19/02/2009 - 08:41

Quân bài chiến lược S-300

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Najjar (trước) và người đồng cấp Nga duyệt đội quân danh dự Nga hôm 16-2.
Ảnh: PressTV

Hôm 16-2, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mostafa Mohammad Najjar đã đến Nga trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày. Tại đây, ông đã có cuộc thảo luận kín với người đồng nhiệm Antoly Serdyukov, gặp mặt lãnh đạo tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport và thăm nhà máy sản xuất tên lửa phòng không Almaz-Antei. Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết trọng tâm trong các cuộc gặp của ông Najjar là hợp tác quân sự và kỹ thuật, đặc biệt trong đó có vấn đề thực hiện hợp đồng cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 mà hai bên đã ký cách đây khá lâu.

Theo tờ Vedomosti (Nga), sau khi nước này đồng ý bán cho Iran 29 hệ thống tên lửa Tor-M1 trị giá 700 triệu USD vào tháng 12-2005, hai bên bắt đầu thảo luận và ký kết hợp đồng quân sự mới trị giá 800 triệu USD. Theo đó, Nga sẽ cung cấp cho Iran 60 hệ thống tên lửa đất đối không S-300. Đối với Iran, hệ thống phòng không Tor-M1 là cần thiết nhưng không tiên tiến bằng S-300 với khả năng bảo vệ vững chắc cơ sở hạt nhân sắp hoàn thành tại tỉnh Bushehr. Năm 2006, nhà báo Ivan Safronov (của tờ Kommersant) vốn là đại tá không quân Nga khi tìm hiểu về hợp đồng quân sự trên giữa Nga và Iran, cho rằng Mát-xcơ-va có thể sẽ cung cấp cho Tehran S-300 thông qua Belarus để tránh bị phương Tây chỉ trích là trang bị vũ khí nguy hiểm cho “chế độ cứng đầu”. Tháng 3-2007, nhà báo Ivan Safronov rơi từ tầng 4 chung cư và được kết luận là “tự sát”. Tháng 12-2008, các hãng thông tấn RIA Novosti và ITAR-Tass trích dẫn các nguồn tin không xác định cho biết quá trình thực hiện hợp đồng quân sự trên đã được khởi động. Thế nhưng thông tin này bị Mát-xcơ-va bác bỏ. Mới đây, tờ Kommersant khẳng định vì các lý do chính trị nên hợp đồng quân sự đó chưa có hiệu lực.

Chuyến thăm Nga hiện nay của ông Najjar một lần nữa làm sống lại tin tức về hợp đồng mua bán hệ thống phòng không S-300. Theo tờ Le Monde (Pháp), bản thân Tehran chưa bao giờ cần S-300 hơn lúc này, nhưng Mát-xcơ-va muốn sử dụng S-300 như một quân bài chiến lược để mặc cả với Mỹ trong tình hình chính quyền của tân Tổng thống Barack Obama vừa lên tiếng sẽ xem xét hoãn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu - một kế hoạch lâu nay Mát-xcơ-va luôn phản đối. Trong khi đó, báo chí Nga nhận định nguyên nhân chính Nga chưa muốn xúc tiến kế hoạch hợp tác quân sự với Iran là vì nước này đang muốn cải thiện quan hệ với Washington, đặc biệt trong bối cảnh Ngoại trưởng Sergei Lavrov sắp gặp người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton vào tháng 3 tới tại Genève (Thụy Sĩ). Ngoài ra, vào tháng 4, Tổng thống Dmitry Medvedev có khả năng sẽ có cuộc tiếp xúc cá nhân với ông chủ Nhà trắng.

Tờ Vedomosti bình luận Nga đang đặt nhiều kỳ vọng vào 2 cuộc gặp này, bởi hai bên có thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân và kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ ở Ba Lan và CH Czech. Vì lý do ấy nên tin tức về việc khởi động hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran có khả năng sẽ phủ bóng đen trước thềm hai cuộc gặp quan trọng kể trên. “Việc cung cấp S-300 cho Iran đang giậm chân tại chỗ và sẽ không có tiến triển nào ngay cả sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Iran” - báo Kommersant dẫn lời phát ngôn viên tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport.

Cho dù chắc chắn Nga sẽ không thực hiện hợp đồng cung cấp vũ khí đó với Iran trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay, nhưng theo một cựu đại tá không quân Mỹ, hợp đồng dự kiến vẫn nằm trong kế hoạch chiến lược an ninh quốc gia mới của Iran và Nga từ nay đến năm 2020.

PHÚC KIẾN
(Theo Le Monde, Isria, Vedomosti, Atimes)

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Najjar (trước) và người đồng cấp Nga duyệt đội quân danh dự Nga hôm 16-2. Ảnh: Pr

Chia sẻ bài viết