02/07/2019 - 07:47

Quyết liệt ngăn ngừa “tham nhũng vặt” 

“Tham nhũng vặt” là vấn đề bức xúc xã hội. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (CT10), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc cho người dân, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Ðây được coi là tình trạng “tham nhũng vặt”,  nếu không được loại trừ sẽ dẫn đến tham nhũng lớn vì ranh giới giữa tham nhũng vặt và tham nhũng lớn rất mong manh.

Kiểm tra, giám sát công tác PCTN là một hình thức nhắc nhở, phòng ngừa tham nhũng. Trong ảnh: Đại biểu quận Ô Môn giải trình trong buổi giám sát của Ban Nội chính Thành ủy về việc thực hiện Chỉ thị 06-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

► Phòng ngừa “tham nhũng vặt”

Công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) của cả nước đã có những bước tiến mạnh mẽ với nhiều chủ trương đột phá, đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, TP Hà Nội quyết liệt thực hiện kỷ cương hành chính, kiện toàn, tinh gọn đầu mối các tổ chức của hệ thống chính trị, các cơ quan chuyên môn theo quy định đảm bảo nguyên tắc 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả” theo nguyên tắc “một đầu mối - một việc xuyên suốt” và phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Với cách làm này, hiệu quả hoạt động của toàn bộ máy tăng lên đáng kể, cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm hơn với công việc được giao.

Quảng Ninh chú trọng đến công tác hiện đại hóa nền hành chính. Ông Cao Tùng Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “6 tháng đầu năm, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết 37.607 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Năm 2018, hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến chiếm 42% tổng số hồ sơ tiếp nhận mới trong năm của các cơ quan, đơn vị”. Với tỷ lệ này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng Quảng Ninh là điểm sáng trong việc triển khai chính quyền điện tử và hướng đến đô thị thông minh. Đây cũng được coi là giải pháp giảm phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ đối với người dân, doanh nghiệp.

Cần Thơ cũng đang triển khai dự án “Hệ thống tổng hợp, thu thập trực tuyến ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020”. Bộ phận Một cửa của UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã được lắp đặt thiết bị camera giám sát và kết nối về UBND quận, huyện theo dõi. Tại sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thành phố đã trang bị máy tính bảng kèm phần mềm “Tổng hợp, thu thập trực tuyến ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC” để người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tham gia đánh giá thái độ, chất lượng phục vụ của Bộ phận Một cửa. Việc gắn camera và triển khai hệ thống phần mềm đánh giá mức độ hài lòng của người dân cũng đang được Chính phủ khuyến khích, nhằm góp phần giám sát thái độ phục vụ và hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức.

► Vẫn cần những giải pháp cụ thể

Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nạn “tham nhũng vặt” đang hằng ngày hằng giờ xói mòn lòng tin của người dân. CT10 là văn bản đầu tiên nhận diện được gần 20 hành vi được coi là “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, phiền hà; đưa ra các biện pháp để ngăn chặn và xử lý. Tuy nhiên, để ngăn ngừa tình trạng này, Chính phủ cần quan tâm đến công tác tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa nêu trong Chỉ thị. Đề nghị Thanh tra Chính phủ có văn bản yêu cầu các địa phương tập hợp, thống kê các vụ việc thanh tra công vụ và có báo cáo cụ thể về hình thức xử lý đối với những cá nhân, tập thể để xảy ra các vụ việc “tham nhũng vặt” 6 tháng hoặc 1 năm/ 1 lần và công khai cho nhân dân được biết. Ngoài ra, cần thường xuyên bồi dưỡng đạo đức, chính trị cho đội ngũ làm công tác chống tham nhũng; quan tâm chuyển đổi vị trí công tác đối với các vị trí có nguy cơ xảy ra tham nhũng. Đề nghị Thanh tra Chính phủ triển khai lập đường dây nóng ở các đơn vị, địa phương và phải có người trực thường xuyên để lắng nghe kiến nghị của người dân về vấn đề “tham nhũng vặt”. Các ban, ngành, địa phương nên tuyên truyền, giúp người dân biết rõ quyền được hưởng các dịch vụ công để không phải “mất tiền” cho những dịch vụ đó.  

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, nạn “tham nhũng vặt” xuất phát từ các quy định của thể chế, của pháp luật còn rất chung chung, chồng chéo. Do đó, cần thiết phải minh bạch, xóa bỏ chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, triệt tiêu dư địa của tham nhũng và “tham nhũng vặt”. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công…

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt CT10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc CT10; bên cạnh các giải pháp nêu ra trong Chỉ thị, cần phát huy vai trò của đoàn thể, quần chúng, cộng đồng dân cư trong việc phát hiện hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức. Đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng giám sát, nói không với hành vi tiêu cực, tham nhũng, hướng đến xây dựng xã hội trong sạch, xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân…

Bài, ảnh: Sơn Hà

Chia sẻ bài viết