Thế giới tư bản vẫn thường hô hào nhà nước không cần can thiệp vào các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp. Thế nhưng, những năm qua, đặc biệt là năm 2007, chính phủ các nước này lại không ngừng tăng cường vai trò điều tiết nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia trước các mối đe dọa của quá trình toàn cầu hóa. Dưới đây là phản ánh của Frédérix Lemaýtre, chuyên gia phân tích của tờ Thế giới.
|
Hoạt động tại thị trường chứng khoán Wall Street ở Mỹ. Ảnh: Wall Street
|
Mọi người đều biết Luân Đôn (Anh), Wall Street (Mỹ) và Zurich (Thụy Sĩ) là 3 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Thế nhưng, cách đây vài tháng, họ phải cầu cứu đến nhà nước và dĩ nhiên lập tức nhận được sự trợ giúp. Chẳng hạn, trước cuộc khủng hoảng tín dụng thế chấp, Chính phủ Mỹ đang trực tiếp can thiệp nhằm ngăn ngừa nguy cơ sụp đổ của nhiều ngân hàng lớn. Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vốn nổi tiếng là người theo chủ nghĩa phi can thiệp vào kinh tế, cuối cùng cũng ủng hộ quyết định của Washington.
Trên lĩnh vực tư nhân hóa, Chính phủ Hà Lan vừa quyết định ngừng tư nhân hóa 30 công ty nhà nước còn lại vì lo ngại những hệ lụy của nó đối với các vấn đề xã hội. Tại phương Tây nói chung, toàn cầu hóa đang được coi là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng sự bất bình đẳng và điều này được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thừa nhận. Chính vì vậy, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mạnh mẽ cam kết sẽ bảo vệ lợi ích và vị thế của các doanh nghiệp nhà nước như EADS, Alstom, Suez, Veolia, Areva, EDF...trong bối cảnh sức cạnh tranh của nền kinh tế Pháp chỉ đứng hàng thứ 18 thế giới. Bà Hillary Clinton, người có khả năng trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, cũng khẳng định rằng chính quyền của bà sẽ không tư nhân hóa hệ thống bảo hiểm và chăm sóc y tế vốn được Tổng thống George Bush xem như là đối tượng kinh tế phải mở cửa cho tư nhân.
Cuối những năm 1990, phương Tây từng tuyên bố việc phát triển công nghệ mới không cần sự can thiệp từ chính sách của nhà nước. Thế nhưng, Ủy ban châu Âu gần đây lại phán quyết Microsoft vi phạm luật chống độc quyền nhằm bảo vệ các doanh nghiệp công nghệ còn non trẻ của châu Âu.
Và cũng trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của nhà nước trong hoạt động kinh tế đối ngoại, chính phủ nhiều nước quyết định thành lập các quỹ đầu tư. Chẳng hạn Quỹ Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất đầu tư 7,5 tỉ USD mua 4,9% cổ phần của Citigroup, ngân hàng số một của Mỹ. Quỹ đầu tư nhà nước CIC của Trung Quốc bỏ ra 5 tỉ USD để nắm quyền sở hữu 9,9% cổ phần của ngân hàng đầu tư tài chính Morgan Stanley. Chính phủ Singapore chi 9,6 tỉ USD để trở thành cổ đông lớn nhất và có chân trong hội đồng quản trị UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ...
Rõ ràng, trong hoạt động kinh tế thời toàn cầu hóa, vai trò của nhà nước luôn đứng phía sau bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và đó cũng là lợi ích chung của quốc gia. Và xu hướng bảo hộ ngày càng tăng giải thích vì sao các vòng đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong những năm qua chưa mang lại kết quả.
PHÚC NGUYÊN (Theo Le Monde)