29/12/2013 - 10:53

Sẵn sàng đôi công

Sau khi 26 nhà lập pháp cứng rắn Mỹ đề xuất các biện pháp mới tăng cường trừng phạt Iran nếu nước này vi phạm thỏa thuận hạt nhân sơ bộ đạt được hồi tháng 11 vừa qua, khoảng 100 nghị sĩ theo đường lối bảo thủ của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo này đã "phản pháo" bằng một dự luật mà theo các nhà phân tích thì nó có thể tạo ưu thế cho Tehran trong các cuộc đàm phán sắp tới với phương Tây.

Theo nghị sĩ Mehdi Mousavinejad, dự luật "tình trạng khẩn cấp kép" đuợc chuẩn bị nhằm "trả đũa các biện pháp thù địch của Mỹ" và nếu được chấp thuận, nó sẽ cho phép Chính phủ Iran tiếp tục làm giàu uranium lên mức 60% - thấp hơn cấp độ vũ khí nhưng đã đủ cung cấp nhiên liệu cho động cơ tàu ngầm nếu lệnh cấm vận của Mỹ được thắt chặt và quyền phát triển hạt nhân của Iran bị xâm phạm. Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu chính phủ tái khởi động lò phản ứng nước nặng Arak vốn đã ngừng vận hành như một phần trong thỏa thuận Genève. Ngoài ra, họ còn loan báo Iran đang có thiết bị làm giàu uranium thế hệ mới.

Theo thỏa thuận tạm thời giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) ngày 24-11 vừa qua, Tehran đã đồng ý giảm cấp độ làm giàu uranium xuống 5% và ngừng hoạt động lò phản ứng Arak để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Nhận định về động thái "ăn thua đủ với Mỹ" của nhóm nghị sĩ Iran, một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây tại Tehran dự đoán Quốc hội Iran gần như chắc chắn sẽ không thông qua dự luật trên khi mà quyền lực của phe bảo thủ đã không còn ảnh hưởng lớn kể từ sau khi Tổng thống Hasan Rouhani đắc cử vào tháng 6. Tuy nhiên, theo nguyên tắc thì Chính phủ Iran sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân thủ dự luật nếu nó được quốc hội nước này thông qua.

Mặt khác, các chuyên gia phân tích tin rằng Tehran có thể sử dụng dự luật như một vũ khí sẵn sàng đáp trả mọi khả năng Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới trong trường hợp đàm phán hạt nhân thất bại. Theo lập luận của các nhà lập pháp Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới được đề xuất là cách họ gây áp lực và đe dọa chứ không phải là sự quyết tâm ngăn chặn nỗ lực hòa dịu với Mỹ của chính quyền Rouhani.

Tuy nhiên, sự phản ứng theo kiểu công đối công của nhóm nghị sĩ Iran có phần quyết liệt và mạnh mẽ hơn so với các đồng nghiệp Mỹ và điều này có thể tạo lợi thế cho giới lãnh đạo Tehran trong ngày nối lại bàn đàm phán hạt nhân 30-12 với nhóm P5+1 tại Genève.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết