23/11/2014 - 15:54

Vĩnh Thạnh:

Quyết tâm thắng lợi vụ lúa đông xuân

Huyện Vĩnh Thạnh là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tại TP Cần Thơ. Vụ lúa đông xuân 2014-2015, huyện có kế hoạch xuống giống hơn 25.213ha lúa. Để đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ lúa quan trọng nhất trong năm này, các cấp chính quyền huyện Vĩnh Thạnh đã và đang rất quan tâm đến việc tổ chức chỉ đạo đồng bộ nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, chủ động giảm thiểu các thiệt hại do thời tiết, sâu bệnh…

* Khuyến khích sản xuất lúa gạo chất lượng cao

Vụ đông xuân 2014-2015 huyện Vĩnh Thạnh có kế hoạch xuống giống hơn 25.213 ha lúa tại 11 xã và thị trấn trên địa bàn huyện. Vụ lúa đông xuân này huyện tiếp tục khuyến cáo nông dân tập trung sản xuất các giống lúa có chất lượng gạo tốt, phù hợp với sản xuất và thị trường như: Jasmine 85, OM 5451, OM 4218, OM 2517 và OM 734. Đồng thời, hạn chế tối đa diện tích sản xuất lúa IR 50404 khi chưa có hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa. Song song đó, ngành nông nghiệp cùng các cấp các ngành chức năng của huyện cũng tích cực khuyến cáo nông dân quan tâm thực hiện tốt các khâu chuẩn bị giống, vệ sinh đồng ruộng, tổ chức giống tập trung và tích cực phát triển, nhân rộng mô hình “cánh đồng lớn”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã xuống giống được hơn 5.000 ha lúa. Nhìn chung nông dân trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện khá tốt nhiều khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Sau khi thu hoạch lúa thu đông 2014, nhiều nông dân đã chủ động thực hiện vệ sinh đồng ruộng từ sớm, xới đất, ngâm nước lũ để tiêu diệt các mầm sâu bệnh, cỏ dại, đồng thời để rơm rạ đủ thời gian phân hủy, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa. Mặt khác, nông dân cũng chú ý chuẩn bị nguồn giống tốt, sử dụng giống xác nhận hoặc tương đương để đảm bảo cây lúa phát triển mạnh, cho năng suất, chất lượng tốt và hạn chế được sâu bệnh và tổ chức xuống giống tập trung, đồng loạt theo từng khu vực đê bao, từng cánh đồng. Ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Với việc tăng cường công tác tuyên truyền về sử dụng giống và Trại giống nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh tằng cường nguồn lúa giống phục vụ người dân, vụ lúa đông xuân này ước có trên 90% diện tích lúa trên địa bàn được nông dân sử dụng lúa giống từ cấp xác nhận trở lên. Ngành nông nghiệp huyện cũng dự kiến trong vụ này có 80% diện tích lúa của nông dân được gieo sạ giống lúa thơm Jasmine 85”.

 Nông dân tại một cánh đồng thuộc ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Vĩnh Thạnh đang thực hiện khâu vệ sinh đồng ruộng và làm đất để chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân 2014-2015.

Năm nay, lũ nhỏ và rút sớm, mưa cũng ít đã tạo nhiều thuận lợi cho nông dân tại huyện xuống lúa đông xuân 2014-2015, nhất là việc tiết kiệm được chi phí bơm thoát nước và ít lo lúa mới gieo sạ bị thiệt hại do nước lũ và nước mưa. Ông Trần Ngọc Thanh, ngụ ấp Lân Quới 2, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cũng cho biết: “13 công ruộng của tôi gieo sạ lúa Jasmine 85 trong vụ đông xuân này. Hiện tại tôi đã chuẩn bị nguồn lúa giống cấp xác nhận và liên kết với các hộ nông dân trên cánh đồng để thuê một đơn vị thực hiện bơm thoát nước để tập trung xuống giống đồng loạt. Giá phân bón và nhiều chi phí vật tư đầu vào đang bình ổn ở mức thấp cũng đang tạo phấn khởi cho nông dân khi bước vào vụ sản xuất mới”. Anh Trần Văn Út ngụ ấp Tân An, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh cũng cho biết: “Vụ lúa này, hầu hết bà con ở đây đều gieo sạ lúa thơm Jasmine 85 và các giống lúa hạt dài chất lượng cao, nhìn chung các diện tích lúa đông xuân được gieo sạ sớm trong năm nay ít bị thiệt hại do mưa lũ so với năm trước và cũng chưa có vấn đề gì đáng lo ngại về sâu bệnh hại lúa”.

* Chỉ đạo kịp thời

Với tình hình nước lũ rút nhanh và mùa mưa kết thúc sớm vào đầu tháng 11-2014, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TP Cần Thơ dự báo, nhiều khả năng có thể xảy ra thiếu nước tưới vào giữa đến cuối vụ đông xuân 2014-2015.

Từ thực tế đó và căn cứ theo khuyến cáo chung của ngành nông nghiệp thành phố và điều kiện thực tế địa phương, huyện Vĩnh Thạnh đã linh động điều chỉnh lịch xuống giống gồm 2 đợt trước đây (kéo dài từ 27-11-2014 đến 2-1-2015) thành một đợt tập trung xuống giống từ 20-11 đến 15-12-2014 nhằm hạn chế rủi ro thiếu nước tưới cho lúa đông xuân. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai xuống giống theo lịch này và khuyến cáo nông dân tiếp tục thực hiện tốt các công tác chuẩn bị và tổ chức sản xuất. Trong đó, chú ý thu gom, diệt trừ ốc bươu vàng trên nền ruộng thật tốt trước khi làm đất và trước khi gieo sạ. Giai đoạn lúa non, trước khi cho nước vào ruộng cần rào cản để tránh ốc từ ngoài ruộng vào gây hại lúa. Làm đất kỹ tạo mặt ruộng bằng phẳng, khai thông mương, rãnh thoát nước thật tốt, tu sửa bờ thửa đủ cao và chắc đảm bảo cho việc điều tiết nước ruộng trong quá trình canh tác. Xuống giống tập trung, đồng loạt từng đê bao, từng cánh đồng gắn với theo dõi chặt diễn biến thời tiết lúc chuẩn bị gieo sạ để có biện pháp hạn chế thiệt hại do mưa. Sử dụng hạt giống cấp xác nhận hoặc tương đương, thử độ nảy mầm của hạt giống trước khi ngâm ủ để gieo sạ, lượng giống sạ khoảng 100-120kg/ha. Bón phân đủ lượng, cân đối theo khuyến cáo của nhà sản xuất, điều chỉnh lượng bón phù hợp với điều kiện cụ thể của thửa ruộng, thời tiết. Chăm sóc lúa và quản lý dịch hại tốt…

Để sản xuất lúa đông xuân 2014-2015 đạt hiệu quả cao, ngay từ rất sớm Huyện ủy và UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng đã chỉ đạo các ban ngành chức năng huyện và các địa phương phải có kế hoạch chủ động sản xuất ngay từ đầu vụ gắn với kế hoạch chung của huyện, đồng thời bám sát thực tế sản xuất để có các chỉ đạo kịp thời. Ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, quan điểm chỉ đạo của huyện là quyết tâm tổ chức sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân 2014-2015. Theo đó, UBND huyện đã yêu cầu các ban ban ngành chức năng huyện và các xã, thị trấn chủ động lập kế hoạch xuống giống và triển khai kế hoạch sản xuất kịp thời, phù hợp từng vùng, tránh hiện tượng xuống giống không đồng loạt. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, phát hiện, tổng hợp tình hình để nắm chắc diễn biến sâu bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời. Củng cố, đẩy mạnh hoạt động Ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá các cấp, phân công từng cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm địa bàn cụ thể. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân biết về tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, về hiệu quả áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị sau thu hoạch, về nguy cơ dịch hại trên lúa… Từ đó, giúp nâng cao ý thức cảnh giác của nông dân, tránh tư tưởng chủ quan và lạm dụng phân bón và thuốc hóa học trong quá trình sản xuất.

Vừa qua, huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng được 26 mô hình “cánh đồng lớn” với diện tích canh tác hơn 6.300 ha. Vụ lúa đông xuân này, huyện có kế hoạch phát triển mở rộng, nâng lên 41 “cánh đồng lớn” với diện tích dự kiến khoảng 10.000 ha. Các mô hình “cánh đồng lớn” này được phát triển trên nền tảng áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất gắn với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, tin chắc không chỉ giúp các hộ dân tham gia mô hình có thể nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất lúa tại địa phương theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết