22/10/2022 - 12:47

Queenie Man, “siêu anh hùng” của người cao tuổi Hong Kong 

Sau một thập kỷ làm cố vấn thương hiệu cho các công ty trong danh sách 500 công ty lớn nhất nước Mỹ (Fortune 500), cô Queenie Man ở Hong Kong (Trung Quốc) đã có một bước ngoặt lớn trong nghề khi chuyển sang lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Không chỉ muốn cải thiện hình ảnh người già trở nên tích cực hơn, người phụ nữ 37 tuổi này còn có nhiều sáng kiến giúp chăm sóc họ tốt hơn.

Queenie Man hóa trang nhân vật “Captain Softmeal” và những món ăn ngon cô làm cho người cao tuổi.

Ngã rẽ nghề nghiệp của cô Man bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ tình cờ với một bạn học thời cấp hai cách đây 5 năm. Người này là chủ hệ thống nhà dưỡng lão Culture Homes ở Hong Kong, khi đó đã hỏi ý kiến chuyên môn của Man về việc xây dựng thương hiệu chăm sóc người cao tuổi. Culture Homes khá thân thuộc với Man vì cô thường xuyên đến thăm người bà, từng sống 5 năm tại một nhà dưỡng lão của hệ thống này ở Sai Ying Pun. Sau cuộc trò chuyện, Man nhận lời làm giám đốc chiến lược cho Culture Homes và sớm nhận ra đây là công việc mà cô muốn cống hiến.

Man nhận định ngành chăm sóc người cao tuổi sẽ là một lĩnh vực quan trọng trong tương lai. Vào năm 2017 - thời điểm cô gia nhập ngành này, có 16% dân số Hong Kong trên 65 tuổi, tỷ lệ này ngày nay là 20% và được dự báo là sẽ lên tới 27% vào năm 2033. “Chúng ta đã đạt đến một xã hội siêu già ngang bằng với Nhật Bản, Phần Lan và Đan Mạch” - cô nhận xét.

Theo Man, khái niệm “già hóa” ở Hong Kong bị mắc kẹt trong quan điểm thời xưa, rằng người già cần sống dựa vào ai đó, là gánh nặng cho xã hội. Cô cho rằng quan niệm đó đã lỗi thời, thay vào đó, người già thời nay không chỉ cần tiếp cận sự chăm sóc cần thiết mà còn cần được tạo điều kiện để đóng góp kiến thức và năng lực, cũng như quyết định những thứ họ muốn ăn. 3 năm sau khi vào làm tại Culture Homes, Man và 2 đồng nghiệp đã khởi động Dự án Futurus. Dự án xã hội này tập trung quảng bá hình ảnh tích cực hơn về sự già hóa và chăm sóc chất lượng cao dành cho người cao tuổi - thông qua vận động chính sách, dịch vụ cộng đồng và giáo dục.

Theo Phòng Nghiên cứu hoạt động nuốt tại Đại học Hong Kong, 60% người cao tuổi gặp khó khăn khi nuốt - một vấn đề mà nhiều viện dưỡng lão giải quyết bằng cách phục vụ các bữa ăn là thực phẩm hỗn hợp xay nhuyễn. Những bữa ăn như thế thường có màu xám xịt, như xi măng và khiến các cụ chán ăn. Để cải thiện, Man đã nghiên cứu và áp dụng các phương pháp phổ biến ở Nhật Bản để tạo ra những bữa ăn mềm vừa bổ dưỡng vừa hợp khẩu vị. Bằng cách hóa trang thành nhân vật gọi là “Captain Softmeal”, Man đã tạo hơn 60 video nấu ăn trên trang YouTube và các nền tảng xã hội khác. Cách làm của Man nhận được nhiều phản hồi tích cực và thúc đẩy nhiều người chia sẻ các món ăn mềm và dễ nuốt của họ với cộng đồng, trên cơ sở công thức nấu ăn ở Hong Kong.

Không chỉ vậy, nhóm của Man còn tài trợ những bữa ăn ngon và mềm cho người già thông qua sáng kiến “Nhà hàng giác quan trên bánh xe”. Theo đó, họ hóa trang thành nhân viên một nhà hàng điểm tâm để tái hiện trải nghiệm không gian truyền thống trong viện dưỡng lão, với mọi vật dụng trang trí, dụng cụ ăn uống và cả âm nhạc đều giống như hồi thập niên 1960-1970. “Họ thực sự thích thú và mở lòng kể về những chuyện hồi trẻ, cùng những kỷ niệm khi dùng điểm tâm. Đối với những người bị sa sút trí tuệ, điều đó giúp ký ức của họ quay về” - Man phấn khởi kể khi làm được điều có ích cho người cao tuổi.

NGUYỆT CÁT (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết