17/10/2021 - 21:54

S-Health: Nhiều tiện ích chăm sóc sức khỏe người cao tuổi 

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình và cộng đồng, người cao tuổi cần tự mình chăm sóc bản thân, rèn luyện sức khỏe, giữ tinh thần lạc quan để vui khỏe trong tuổi xế chiều. Với sự ra đời của S-Health, Bộ Y tế mong muốn cung cấp thêm ứng dụng miễn phí, giúp người cao tuổi thường xuyên cập nhật các kiến thức hữu ích để giữ gìn sức khỏe, chủ động phòng tránh bệnh tật.

Bà Ba ở quận Bình Thủy đọc các bài viết trên ứng dụng S-Health.

Bà Ðoàn Ngọc Ba, 61 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, mắc bệnh cao huyết áp, thiếu máu não, hằng tháng khám bệnh, lấy thuốc tại Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, suốt mấy tháng, bà Ba ngại đến bệnh viện tái khám. Nhiều thông tin về người cao tuổi có bệnh nền dễ mắc COVID-19, tỷ lệ biến chứng nặng và tử vong cao khiến bà Ba lo lắng nên chăm lo nâng cao sức khỏe hơn. Mỗi ngày, bà đều dành thời gian tập thể dục theo chương trình hướng dẫn tập thể dục tại nhà của Ðài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ. Gần đây, được bạn bè chia sẻ về ứng dụng S-Health - Sức khỏe người cao tuổi - bà nhờ con cháu tải về điện thoại thông minh, lúc rảnh rỗi đọc các bài viết phòng bệnh cho người cao tuổi. Bà Ba chia sẻ: “Tôi thích mục thông tin chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của ứng dụng này. Có rất nhiều bài viết về những vấn đề liên quan người cao tuổi, từ việc ăn uống, nghỉ ngơi, tập thể dục thể thao, đi ngủ khi nào thì tốt cho sức khỏe người già. Khi đang lặt rau, nấu ăn, không có thời gian đọc, tôi có thể bấm phát audio để nghe các bài viết, tiện lợi lắm”.

“Theo ước tính, có khoảng 48% người trên 50 tuổi bị mất ngủ. Ðây chính là tình trạng rối loạn giấc ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc bị tỉnh dậy giữa giấc ngủ. Với người già, mất ngủ là chuyện không thể tránh khỏi. Nó chỉ khác là mất ngủ do sinh lý hay do bệnh lý. Theo chuyên gia sức khỏe, khi người già bị mất ngủ thay vì cho họ dùng thuốc hãy xây dựng cho họ một thời gian biểu ăn ngủ hợp lý, luôn tạo cảm giác vui vẻ, thoải mái trong cuộc sống hàng ngày” - thông tin được trích trong bài viết Tại sao người già hay mất ngủ trên ứng dụng S-Health. Ðây là ứng dụng miễn phí dành cho người cao tuổi, được ra mắt chính thức vào cuối tháng 9-2021. Ứng dụng là kết quả phối hợp giữa Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tài chính, mong muốn hỗ trợ người cao tuổi được tiếp cận từ xa nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích. Ngoài ra, S-Health còn tiện dụng cho người cao tuổi, khi có các chức năng theo dõi sức khỏe với đầy đủ thông tin cơ bản về chỉ số cơ thể, huyết áp, đường huyết và lịch hẹn thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ứng dụng còn có danh mục các cơ sở y tế trong khu vực, với chỉ dẫn đường đi tới bệnh viện trong tình huống cấp cứu và mục SOS hỗ trợ khẩn cấp khi cần cứu thương, cứu hỏa hay lực lượng cảnh sát.

Trong đại dịch COVID-19, người cao tuổi đối diện gánh nặng kép, vừa mắc đồng thời nhiều bệnh mạn tính, vừa có nguy cơ cao mắc COVID-19 với bệnh cảnh nặng nề, thời gian điều trị lâu dài, tốn kém nhiều chi phí và tỷ lệ tử vong cao. Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch… Theo thống kê, trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta mắc trên 3 bệnh mạn tính, ảnh hưởng sức khỏe, chất lượng sống. Vì thế, sống chung với dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi mỗi người cao tuổi và thành viên gia đình, người chăm sóc cho người cao tuổi cần có kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Thống kê trên toàn cầu, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc sử dụng Internet của người cao tuổi tăng lên đáng kể. Ứng dụng S-Health là một trong những giải pháp thể hiện sự quan tâm của Bộ Y tế và đơn vị liên quan quan tâm đến người cao tuổi. Trước đó, tháng 4-2020, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn tạm thời quản lý sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch COVID-19” và “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng, chống dịch COVID-19 cho người cao tuổi tại cộng đồng”. Các tài liệu này được áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước, hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở phối hợp với y tế tuyến trên cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ dự phòng lây nhiễm COVID-19 cho người cao tuổi, vừa bảo đảm điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính tại cộng đồng trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết