếp nhận, cách ly những công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về, nhiều người dân thành phố bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc làm mang đậm tính nhân văn của Nhà nước và quân đội ta đối với đồng bào mình. Thế nhưng, vẫn có một số người tỏ ra lo ngại khi biết thông tin này. Đáng nói hơn là từ những lo ngại ban đầu đó đã tạo ra dư luận râm ran về chuyện dịch nCoV có thể lan tỏa ở vùng đất Tây Đô từ những người Việt trở về từ Trung Quốc.

Lo lắng, e ngại là điều dễ hiểu khi mà dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số người mắc và tử vong  không ngừng gia tăng. Ở nước ta, nguy cơ của dịch bệnh này vẫn đang đe đọa nhiều địa phương. Nhưng bên cạnh nỗi lo đó thì sự thiếu hiểu biết, hiểu biết chưa đầy đủ về dịch bệnh, về quan điểm, mục tiêu, phương thức phòng chống dịch của Nhà nước ta trong từng giai đoạn rồi từ đó loan truyền những thông tin không chuẩn xác, thông tin tiêu cực cũng tạo ra mối lo ngại và nguy cơ không kém (nếu không muốn nói là không hề nhỏ) trong cuộc chiến với nCoV hiện nay và sắp tới.

Trên thực tế, việc chọn Cần Thơ là một trong những điểm dự phòng để tiếp nhận, cách ly những người trở về từ vùng dịch ở Trung Quốc đã được Nhà nước, quân đội và cấp ủy, chính quyền thành phố tính toán kỹ lưỡng. Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 20km, khuôn viên Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh ở Trường Quân sự Cần Thơ (nơi chuẩn bị tiếp nhận và cách ly những người được đưa về từ Trung Quốc) tương đối biệt lập với khu vực dân cư xung quanh. Trong điều kiện thời tiết nắng ấm hiện nay, với vị trí thoáng rộng có 54 phòng đủ sức tập trung để cách ly khoảng 250-300 người, với những điều kiện ăn, ở được chuẩn bị chu đáo; những người được cách ly sẽ được khám sức khỏe, đo thân nhiệt nhiều lần trong ngày, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Mặt khác, cần hiểu rằng việc đưa những người Việt đang sinh sống, lao động, học tập ở Trung Quốc về nước trong bối cảnh hiện nay không có nghĩa là đem mầm bệnh về nước, bởi không phải những người này đều đã mắc bệnh hay dương tính với xét nghiệm nCoV. Họ được cách ly để theo dõi, phân lập xem ai đã nhiễm, ai chưa nhiễm bệnh; từ đó được các bác sĩ phân lập để cách ly theo từng đối tượng, từng nhóm đối tượng nhằm dễ kiểm soát, điều trị, giúp họ chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng dịch lây lan trong cộng đồng mà không biết, không kiểm soát được.

Nói đến chuyện này chợt nhớ đến chuyện gần đây, khi dịch mới phát ở nước ta, một vài nơi đã bày tỏ sự kỳ thị, không đón nhận khách là người Trung Quốc với suy nghĩ rằng họ đến từ xứ sở khởi phát dịch Corona và đang mang dịch bệnh đến để lây nhiễm cho nhiều nơi khác (!). Điều này thật đáng quan ngại vì trên thực tế có nhiều người Trung Quốc đang sống ở Việt Nam không liên quan gì đến dịch bệnh ở trong nước họ (chẳng hạn những sinh viên, công nhân, doanh nhân, chuyên gia,… nhiều năm ở Việt Nam nhưng chưa về nước tính đến thời điểm bùng phát dịch ở tỉnh Hồ Bắc). Chính sự kỳ thị đã khiến cuộc sống của những người này hiện tại gặp không ít khó khăn.

Cảnh giác là rất cần thiết trong tình hình dịch Corona đang lây lan nhanh và diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay. Song, việc kỳ thị với những người Việt về từ vùng dịch hay những người Trung Quốc đã và đang sống ở Việt Nam lâu nay không phải là cách để phòng tránh nCoV mà ngược lại có thể đem đến những hệ lụy khó lường. Có thời kỳ, do chưa nhận thức đúng và đầy đủ nên có lúc, có nơi, chúng ta đã từng kỳ thị với những người nhiễm HIV/AIDS. Kết quả là gì? Rất nhiều người nhiễm HIV không dám khai báo bệnh hay đi xét nghiệm, không hợp tác với ngành y tế, với cộng đồng để phòng bệnh lây; thậm chí có không ít trường hợp vì bị kỳ thị đã trở nên hận đời, có những hành động trả thù đời, cố tình gieo rắc virus HIV ra cộng đồng vì họ cho rằng “đằng nào cũng chết, có thêm nhiều người cùng chết cho vui” (!).Và thực tế đã chứng minh, khi sự kỳ thị với những người nhiễm HIV bị đẩy lùi, thay vào đó là sự chia sẻ, thấu hiểu, hợp tác cùng nhau phòng tránh, ngăn chặn, Việt Nam đã từng bước đẩy lùi, tiến tới kiểm soát được và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lây nhiễm HIV trong những năm gần đây.

Đã là con người thì dù bất kỳ ai, ở bất kỳ nước nào trên thế giới cũng đều muốn được sống bình an, hạnh phúc, được giúp đỡ và chia sẻ trong khó khăn, hoạn nạn. Trong dịch Corona hiện nay cũng vậy. Con nCoV không thể tồn tại lâu nơi có nhiệt độ cao. Cùng với sự nóng ấm từ nhiệt độ cao của thời tiết thì sự nóng ấm lan tỏa từ sự hiểu biết đúng đắn về dịch bệnh, về cách phòng tránh dịch bệnh và nhất là lòng nhân ái, từ tấm lòng sẻ chia, cùng giúp nhau vượt qua dịch bệnh sẽ tạo ra một sức đề kháng mạnh mẽ để sớm đẩy lùi nCoV.

NGUYỄN VŨ

Chia sẻ bài viết