10/08/2019 - 14:02

Sân bay châu Á “vươn mình” thành thành phố 

Nhiều sân bay mới tại châu Á được quy hoạch để trở thành điểm đến lý tưởng, có khu nhà ở, phòng triển lãm và cả trung tâm y tế, không khác gì một thành phố thu nhỏ.

Nằm cách thủ đô Bắc Kinh 46km về phía Nam, sân bay quốc tế Đại Hưng (ảnh) khi khánh thành vào tháng 9 tới sẽ là một trong những phi trường lớn nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc muốn công trình có kinh phí xây dựng 11,3 tỉ USD này trở thành “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp và người dân cũng như khách lữ hành. Yu Zhanfu tại hãng tư vấn Ronald Berger GmbH nhận định sân bay Đại Hưng sẽ mở đường và đảm bảo kinh tế Bắc Kinh tăng trưởng dài hạn. Nó cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao vai trò là điểm kết nối của thành phố đối với hành khách trong nước và những người xuất ngoại. Phi trường Đại Hưng sẽ tăng công suất phục vụ hành khách của Bắc Kinh hơn 70%, đồng thời giúp giảm bớt tình trạng quá tải ở sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh- nơi năm ngoái phục vụ hơn 100 triệu lượt khách và là phi trường tấp nập thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hartsfield-Jackson Atlanta của Mỹ.

Sân bay Đại Hưng cũng sẽ có một vùng kinh tế rộng 50km2, bao gồm các phòng nghiên cứu và phát triển, khu triển lãm và cơ sở chăm sóc sức khỏe. Dự kiến đến năm 2025, sân bay được cho sẽ giải quyết nhu cầu đi lại của 72 triệu hành khách/năm và đóng góp hơn 127,6 tỉ USD cho nền kinh tế của vùng. Bên cạnh đó, tập đoàn Emaar Properties PJSC của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có kế hoạch xây dựng một khu phức hợp nhà ở- giải trí trị giá đến 11 tỉ USD gần vùng kinh tế nói trên.

Ảnh: China Knowledge

Đại Hưng là một trong nhiều dự án sân bay đang được phát triển tại châu Á, tiêu tốn tổng cộng hơn 100 tỉ USD, để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng máy bay đang tăng cao của khu vực. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo đến năm 2037 nhu cầu cưỡi “chim sắt” ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ vượt qua Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại. Cụ thể, số lượt bay của một người tại Trung Quốc hằng năm sẽ tăng 11% trong 2 thập niên, tính từ năm 2018. Tỷ lệ này ở Ấn Độ và Indonesia lần lượt là 10% và 9%/năm. Trong khi đó, nhu cầu bay ở Mỹ và Anh mỗi năm chỉ tăng tương ứng 1% và 2%. Khoảng 20 sân bay mới dự kiến sẽ mở cửa đón khách trong 6 năm tới tại nhiều thành phố, từ Bắc Kinh cho đến Mumbai (Ấn Độ), trong khi các phi trường hiện nay sẽ xây thêm nhà ga hoặc đường băng.

Chẳng hạn như trong 10 năm tới Chính phủ Singapore dự định sẽ chi nhiều chục tỉ đô-la để mở rộng sân bay Changi. Đến cuối thập niên 2020, dự án nâng cấp có thể tăng mức đóng góp của Changi vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên con số 25%, so với chỉ 16% hiện nay. Đóng góp này bao gồm việc làm và thu nhập được tạo ra trực tiếp (bởi các hãng hàng không và nhà điều hành phi trường…) và gián tiếp. Do vậy, Phó Giáo sư Tan Khee Giap tại Đại học Quốc gia Singapore nói rằng đừng xem phát triển sân bay đơn thuần chỉ là mở rộng, mà hãy coi đó là “bước phát triển vì đất nước”.

Không chỉ Singapore, Hong Kong cũng sẽ đầu tư 18 tỉ USD vào việc mở rộng đảo nhân tạo Xích Lạp Giác - nơi đặt sân bay quốc tế Hong Kong, xây đường băng thứ ba và mở thêm một nhà ga. Giới chức đặc khu tin rằng đến năm 2061 dự án này tạo ra những lợi ích trị giá hơn 58 tỉ USD. Ng Mee Kam, giám đốc chương trình nghiên cứu nội ô tại Đại học Trung văn Hương Cảng, cho biết chính phủ các nước sẽ coi sân bay là điểm đến phục vụ người dân và doanh nghiệp địa phương. Theo Ng, sân bay không chỉ là trung tâm vận tải, mà tự thân nó sẽ trở thành một thành phố.

THANH BÌNH (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết