16/05/2020 - 08:59

Sanofi bị chỉ trích vì “ưu ái” Mỹ 

Hôm 14-5, hơn 140 nhà lãnh đạo và chuyên gia trên thế giới đồng thanh kêu gọi cung cấp miễn phí cho mọi người những loại vaccine phòng COVID-19 nếu điều chế thành công trong tương lai, trong bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa các công ty dược phẩm và chính phủ một số nước.

Tập đoàn Sanofi của ông Hudson có 73 chi nhánh tại 32 quốc gia. Ảnh: AFP 

Trong thư ngỏ, các nhà lãnh đạo cho rằng không nên cấp bằng sáng chế cho các vaccine và phương pháp điều trị COVID-19, thay vào đó những đột phá trong khoa học phải được chia sẻ rộng rãi. Lời thúc giục đưa ra một ngày sau khi hãng dược đa quốc gia của Pháp Sanofi “gây bão” dư luận khi tuyên bố bất cứ vaccine nào họ tìm ra được sẽ ưu tiên cho dân Mỹ. “Chính phủ Mỹ có quyền nhận hàng đặt trước với số lượng lớn nhất vì họ đã mạo hiểm đầu tư” - Giám đốc điều hành Sanofi Paul Hudson nói với báo Bloomberg.

Phát biểu trên đã chọc giận các chuyên gia y tế và Ủy ban châu Âu (EC), những người nói rằng Sanofi từng nhận hàng chục triệu euro từ Paris trong những năm gần đây. Chính phủ quốc gia hình lục lăng mô tả bình luận của ông Hudson là không thể chấp nhận được. Trên trang Twitter, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định “bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine là điều không thể đem ra bàn cãi”. Không chỉ trong nước, truyền thông Đức cũng “chê” Sanofi tầm thường, muốn “tống tiền” chính phủ các nước để nhận những trợ cấp hấp dẫn. Được biết, phía Mỹ đã tài trợ hơn 27 triệu euro cho chương trình nghiên cứu vaccine của hãng này.

Nhằm xoa dịu căng thẳng, Giám đốc chi nhánh Sanofi tại Pháp Olivier Bogillot đính chính rằng “mục tiêu là cung cấp vaccine cho Mỹ cũng như Pháp và châu Âu cùng một lúc”. Tuy nhiên, ông nói “điều đó chỉ khả thi nếu châu Âu cũng khẩn trương như Mỹ”, bởi Washington đã cam kết chi “hàng trăm triệu euro”. Trong khi đó, Chủ tịch hãng này Serge Weinberg lên tiếng cam kết vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 nếu được phê duyệt sẽ được cung cấp đến mọi vùng trên thế giới cùng một lúc. Mặc dù ông Hudson đã lên tiếng xin lỗi, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn rất tức giận và sẽ có cuộc trao đổi với ông này vào ngày 19-5 tới.

►Chỉ trích năng lực của châu Âu

Hồi tháng rồi, Sanofi đã hợp tác với hãng GlaxoSmithKline của Anh nghiên cứu một loại vaccine và tuyên bố có thể sản xuất 600 triệu liều mỗi năm. Dự án này được tài trợ bởi Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ. Thật ra, trong nhiều tháng qua, Hudson đã chỉ trích năng lực phát triển và sản xuất vaccine của châu Âu. Ông muốn lục địa già cũng thành lập một cơ quan tương tự như BARDA của Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) nêu rõ mục tiêu của tổ chức này là đảm bảo bất cứ vaccine nào đều đến tay người dân trên khắp thế giới. Trên cơ sở đó, EC trong tháng 4 đã phát động chiến dịch trên toàn cầu nhằm gây quỹ 7,4 tỉ euro để nghiên cứu các vaccine phòng COVID-19, thuốc điều trị và thử nghiệm. Hồi tuần rồi, Anh, Trung Quốc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Nhật Bản và nhiều nước châu Phi đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19. Cuộc gặp trực tuyến này đã huy động được hơn 7,4 tỉ euro để điều chế vaccine tiềm năng. Dù vậy, Mỹ đã từ chối tham dự và dường như quyết tâm theo đuổi con đường nghiên cứu vaccine riêng.

Ồn ào trên cũng đã phơi bày những xung đột mà các công ty đa quốc gia và chính phủ đối mặt trong cuộc đua phát triển vaccine ngừa COVID-19. Hiện có 100 loại vaccine đang được thử nghiệm, trong đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định ít nhất 7 vaccine tiềm năng.

HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian, Reuters)

Chia sẻ bài viết