13/11/2022 - 21:08

Saudi Arabia tìm đối trọng với phương Tây 

HẠNH NGUYÊN (Theo The New Arab)

Khi quan hệ với Mỹ gặp trắc trở, Saudi Arabia bắt đầu tìm kiếm những lựa chọn mới nhằm mở rộng ảnh hưởng địa chính trị, mà phương Đông được cho là sự lựa chọn khả dĩ nhất.

Ông Mohammed bin Salman (trái) trong lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2018. Ảnh: AP

Ông Mohammed bin Salman (trái) trong lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2018. Ảnh: AP

Washington và Riyadh lâu nay là đồng minh thân cận, nhưng quan hệ song phương đã suy yếu kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, lên tiếng chỉ trích vấn đề nhân quyền của vương quốc giàu dầu mỏ. Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 càng đẩy Saudi Arabia vào thế khó sau khi cơ quan tình báo Mỹ phát hiện có sự liên quan của giới chức Riyadh. Lo sợ bị tẩy chay và cô lập chính trị, Saudi Arabia khẩn trương tìm kiếm các đồng minh mới tại phía Đông nhằm làm đối trọng với thế giới phương Tây.

Một trong số những bước đi đầu tiên là tìm cách gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), hiện chiếm gần 41% dân số thế giới, 1/4 GDP toàn cầu và 16% thương mại quốc tế. Gần đây, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, Saudi Arabia bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS và việc bổ sung các nước này sẽ là chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra tại Nam Phi vào năm 2023.

Khi vào BRICS, Saudi Arabia sẽ xích lại gần hơn với quỹ đạo của Trung Quốc. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, bất cứ xích mích nào giữa Mỹ và Saudi Arabia cũng có thể tạo thêm cơ hội cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng đối với Riyadh. Dễ hiểu khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố nước này “ủng hộ và hoan nghênh” việc Saudi Arabia tìm cách gia nhập BRICS.

Đề cập lợi ích của Saudi Arabia khi gia nhập BRICS, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trung Quốc cho rằng ý tưởng gia nhập khối cho thấy Riyadh ngày càng độc lập về ngoại giao với Washington. Theo vị này, trở thành thành viên BRICS cũng sẽ bảo vệ lợi ích năng lượng của Saudi Arabia theo cách bền vững, thay vì trở thành “lá bài” để các bên khác sử dụng.

Ngoài ra còn có yếu tố Nga. Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến việc tái cơ cấu chính sách đối ngoại trở thành nhiệm vụ nặng nề đối với phần lớn các quốc gia. Việc Saudi Arabia tích cực ủng hộ những lợi ích của Nga đã là phép thử đối với nền tảng trong quan hệ Saudi Arabia - Mỹ ở nhiều thời điểm. Vấn đề càng phức tạp hơn khi Saudi Arabia và Mỹ không đạt được thỏa thuận nào về tăng sản lượng dầu trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Biden đến Riyadh. Hồi tháng rồi, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) do Saudi Arabia dẫn đầu thậm chí đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11, bất chấp sự vận động của Mỹ nhằm nâng sản lượng để đối phó với giá cả tăng cao.  Kết quả là truyền thông loan tin Tổng thống Biden không có kế hoạch gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Hội nghị G20 ở Indonesia vào tuần này.

Với mục đích thảo luận về chiến lược độc lập dầu mỏ với 2 trong số những khách hàng lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia đã có chuyến thăm New Delhi hồi tháng 10. Trong khi đó, sau cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Saudi Arabia Faisal bin Farhan, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ra tuyên bố chung, ca ngợi việc “Riyadh theo đuổi chính sách độc lập năng lượng và những nỗ lực duy trì sự ổn định của thị trường năng lượng quốc tế”. Trong những tháng gần đây, Saudi Arabia và Trung Quốc cũng đã cân nhắc việc thanh toán tiền mua dầu của Riyadh bằng đồng nhân dân tệ. Bên cạnh đó, Saudi Arabia sẽ xúc tiến kế hoạch thành lập nhà máy lọc dầu trị giá 10 tỉ USD tại Pakistan cũng như xem xét một thỏa thuận 3 bên giữa Riyadh, Islamabad và Bắc Kinh. Thái tử Mohammed bin Salman dự kiến sẽ thăm Pakistan trong tháng này.

 

Chia sẻ bài viết