16/02/2022 - 08:48

Phương Tây tính toán cho khủng hoảng Ukraine 

MAI QUYÊN (Theo CNN, Reuters)

Trước nguy cơ căng thẳng Nga - Ukraine leo thang thành xung đột quân sự, Mỹ cùng các đồng minh từng bước có động thái phòng bị bên cạnh những nỗ lực “ngoại giao tích cực” nhằm xoa dịu khủng hoảng.

Nhân viên an ninh tuần tra trước Ðại sứ quán Mỹ ở Kiev. Ảnh: TASS

Vội vã rời đi

Ngày 14-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang trong tiến trình đóng cửa Ðại sứ quán ở thủ đô Kiev và tạm di dời số ít nhân viên ngoại giao còn lại ở Ukraine đến thành phố Lviv gần biên giới Ba Lan. Ðộng thái này diễn ra vài ngày sau chỉ thị của Washington, yêu cầu phần lớn nhân viên chính phủ thuộc lĩnh vực không thiết yếu rời Ukraine kèm theo quyết định đình chỉ các dịch vụ lãnh sự từ ngày 13-2.

Cũng tuần rồi, chính quyền Tổng thống Joe Biden hối thúc công dân Mỹ còn ở Ukraine rời khỏi đất nước trong vòng 48 đến 72 tiếng. Bên cạnh hành động dân sự, Lầu Năm Góc cũng rút 150 binh sĩ đang tham gia huấn luyện quân đội Ukraine về nước, viện dẫn nhiều mối quan ngại.

Bảo vệ quyết định sơ tán gấp rút của Mỹ, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ những động thái trên là cần thiết để đảm bảo an toàn khi xét đến mối đe dọa “hiện hữu” về hành động can thiệp quân sự của Nga đối với Ukraine. Tuy vậy, ông Blinken khẳng định những biện pháp phòng ngừa thận trọng này không làm suy yếu sự ủng hộ hoặc cam kết của Washington đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Ðông Âu.

Cùng với Mỹ, Canada cũng di chuyển nhân viên đại sứ quán đến Lviv. Trong khi đó, Ðại sứ Anh tại Ukraine Melinda Simmons cho biết Luân Ðôn đang duy trì một “đội chủ lực” ở lại Kiev.

Vẫn còn cơ hội cho ngoại giao

Những ngày gần đây, chính quyền Tổng thống Biden tăng cường các nỗ lực răn đe khi căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt. Hãng tin AP dẫn tin tình báo Mỹ cùng nhiều quan chức cảnh báo khả năng Mát-xcơ-va “xâm lược” nước láng giềng trước khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh kết thúc.

Nhưng tại buổi họp báo ngày 14-2, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cùng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price mặt khác cho biết Mỹ không tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có quyết định cuối cùng cho một “hành động quân sự lớn”. Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov xác nhận quan điểm của ông Putin về việc Ðiện Kremlin duy trì đàm phán ngoại giao với phương Tây. Khi được hỏi liệu có cơ hội đạt được thỏa thuận hay không, ông Lavrov cho rằng các khả năng “còn lâu mới cạn kiệt”; đồng thời đề nghị “tiếp tục và tăng cường” các khả năng này.

Hiện Mỹ một mặt can dự với Ukraine, mặt khác nỗ lực đạt được một giải pháp ngoại giao để xoa dịu căng thẳng, đặc biệt sau cuộc gọi của Tổng thống Biden với người đồng cấp Nga Putin và các cuộc thảo luận giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng 2 nước. Trong cuộc điện đàm ngày 14-2 với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Biden lần nữa nhất trí vẫn còn một “cánh cửa ngoại giao quan trọng” cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

NATO cân nhắc triển khai thêm quân

Theo tiết lộ từ 3 nhà ngoại giao, Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) dự kiến đưa thêm quân đến sườn Ðông Nam châu Âu nhằm đối phó việc Nga tăng cường quân sự ở Ukraine. Vấn đề này sẽ được đem ra thảo luận và quyết định khi bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên nhóm họp trong hai ngày 16 và 17-2, Hãng tin Reuters cho biết.

Trong đó, các bộ trưởng có khả năng đồng ý bước đầu tiên là chỉ đạo các chỉ huy đưa ra kế hoạch chi tiết cho 4 nhóm chiến đấu trên bộ đa quốc gia. Mỗi đơn vị khoảng 1.000 quân và có thể được điều tới Bulgaria, Romania, Slovakia hoặc Hungary. “Ðây sẽ là nhiệm vụ cho phép chúng tôi leo thang nhưng cũng có thể giảm leo thang nếu Nga rút quân” - một quan chức ngoại giao cấp cao của NATO cho biết.

Hiện Ukraine không phải thành viên NATO và khối không có nghĩa vụ bảo vệ Kiev. Do đó, việc củng cố lực lượng phản ánh quyết tâm của liên minh ở khu vực quan trọng chiến lược, đặc biệt những nước có biên giới với Ukraine như Hungary và Slovakia. Ðộng thái này cũng là sự thay đổi thế trận lớn nhất của NATO kể từ khi lập các nhóm chiến đấu ở những nước Baltic gồm Estonia, Litva, Latvia và Ba Lan sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Nhưng dù mục đích gì, bất kỳ hoạt động triển khai nào đều sẽ đi ngược lại yêu cầu an ninh của Nga đối với việc liên minh quân sự này phải cam kết không mở rộng về phía Ðông.

Mỹ đề xuất bảo lãnh tín dụng 1 tỉ USD cho Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14-2 cho biết Mỹ đang đề xuất bảo lãnh vay tới 1 tỉ USD cho Ukraine để hỗ trợ nền kinh tế nước này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga.

Trong một tuyên bố, ông Blinken nhấn mạnh đề xuất trên sẽ giúp tăng khả năng của Ukraine trong việc đảm bảo ổn định kinh tế, tăng trưởng và thịnh vượng cho người dân.

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng quan hệ đối tác vững chắc giữa Ukraine, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các tổ chức tài chính quốc tế khác cùng Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nhà tài trợ khác cũng sẽ giúp ích cho nỗ lực này.

Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Ottawa đang gửi vũ khí cho Ukraine và cho nước này vay 500 triệu đô la Canada (hơn 390 triệu USD). 

Chia sẻ bài viết