17/11/2010 - 21:02

Quyết liệt bình ổn giá thị trường

Năm 2010, UBND TP Cần Thơ tạm ứng vốn ngân sách 30 tỉ đồng cho 5 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết. Trong ảnh: Khách hàng mua hàng hóa tại Siêu thị Co.opMart Cần Thơ. 

Không đầy 2 tháng nữa là hết năm 2010, đến Tết Nguyên đán 2011. Như thông lệ hằng năm, giá cả hàng hóa trên thị trường đã rục rịch tăng. Những hành vi vi phạm liên quan đến buôn lậu, đầu cơ, tăng giá… có những diễn biến phức tạp. Chính vì thế, bình ổn giá cả thị trường trong những tháng cuối năm phải thật sự quyết liệt để kiềm chế lạm phát, góp phần đảm bảo an sinh – xã hội.

* CĂNG THẲNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Theo Ban Chỉ đạo 127 TP Cần Thơ về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (viết tắt là Ban Chỉ đạo 127), từ đầu năm 2010 đến nay, thị trường hàng hóa dịch vụ ở TP Cần Thơ và cả nước diễn biến khá phức tạp. Giá xăng, dầu, giá vàng, giá USD cùng một số nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng. Trong khi đó, thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm,... đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung và giá cả nhiều loại hàng hóa dịch vụ. Các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại diễn biến càng phức tạp, ảnh hưởng nhất định đến sản xuất và đời sống của người dân.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 127, trong gian lận thương mại, phương thức thủ đoạn của các đối tượng vi phạm thường là quay vòng hóa đơn để giảm thuế giá trị gia tăng, không xuất hóa đơn chứng từ, vận chuyển hàng lậu để trốn thuế... hoặc gian lận về cân đong, đo đếm, chủng loại hàng hóa, sử dụng phương tiện đo không có tem kiểm định. Dù không ít vụ việc cơ quan chức năng xử lý nghiêm nhưng tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp cả về quy mô, lẫn phương thức sản xuất và tiêu thụ. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, do biến động về cung cầu hàng hóa trong nước và thế giới, thị trường TP Cần Thơ xuất hiện nhiều loại hàng giả, kém chất lượng như thuốc thú y, thú y thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, mỹ phẩm...

Trước diễn biến phức tạp trên, các ngành chức năng trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh. Qua đó, các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý 10.495 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và an toàn vệ sinh thực phẩm với tổng giá trị hàng hóa tịch thu trên 4,3 tỉ đồng. Nhiều vụ việc đã được các lực lượng chức năng bắt giữ và xử lý kịp thời, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã góp phần duy trì tốt trật tự kỷ cương trong hoạt động thương mại. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sản xuất và phát triển trong môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Ngoài ra, kết quả của các cuộc kiểm tra đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của mọi người trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

* QUYẾT LIỆT BÌNH ỔN GIÁ THỊ TRƯỜNG

So với đầu tháng 11-2010, hiện nay, nhiều loại hàng hóa trên thị trường đã và đang bước vào “mùa tăng giá cuối năm”. Cụ thể như: giá đường tăng từ 2.000-4.000 đồng/kg; giá các loại thịt heo tăng 1.000- 3.000 đồng/kg; giá thép tăng 200.000 - 300.000 đồng/tấn; ga tăng thêm 25.000 đồng/bình (12kg)... Theo Ban Chỉ đạo 127, những tháng cuối năm 2010, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hiện tượng đầu cơ, găm hàng, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... tiếp tục gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác điều tra và xử lý. Các đối tượng tiếp tục lợi dụng những bất cập và kẽ hở trong cơ chế chính sách để buôn lậu, lợi dụng chính sách ưu đãi đối với khu kinh tế cửa khẩu, chính sách đầu tư,... tạm nhập, tái xuất để buôn lậu, trốn thuế. Do tình hình kinh tế còn khó khăn, nhất là vốn cho sản xuất, cung ứng điện, cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu... tạo sức ép đối với việc thực hiện mục tiêu bình ổn giá cả thị trường. Không chỉ vậy, kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu, xăng dầu, vàng tăng giảm khó dự đoán, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đa dạng, phong phú nhưng chất lượng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.

Trước tình hình trên, UBND TP Cần Thơ đã có nhiều chỉ thị, văn bản, kế hoạch... bình ổn giá thị trường trong những tháng cuối năm 2010 và Tết Nguyên đán năm 2011 trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo Kế hoạch số 46/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát 2 tháng cuối năm 2010 và dịp Tết Nguyên đán 2011 trên địa bàn TP Cần Thơ, UBND thành phố giao: Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành hữu quan chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên địa bàn để phục vụ sản xuất. Đồng thời, tiến hành rà soát và củng cố hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố từ khâu sản xuất, lưu thông đến người tiêu dùng cuối cùng. Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND thành phố hỗ trợ một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân sách thành phố dự trữ, bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu, góp phần kiềm chế lạm phát trong 2 tháng cuối năm 2010 và dịp Tết Nguyên đán 2011... UBND TP Cần Thơ cũng giao Chủ tịch UBND các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi biến động và kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả hàng hóa. Từ đó đề xuất kịp thời các giải pháp góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát trên địa bàn thành phố...

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: UBND TP Cần Thơ vừa chấp thuận tạm ứng vốn ngân sách 30 tỉ đồng cho 5 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dự trữ hàng hóa thiết yếu (gạo, đường, dầu ăn, sữa, thực phẩm chế biến...) bình ổn giá trong những tháng cuối năm 2010 và phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Cụ thể: Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ: 7 tỉ đồng; Công ty TNHH Thực phẩm Rau quả Cần Thơ: 4 tỉ đồng; Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn - Cần Thơ (Co.opMart Cần Thơ): 8 tỉ đồng; Công ty cổ phần Gentraco: 6 tỉ đồng; Công ty Lương thực Sông Hậu: 5 tỉ đồng. Nguồn vốn này được chính thức cấp phát cho các doanh nghiệp từ 15-11. Đây là một thuận lợi lớn cho việc bình ổn giá cả trên địa bàn TP Cần Thơ. “Phần còn lại, chúng ta cần quyết liệt trong việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, hàng giả và chống gian lận thương mại, kiểm tra chặt chẽ giá cả thị trường chống đầu cơ nâng giá bán làm lũng đoạn thị trường trên từng địa bàn thật hiệu quả” – ông Nguyễn Ngọc Minh nói.

Bài, ảnh: Hà Triều

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 127, cho biết: Thời gian tới, các ngành chức năng trên địa bàn thành phố sẽ thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về tuân thủ quy định quản lý giá trên địa bàn TP Cần Thơ. Việc kiểm tra sẽ tập trung vào các nội dung như: đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết và bán hàng hóa dịch vụ đúng giá niêm yết; kiểm tra hóa đơn xuất, nhập các hàng hóa thiết yếu và các hàng hóa thuộc diện bình ổn giá…


Chia sẻ bài viết