16/01/2025 - 18:40

Quyền lực tổng thống Mỹ mở rộng dưới thời ông Trump? 

Chỉ còn vài ngày nữa, nhiệm kỳ 2 của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ chính thức bắt đầu trong bối cảnh có nhiều dự báo quyền lực nhánh hành pháp được mở rộng hơn nữa.

Tổng thống đắc cử Trump (trái) và Tổng thống sắp mãn nhiệm Biden. Ảnh: Reuters

Trong nhiệm kỳ đầu (2016-2020), những tuyên bố của ông Trump đối với thẩm quyền tổng thống đã phá vỡ chuẩn mực về tầm ảnh hưởng của Nhà Trắng. Ðơn cử như năm 2020, ông Trump khiến Lầu Năm Góc lo sợ khi tuyên bố có thể điều quân đội xử lý bạo loạn. Vận động tranh cử năm 2024, ông Trump thể hiện sự cực đoan khi kêu gọi tòa án quân sự truyền hình trực tiếp việc bỏ tù những quan chức bầu cử ông coi là gian lận; xét xử những quan chức dân cử cấp cao như Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris, cựu Phó Tổng thống Mike Pence, cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa Liz Cheney và 2 nhà lãnh đạo đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa ở Thượng viện.

Với những hành vi “phi truyền thống” của tỉ phú New York, các chuyên gia nghi ngại những gì có thể xảy ra trong 4 năm tới bởi không dễ dự đoán ông Trump sẽ làm ra hành động gì. Nhưng chắc chắn, vị Tổng thống Mỹ thứ 47 sẽ thay đổi quyền lực Nhà Trắng vốn mở rộng mạnh mẽ trong mấy thập kỷ qua, bất chấp quy định Hiến pháp cân bằng giữa 3 nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp.

Việc các tổng thống tìm cách phát huy tầm ảnh hưởng Nhà Trắng không mới, đặc biệt kể từ thời Tổng thống Richard Nixon, người dựa vào quyền lực mở rộng để hỗ trợ chiến dịch ném bom bí mật và nghe lén đối thủ chính trị. Những hành động đó khi bị công khai đã gây phản ứng dữ dội trên diện rộng, buộc Nixon từ chức năm 1974. Dù vậy, xu hướng mở rộng quyền hành pháp vẫn tiếp tục với các chính quyền kế nhiệm. Ðơn cử như năm 2001, Tổng thống Mỹ lúc đó George W. Bush đã thông qua Ðạo luật Ủy quyền Sử dụng Vũ lực Quân sự cho phép ông sử dụng “vũ lực cần thiết và thích hợp” để theo đuổi cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Hành động này cho phép ông Bush và những người kế nhiệm qua mặt Quốc hội vốn là cơ quan duy nhất có thể tuyên chiến.

Trở lại hiện tại, ông Trump nhậm chức trong điều kiện thuận lợi với đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Phe bảo thủ cũng nắm đa số ghế tại Tòa án Tối cao, bao gồm 3 thẩm phán được ông bổ nhiệm ở nhiệm kỳ đầu. Với mức độ “bao phủ” như vậy, 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng được dự đoán là “phép thử” với tỉ phú New York để công khai thể hiện quyền lực. Theo đó, ông Trump có thể phô trương đặc quyền của người đứng đầu Nhà Trắng thông qua các sắc lệnh hành pháp để làm thay đổi hoạt động của các cơ quan trong lĩnh vực giám sát y tế, an ninh biên giới, năng lượng, khí hậu và lao động. Về lâu dài, mức độ thúc đẩy quyền lực tổng thống sẽ được phân định bằng quan hệ “cho - nhận” giữa ông Trump, Quốc hội và ngành tư pháp. Trong đó, Giáo sư danh dự Marjorie Cohn cảnh báo “mong muốn cá nhân” và “sự ganh đua” của ông Trump có thể làm mờ ranh giới những gì các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo liên bang được phép làm. “Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên chủ nghĩa tổng thống hay chế độ quản trị lấy tổng thống làm trung tâm” - Giáo sư Mitchel Sollenberger đánh giá.

Những động thái gần đây của Tổng thống đắc cử Trump đang làm gia tăng lo ngại xoay quanh câu hỏi liệu ông có lạm dụng thẩm quyền theo Hiến pháp trong nhiệm kỳ 2. Bởi từ sau chiến thắng vào tháng 11-2024, ông Trump đã đề cử vào chính quyền loạt nhân vật có chung mong muốn trấn áp những tiếng nói chỉ trích. Ông cũng mở rộng bổ nhiệm những cá nhân độc đoán vào các vị trí không cần Thượng viện xác nhận.

MAI QUYÊN (Theo CNN, Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết