26/06/2022 - 08:43

Quan hệ Nga - Trung gắn kết hơn bao giờ hết 

Trong cuộc điện đàm mới đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân ngày sinh nhật của nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới, ông Tập tái khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Mát-xcơ-va ngay cả khi Nga mở rộng “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Hãng tin Bloomberg nhận định bằng cam kết trên, “bộ đôi” Putin - Tập muốn cho phương Tây thấy sự liên kết chiến lược bền chặt giữa 2 nước. 

“Hôn nhân vụ lợi”

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp hồi tháng 2. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp hồi tháng 2. Ảnh: AFP

“Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Nga trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh và các vấn đề quan tâm lớn” - Đài truyền hình trung ương Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói trong cuộc điện đàm. Trong khi đó, thông cáo của Điện Kremlin về cuộc điện đàm cho biết, Chủ tịch Tập ghi nhận “tính chính danh trong các hành động của Nga trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia cơ bản trước những thách thức an ninh do các thế lực bên ngoài tạo ra”. “Các nhà lãnh đạo cũng tuyên bố quan hệ Nga - Trung đang ở mức cao chưa từng có và không ngừng được cải thiện” - thông cáo nêu rõ.

Thật ra, quan hệ khắn khít giữa Nga và Trung Quốc từ lâu đã khiến phương Tây phải đối mặt với thách thức địa chính trị lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.  Vì lợi ích quốc gia, 2 nước ngày nay có quan hệ chặt chẽ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ thời điểm đó. Kể từ năm 2013, 2 ông Putin và Tập Cận Bình đã gặp nhau tới 38 lần. Những “người bạn thân của nhau” này có chung quan điểm về giá trị dân tộc chủ nghĩa, đồng thời có mối ác cảm sâu sắc với phương Tây. Cả hai đều tìm cách thiết lập phạm vi ảnh hưởng trong địa chính trị khu vực và đều coi Mỹ là trở ngại chính đối với tầm nhìn nước lớn của họ. Quan hệ của Mát-xcơ-va và Bắc Kinh bắt đầu giống như một cuộc “hôn nhân vụ lợi” khi mà mỗi bên đều nhận thấy lợi ích chiến lược từ mối quan hệ tốt đẹp đó dù thiếu lòng tin chiến lược về nhau. Tuy nhiên, trong những năm gần đây khi quan hệ của họ với phương Tây ngày càng trở nên căng thẳng, “cặp đôi” này ngày càng khó tách rời hơn bao giờ hết. 

Và “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine có thể được xem là bước ngoặt trong mối quan hệ 2 nước. Tại cuộc gặp hồi tháng 2 vừa qua, vài ngày trước khi Nga tấn công Ukraine, Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin cho biết quan hệ đối tác của 2 nước là “không có giới hạn” và cam kết tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mối quan hệ đối tác này chủ yếu là do nhận thức chung rằng Mỹ đe dọa lợi ích của họ. “Tôi không nghĩ rằng Nga và Trung Quốc là một liên minh tự nhiên. Mối quan hệ xấu đi với Mỹ tạo điều kiện cho Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau” - Susan A. Thornton, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nhận định.

Không ít “sóng gió”

Thế nhưng, để có được mối quan hệ tốt đẹp như ngày hôm nay, Nga và Trung Quốc đã phải trải qua không ít “sóng gió”. Theo tờ Bloomberg, Mát-xcơ-va và Bắc Kinh có một lịch sử lâu dài và phức tạp, được đánh dấu bằng những giai đoạn đoàn kết cũng như bất đồng. Dù 2 nước tăng cường quan hệ trong thập niên qua nhưng một số chuyên gia đã đặt nghi vấn xung quanh chiều sâu quan hệ đối tác chiến lược của 2 bên. 

Năm 1950, Trung Quốc và Liên Xô ký hiệp ước liên minh kéo dài 30 năm, theo đó Liên Xô ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, cung cấp cho Bắc Kinh các loại vũ khí thông thường, đồng thời cử học giả và nhà khoa học đến cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc.

Song, trong những năm 1960, quan hệ 2 nước trở nên tồi tệ, một phần nguyên nhân chính là những bất đồng về việc có nên phát triển quan hệ với phương Tây hay không. Căng thẳng giữa 2 nước đạt đỉnh điểm trong cuộc xung đột biên giới kéo dài nhiều tháng hồi năm 1969. Binh lính Trung Quốc đã tấn công nhân viên an ninh Liên Xô gần các đảo tranh chấp giữa 2 nước. Đã có những lo ngại cho rằng Liên Xô có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Trung Quốc nhưng điều đó không xảy ra. Đến năm 1980, hiệp ước liên minh Trung Quốc - Liên Xô hết hiệu lực, 2 nước về cơ bản đã cắt đứt quan hệ với nhau. Đến tận cuối những năm 1980, 2 nước mới bắt đầu hạ nhiệt căng thẳng. Năm 1989, nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Mikhail Gorbachev đến thăm Bắc Kinh, đánh dấu cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa một nhà lãnh đạo Liên Xô và một nhà lãnh đạo Trung Quốc trong 30 năm. Ông Gorbachev và nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình tuyên bố rằng sẽ bình thường hóa quan hệ 2 nước. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Trung Quốc và Nga tiếp tục thúc đẩy quan hệ. Năm 2001, Bắc Kinh và Mát-xcơ-va ký Hiệp ước láng giềng tốt và hợp tác thân thiện, nhất trí không sử dụng vũ khí hạt nhân nhắm vào nhau và cam kết tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giữa lúc phương Tây sa sút, Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác với nhau. Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác Trung - Nga dù Bắc Kinh không công nhận việc sáp nhập này. Và chuyến thăm của Chủ tịch Tập tới Mát-xcơ-va hồi năm 2015 trở thành tín hiệu rõ ràng cho thấy quan hệ 2 nước ngày càng sâu sắc.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, với kim ngạch năm ngoái đạt 147 tỉ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019, trong khi Nga là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Trung Quốc. Trung Quốc là nhà nhập khẩu năng lượng hàng đầu của Nga. Hơn một nửa lượng hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc vào năm 2020 liên quan đến năng lượng. Năm 2021, Nga cung cấp 16% lượng dầu thô nhập khẩu, 15% lượng than nhập khẩu và 10% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc. Đáng chú ý, chỉ trong tháng 5 năm nay, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 8,42 triệu tấn dầu từ Nga, tăng mạnh so với 5,44 triệu tấn nhập cùng kỳ năm ngoái và cao hơn cả lượng dầu Trung Quốc nhập từ Saudi Arabia.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Nga - Trung hơn cả liên minh?

Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến thúc đẩy giao lưu Nga - Trung hồi đầu tháng 6, Đại sứ Nga tại Bắc Kinh Andrey Denisov tuyên bố dù quan hệ 2 nước không theo hình thức liên minh nhưng lại tốt đẹp hơn cả một liên minh. Ông cho rằng đây là mối quan hệ linh hoạt và không có giới hạn.

Chẳng hạn, về mặt quân sự, 2 nước chưa bao giờ tham chiến cùng nhau nhưng đã tổ chức hàng chục cuộc tập trận kể từ lần đầu tiên vào năm 2003 và hợp tác quốc phòng được tăng cường từ năm 2014. Các cuộc tập trận giữa 2 nước ngày càng lớn, phức tạp hơn và mang tầm đối tác chiến lược. Đáng chú ý là hồi cuối tháng 5, máy bay ném bom chiến lược của 2 nước tập trận gần Nhật Bản khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du quan trọng tại Tokyo. Nga và Trung Quốc đã bắt đầu phối hợp phát triển hệ thống cảnh báo tên lửa và đang thúc đẩy hợp tác không gian, bao gồm tích hợp hệ thống định vị vệ tinh của nhau.

Từ những năm 1950, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu vũ khí từ Liên Xô và sau này là Nga. Tuy nhiên, những năm gần đây Bắc Kinh giảm mua vũ khí từ Mát-xcơ-va, do ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc ngày càng tiến bộ trong khi Nga ngại bán các hệ thống vũ khí tiên tiến cho Bắc Kinh vì lo ngại bị đánh cắp công nghệ. Một ngoại lệ là Nga đã xuất khẩu hệ thống phòng thủ tên lửa S400 cho Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, Nga không sợ Trung Quốc “sao chép” S400 vì vũ khí Nga sản xuất cho quân đội của mình và để xuất khẩu là hai loại khác nhau. Vũ khí bán cho các quốc gia khác xét về tính năng sẽ không bằng vũ khí phục vụ quân đội Nga. Ngoài ra, công nghệ trong các mẫu xuất khẩu cũng được mã hóa rất tốt.

Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, lớn hơn gấp 8 lần quy mô kinh tế Nga. Trong khi Mát-xcơ-va sẵn sàng tách biệt hệ thống thương mại quốc tế thì Bắc Kinh lại hưởng lợi từ hệ thống này, chủ động xây dựng quan hệ kinh tế - ngoại giao trên khắp thế giới nhằm cạnh tranh với siêu cường Mỹ. Trung Quốc xem Nga là đối tác yếu và chủ yếu muốn tận dụng nguồn năng lượng khổng lồ của nước này.

Cho nên, quan hệ Nga -Trung dù đang tốt đẹp những vẫn còn nghi kỵ, dè chừng nhau, chứ khó có thể hợp tác không giới hạn.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết