11/05/2021 - 16:33

Scotland lại muốn trưng cầu dân ý về độc lập 

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon vừa khẳng định với Thủ tướng Boris Johnson rằng cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai để tách vùng lãnh thổ này khỏi Anh “là vấn đề thời gian, chứ không phải có hay không”, sau khi đảng Dân tộc Scotland (SNP) của bà giành chiến thắng trong 4 kỳ bầu cử liên tiếp.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon. Ảnh: AP

Theo kết quả được công bố hôm 8-5, SNP đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương tại vùng lãnh thổ của Anh khi chiếm 64 trong tổng số 129 ghế tại Nghị viện Scotland. Tuy SNP thiếu đúng một ghế (65 ghế) để chiếm đa số tuyệt đối nhưng phe ủng hộ độc lập vẫn giành đa số nhờ sự giúp sức của 8 thành viên từ đảng Xanh Scotland.

Trong cuộc điện đàm với ông Johnson ngày 9-5, Thủ hiến Sturgeon nhấn mạnh trong khi ưu tiên hiện nay của bà là giúp Scotland vượt qua đại dịch COVID-19, thì cuộc trưng cầu dân ý mới về “sự ly khai” của vùng đất này khỏi Vương quốc Anh là điều không thể tránh khỏi. Trước đó, nữ chính khách 50 tuổi nói bà không loại trừ khả năng thông qua dự luật để mở đường cho cuộc bỏ phiếu vào đầu năm tới. Bà Sturgeon thậm chí cảnh báo rằng “bất cứ chính trị gia nào ở Luân Ðôn” cản đường cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai là “chọn chiến đấu với nguyện vọng dân chủ của người dân Scotland”.

Phát biểu trên được cho là nhằm vào Thủ tướng Johnson, người nắm quyền quyết định có cho phép tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác ở Scotland hay không. Ðến nay, ông Johnson vẫn giữ lập trường phản đối khi phê phán cuộc trưng cầu dân ý như thế trong bối cảnh Anh đang phục hồi từ đại dịch là “vô trách nhiệm và liều lĩnh”. Nhà lãnh đạo xứ sương mù còn khăng khăng rằng vấn đề này đã được giải quyết trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, sự kiện chứng kiến 55% cử tri Scotland bỏ phiếu lựa chọn ở lại với Vương quốc Anh.

Về phần mình, phe ủng hộ cuộc trưng cầu lần thứ hai cho rằng tình cảnh hiện nay đã thay đổi bởi sự kiện Brexit, tức Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Việc Brexit kéo Scotland ra khỏi EU là đi ngược lại mong muốn của Scotland bởi từng có tới 62% người dân vùng này phản đối ý tưởng “ly hôn” Brussels trong cuộc trưng cầu dân ý liên quan năm 2016. Ông Johnson từng là “kiến trúc sư” của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016. Brexit ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu, đặc biệt là đối với ngành ngư nghiệp hết sức quan trọng, do vậy càng chọc giận dân Scotland. Hiện nay, nhiều người dân Scotland muốn tái hợp EU và coi trưng cầu dân ý về độc lập như một bước đi trong lộ trình này. Ngoài ra, lãnh đạo các đảng ủng hộ độc lập đã phát tín hiệu sẽ đưa cuộc trưng cầu dân ý lần hai lên đầu chương trình nghị sự ngay khi Scotland phục hồi từ đại dịch. Có điều là các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ tán thành ly khai đã giảm trong những tuần gần đây và nay chỉ còn 50%.

Tiền đề cho mâu thuẫn Scotland - Anh?

Trong khi đó, giới phân tích dự báo viễn cảnh về những cuộc chiến pháp lý cam go hơn, nhiều khả năng kết thúc tại Tòa án Tối cao Anh nếu Scotland vẫn dọa tiến hành cuộc trưng cầu dân ý bất chấp sự phản đối của Luân Ðôn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Thủ tướng Johnson có thể tìm cách bào mòn tâm lý ủng hộ độc lập của dân Scotland bằng cách rót tiền vào vùng này. Và nếu áp lực tiếp tục tăng, ông Johnson cũng có thể sẽ trao thêm quyền hành cho Chính phủ Scotland.

Theo những điều khoản của chính phủ tự trị có giới hạn trong Vương quốc Anh, chính quyền Scotland chịu trách nhiệm về các vấn đề như y tế và giáo dục, trong khi Chính phủ Anh quản lý chuyện nhập cư, chính sách đối ngoại và tài khóa. Các chuyên gia nhận định mục tiêu của ông Johnson có thể là “câu giờ”, trì hoãn bất cứ cuộc trưng cầu dân ý nào cho đến sau khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo ở Anh, dự kiến vào năm 2024.

Mất Scotland sẽ là tổn thất rất nặng nề đối với Thủ tướng Johnson. Nếu Scotland trở thành quốc gia độc lập, Vương quốc Anh không chỉ mất 8% dân số và 1/3 tổng diện tích mà uy tín trên trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, NY Times)

Chia sẻ bài viết