30/08/2021 - 21:16

Sân bay Kabul bị tấn công bằng rocket 

uân đội Mỹ rạng sáng 30-8 đã kích hoạt hệ thống phòng không để đánh chặn hàng loạt rocket nhắm vào sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, Afghanistan. Vụ việc xảy ra chưa đầy 48 giờ trước khi Mỹ hoàn tất rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này.

Các tay súng Taliban điều tra chiếc xe nghi đã bắn loạt rocket vào sân bay Kabul hôm 30-8. Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters dẫn lời một cựu quan chức Afghanistan cho biết nhiều quả rocket đã được phóng từ một xe hơi ở phía Bắc Kabul. Hình ảnh của các nhân chứng cho thấy khói bốc lên dày đặc gần sân bay. Nhiều người đã nghe thấy ít nhất 3 tiếng nổ lớn, sau đó là vệt sáng lóe trên bầu trời và những tiếng súng. Loạt rocket này được cho là nhắm vào các binh sĩ Mỹ. Chưa có báo cáo về thương vong sau vụ tấn công. Hệ thống phòng thủ tên lửa C-RAM đặt trong sân bay Kabul được khai hỏa và vô hiệu hóa 5 quả rocket, theo một quan chức Mỹ. Một số hình ảnh đăng trên mạng xã hội còn cho thấy một chiếc xe bốc cháy sau khi bị trúng đòn đáp trả.

Trong bối cảnh trên, các chuyến bay sơ tán tại sân bay vẫn tiếp tục, ưu tiên những người có nguy cơ cao. Tính đến ngày 29-8, chỉ còn hơn 1.000 dân thường đang đợi lên máy bay ở sân bay Kabul khi quân đội Mỹ tiến hành giai đoạn sơ tán cuối cùng và chính thức chấm dứt cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan.

Sứ mệnh sơ tán càng trở nên cấp bách và nguy hiểm hơn sau khi xảy ra hai vụ đánh bom tự sát bên ngoài sân bay Kabul hồi tuần rồi, khiến 13 quân nhân Mỹ và 170 người Afghanistan thiệt mạng. ISIS-K, nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Afghanistan, đã nhận trách nhiệm cuộc tấn công và Mỹ đã triển khai một số vụ không kích trả đũa. Tối 29-8, Washington thực hiện thêm đòn không kích, tiêu diệt kẻ đánh bom tự sát của ISIS-K khi hắn đang lái chiếc xe chở đầy chất nổ hướng về phía sân bay Kabul.

Pháp và Anh nêu điều kiện công nhận Taliban

Trong diễn biến khác, ngày 29-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh các cuộc thảo luận mà Pháp đang tiến hành với Taliban về việc sơ tán công dân và những người đang gặp nguy hiểm khỏi Afghanistan không phải là động thái công nhận lực lượng Hồi giáo này là những nhà cầm quyền mới tại Afghanistan.

Phát biểu trên kênh truyền hình TF1 trong chuyến thăm Iraq, Tổng thống Macron nói: “Chúng tôi có các chiến dịch được triển khai tại Afghanistan, đó là những cuộc sơ tán. Từ quan điểm thực tế, Taliban là những người đang nắm quyền kiểm soát, nên chúng tôi phải có các cuộc thảo luận với lực lượng này. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với sự công nhận. Chúng tôi đã đặt ra các điều kiện”.

Theo nhà lãnh đạo Pháp, để được công nhận là những người cầm quyền tại Afghanistan, lực lượng Taliban cần phải đáp ứng các điều kiện về quyền lợi cho người dân, trong đó bao gồm tôn trọng luật nhân đạo bằng cách cho phép những người đủ điều kiện xin tị nạn có thể rời khỏi đất nước cũng như tôn trọng quyền và phẩm giá của phụ nữ Afghanistan. Tổng thống Macron cũng yêu cầu Taliban phải “có ranh giới rõ ràng” chống lại tất cả các phong trào khủng bố.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng việc phương Tây công nhận về mặt ngoại giao đối với phong trào Taliban là có thể, tuy nhiên lực lượng này cần phải đáp ứng một số điều kiện.

Hãng thông tấn PA dẫn lời Thủ tướng Johnson cho biết: “Nếu chính quyền mới ở Kabul muốn được công nhận về mặt ngoại giao, hay dỡ bỏ đóng băng nhiều tỉ USD, họ sẽ phải đảm bảo hành lang an toàn cho những người muốn rời khỏi Afghanistan, tôn trọng các quyền của phụ nữ, ngăn không để Afghanistan một lần nửa trở thành “cái nôi” của khủng bố toàn cầu, vì điều đó sẽ là thảm họa đối với Afghanistan. Cũng như các đồng minh của chúng tôi ở Mỹ, châu Âu và trên toàn thế giới, chúng tôi sẽ can dự với Taliban không dựa trên lời nói mà căn cứ vào hành động của họ”.

Một nguồn tin ngoại giao của Anh cho biết Luân Ðôn đánh giá Nga và Trung Quốc có thể tạo ra ảnh hưởng với chính phủ mới ở Kabul, đồng thời thừa nhận sự cần thiết hợp tác với Mát-xcơ-va và Bắc Kinh trong lộ trình tới đây ở Afghanistan.

Taliban tiết lộ về thủ lĩnh tối cao

Ngày 29-8, Taliban xác nhận thủ lĩnh tối cao của lực lượng này là Hibatullah Akhundzada hiện đang ở Afghanistan. Nhân vật này chưa từng xuất hiện trước công chúng và nơi ở của người này cũng luôn là một ẩn số.

Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết: “Ông ấy hiện ở Kandahar. Ông ấy đã sống ở đó từ rất lâu rồi. Ông ấy sẽ sớm xuất hiện trước công chúng”.

Akhundzada đã lãnh đạo lực lượng Taliban từ năm 2016. Có rất ít thông tin về vai trò thường ngày của ông Akhundzada, khi hồ sơ công khai của nhân vật này chỉ hạn chế ở việc công bố những thông điệp hằng năm trong những ngày lễ của người Hồi giáo. Akhundzada cũng chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan giữa tháng này.

Kandahar là nơi khởi nguồn của phong trào Hồi giáo Taliban trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Đây cũng là nơi người sáng lập lực lượng này - Mullah Mohammad Omar sống ẩn dật.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết