17/11/2011 - 21:16

Quá nhiều tế bào não có thể là nguyên nhân của bệnh tự kỷ

Phát hiện mới của các nhà khoa học Mỹ cho thấy trẻ mắc bệnh tự kỷ thường có quá nhiều tế bào não tại vùng não có vai trò phát triển tình cảm và giao tiếp. Điều này giúp lý giải tại sao trẻ tự kỷ thường có não bộ lớn hơn trẻ bình thường.

                Ảnh: healthmad.com 

Nghiên cứu của Đại học California tại San Diego cho biết bệnh tự kỷ bắt đầu phát triển từ khi trẻ còn trong bụng mẹ, bởi vì các tế bào não ở vùng vỏ não trước trán thường phát triển trong 3 tháng giữa thai kỳ. Phát hiện này có thể giúp thu hẹp phạm vi nghiên cứu nguyên nhân gây ra tự kỷ – căn bệnh ảnh hưởng đến 1% dân số thế giới.

Các chuyên gia cẩn thận so sánh số lượng tế bào não thuộc vùng vỏ não trước trán của 7 bé trai mắc bệnh tự kỷ và 7 bé trai bình thường sau khi họ tử vong và phát hiện ở trẻ bị bệnh, vùng não này phát triển quá lớn và nhanh. “Phần não này rất quan trọng đối với các chức năng giao tiếp, tình cảm và xã hội, và nó chiếm từ 25-30% diện tích vỏ não”, Tiến sĩ Eric Courchesne, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. Lần đầu tiên vào năm 2003, nhóm của ông lần ra mối liên hệ giữa tốc độ phát triển nhanh của chu vi đầu trong năm đầu đời và chứng bệnh tự kỷ. Theo đó, số lượng tế bào não vượt trội ở vùng vỏ não trước trán lý giải cho sự phát triển quá mức của não bộ, khiến chức năng não ở khu vực này bị rối loạn. “Điều đó không chỉ làm tăng số lượng tế bào thần kinh mà còn làm tăng mật độ kết nối giữa các tế bào, do đó dễ có nguy cơ mắc lỗi kết nối và dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng”, Tiến sĩ Courchesne giải thích.

Trước đây, các chuyên gia ở Đại học Pennsylvania từng phát hiện trẻ sinh nhẹ cân (khoảng 2 kg) có nguy cơ bị tự kỷ cao gấp 5 lần trẻ có cân nặng bình thường. Lý do có thể là trẻ sinh thiếu cân thường ốm yếu và dễ bệnh tật, chẳng hạn như bị rối loạn ngôn ngữ hoặc chậm phát triển trí não. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học cũng từng phát hiện ra hàng chục gien có thể làm tăng nguy cơ tự kỷ. Tuy nhiên, các nguyên nhân về di truyền học chỉ giải thích cho khoảng 10-20% ca tự kỷ, còn các nghiên cứu gần đây cho thấy các yếu tố môi trường, có thể là trong bụng mẹ, là nguy cơ tiềm năng.

Theo Tiến sĩ Courchesne, “đây là lần đầu tiên chúng ta có bằng chứng chắc chắn” về nguồn gốc của bệnh. Lizabeth Romanski ở trung tâm Y khoa thuộc Đại học Rochester (Mỹ) nhận định các phát hiện này chứng tỏ nguồn gốc của bệnh tự kỷ xuất hiện từ rất sớm. Theo nhà nghiên cứu Lizabeth, việc tìm thấy một lượng lớn tế bào thần kinh ở trẻ tự kỷ cho thấy có điều gì đó bất thường xuất hiện trong 3 tháng giữa thai kỳ, làm thay đổi xu hướng phát triển của não bộ và dẫn đến căn bệnh.

THÁI THANH (Theo Reuters, Healthland.time.com)

Chia sẻ bài viết