01/03/2022 - 18:49

Phương Tây tăng cường ủng hộ Ukraine 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, CNN)

Việc Ukraine có khả năng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sẽ tạo ra “đòn bẩy giá trị” với Kiev trong tiến trình cùng Nga đàm phán chấm dứt xung đột, một quan chức cấp cao EU nhận định. Trong khi đó, trên thực địa, binh sĩ Nga tiếp tục tiến vào một số thành phố của Ukraine.

Ô tô bị chặn lại tại một rào chắn do dân phòng lập trên đường dẫn đến trung tâm Kiev. Ảnh: Getty Images

Ngày 28-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy chính thức ký đơn đề nghị gia nhập EU thông qua “thủ tục đặc biệt mới”. Quyết định được đưa ra sau cuộc đàm phán trưc tiếp đầu tiên nhưng không hiệu quả giữa Ukraine với phái đoàn Nga.

Lãnh đạo của 8 quốc gia thành viên EU (Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia, Slovenia và Cộng hòa Séc) đã tán thành việc tạo điều kiện để Kiev gia nhập EU ngay lập tức. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định bà vẫn ủng hộ việc Ukraine trở thành một thành viên của EU. Trong tối ngày 28-2, người đứng đầu EC và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã có buổi hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Ðức Olaf Scholz về tình hình Ukraine. Một quan chức cấp cao EU dự đoán, vấn đề tư cách thành viên của quốc gia Ðông Âu nhiều khả năng tiếp tục được đưa vào chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo của khối gặp nhau tại cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu vào ngày 10 và 11-3.

Từ năm 2014, EU đã ký thỏa thuận thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Ukraine nhằm thể hiện sự ủng hộ Kiev sau khi Nga sáp nhập vùng Crimea. Nhưng Ukraine đến trước ngày 28-2 chưa chính thức ký đơn xin gia nhập EU, trong khi khối này cũng tránh thảo luận vấn đề trên để không làm mất lòng Mát-xcơ-va. Song, hành động của Nga tấn công nước láng giềng đã thay đổi mọi thứ, quan chức EU cho biết. Và sự quan tâm của liên minh 27 quốc gia về tư cách đầy đủ của Ukraine có thể là yếu tố quan trọng với Tổng thống Zelenskiy trong tiến trình đàm phán cùng Nga.

Tuy nhiên, Ðại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết mọi nỗ lực trở thành thành viên khối này đều có thể “mất nhiều năm”.

Trước đó, EU trong động thái chưa từng có tiền lệ đã thông qua gói viện trợ 450 triệu euro để mua khí tài quân sự cho Ukraine. Khối này cũng dự kiến sớm công bố các biện pháp mới về kinh tế giúp Kiev bên cạnh việc bổ sung một số biện pháp trừng phạt Mát-xcơ-va.

Mát-xcơ-va nêu điều kiện tháo ngòi xung đột

Theo thông báo từ Ðiện Élysée, Tổng thống Macron trong cuộc điện đàm ngày 28-2 với người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã kêu gọi Nga tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và ngừng bắn ngay lập tức. Tái khẳng định yêu cầu của cộng đồng quốc tế về việc ngăn chặn cuộc tấn công của Nga nhằm vào nước láng giềng, ông Macron nêu ra 3 yêu cầu đó là Nga phải ngừng mọi cuộc không kích và tấn công nhằm vào dân thường và khu dân cư,  bảo tồn cơ sở hạ tầng dân sự và bảo đảm các tuyến đường chính.

Theo văn phòng Tổng thống Pháp, ông Putin bày tỏ “sẵn sàng cam kết” đối với 3 vấn đề này. Thông báo từ Ðiện Kremlin cũng cho biết ông Putin đã nói về việc Mát-xcơ-va “sẵn sàng đàm phán với các đại diện của Ukraine”. Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền Mát-xcơ-va nêu rõ một giải pháp chỉ có thể đạt được khi các lợi ích an ninh hợp pháp của Nga được tính đến một cách “vô điều kiện”, bao gồm việc công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, hoàn thành mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine và đảm bảo vị thế trung lập của nước này.

Tuần rồi, nhà lãnh đạo Nga cũng điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine và các đảm bảo an ninh giữa Nga và phương Tây. Trong đó, ông Putin đã bày tỏ thất vọng về việc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) cố tình phớt lờ những đòi hỏi an ninh chính đáng của Mát-xcơ-va.

Binh sĩ Nga tiến vào thành phố Kherson

Theo hãng tin AFP, quân đội Nga ngày 1-3 đã tiến vào Kherson - thành phố miền Nam của Ukraine, gần với bán đảo Crimea và đang thiết lập các trạm kiểm tra tại khu vực ngoại ô thành phố. Thị trưởng Kherson, ông Igor Kolykhayev đã công bố thông tin này trên tài khoản cá nhân Facebook, đồng thời kêu gọi người dân không rời nhà trong thời gian thực hiện lệnh giới nghiêm. Những hình ảnh do truyền thông địa phương công bố cũng cho thấy quân đội Nga đang tiến vào thành phố.

Hôm 27-2, Nga tuyên bố đã bao vây thành phố này. Ngoài ra, Mát-xcơ-va cho biết quân đội Nga đã kiểm soát thành phố cảng Berdyansk, nằm về phía Tây Bắc của Crimea trên Biển Azov.

Hiện cuộc giao tranh ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 6 khi các lực lượng Nga tìm cách đánh vào các trung tâm dân cư lớn ở phía Ðông, Nam và Bắc Ukraine. Dựa trên hình ảnh vệ tinh cung cấp, hãng tin Reuters cho biết một đoàn xe quân sự của Nga dài hơn 64 km đã đến vùng ngoại ô Pribyrsk và đang áp sát thủ đô Kiev. Trước đó, quân Nga đã tăng cường các đợt tấn công với những tiếng nổ lớn từ trung tâm Kiev ngay khi đàm phán giữa hai bên kết thúc mà không có kết quả ngoại trừ cam kết tiếp tục thương lượng.

Ngày 1-3, người phát ngôn chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết người dân Kiev có thể rời thành phố. Ông Konashenkov nêu rõ tất cả dân thường ở Kiev có thể tự do rời thành phố theo đường cao tốc Kiev -Vasilkov thông thoáng và an toàn. Ông Konashenkov cũng khẳng định lại rằng các lực lượng vũ trang Nga chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự, không đe dọa dân thường.

Chính phủ Mỹ trong báo cáo mật hồi đầu tuần đã cảnh báo các nhà lập pháp về đợt tung quân Nga lần thứ 2 sẽ củng cố vị trí của họ bên trong Ukraine, và với quân số áp đảo như vậy, Mát-xcơ-va có thể trấn áp sự kháng cự của nước láng giềng. Trong bối cảnh này, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết hàng ngàn binh sĩ Mỹ đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng triển khai ở châu Âu trong khuôn khổ Lực lượng Phản ứng NATO (NRF) khi có lệnh. Hiện chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn cam kết không đưa quân đến Ukraine để tham chiến trực tiếp. Nhưng các lực lượng Mỹ có thể thông qua nhiệm vụ của NRF để đối phó cuộc xâm lược “vô cớ và phi lý” của Nga, theo Lầu Năm Góc.

Chia sẻ bài viết