27/02/2021 - 19:27

Phương Tây phớt lờ, Huawei thẳng tiến Trung Đông 

“Gã khổng lồ” viễn thông Huawei của Trung Quốc đang mở rộng phạm vi hoạt động ở các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ dù bị Mỹ và các nước châu Âu coi là mối đe dọa an ninh tiềm tàng.

Trong những năm gần đây, Huawei đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Washington tuyên bố Huawei có quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc và thiết bị của công ty này có thể được Bắc Kinh sử dụng cho hoạt động gián điệp dù Huawei đã nhất quyết phủ nhận. Mặt khác, Anh và Thụy Ðiển cấm sử dụng thiết bị Huawei trong mạng không dây 5G tốc độ cao, trong khi Pháp cũng áp đặt nhiều hạn chế đối với Huawei.

Bên trong cửa hàng bán thiết bị công nghệ Huawei ở UAE. Ảnh: ITP

Bên trong cửa hàng bán thiết bị công nghệ Huawei ở UAE. Ảnh: ITP

“Mảnh đất màu mỡ”

Trong bối cảnh đó, các quốc gia vùng Vịnh gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vốn là đối tác chiến lược của Mỹ không chỉ chọn Huawei để triển khai mạng 5G mà còn hợp tác với công ty này để phát triển “thành phố thông minh”, qua đó giúp nâng cao các dịch vụ kỹ thuật số và hệ thống giám sát an ninh.

Dù “gã khổng lồ” viễn thông của Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ ở vùng Vịnh từ những năm 1990 nhưng các giao dịch và hợp đồng hợp tác của Huawei với khu vực tăng gấp bội trong những năm gần đây. Hồi tháng 1 vừa qua, Saudi Arabia cho biết sẽ mở cửa hàng Huawei lớn nhất bên ngoài Trung Quốc ở thủ đô Riyadh, chỉ vài tháng sau khi quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này ký thỏa thuận với Huawei về việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để đẩy mạnh tăng trưởng khu vực công và tư nhân.

Saudi Arabia cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Huawei để củng cố nền kinh tế kỹ thuật số và hệ sinh thái công nghệ thông tin truyền thông. Theo đó, Huawei trở thành đối tác chiến lược của Ủy ban Truyền thông và Công nghệ Thông tin (CITC) của Saudi Arabia trong lĩnh vực hợp tác trao đổi kiến thức, phát triển năng lực nguồn nhân lực và công nghệ thông tin truyền thông. Ðổi lại, Huawei chia sẻ kinh nghiệm và những thực tiễn tốt nhất với CITC trong tương lai, gồm triển khai các khóa đào tạo chung cho các quan chức CITC, tập trung vào các công nghệ mới nổi như AI hay điện toán đám mây.

Trước đó, công ty đầu tư Batic của Saudi Arabia hồi mùa hè năm ngoái đã ký kết thỏa thuận với Huawei để triển khai các dự án “thành phố thông minh” tại vương quốc này. Huawei cũng giúp phát triển các ứng dụng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để hỗ trợ những người hành hương Hồi giáo đến thăm 2 địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi, gồm thành phố Mecca và Medina. “Bằng cách giành được sự tin tưởng của các đối tác ở Trung Ðông, chúng tôi có thể giảm thiểu áp lực chính trị bên ngoài như Mỹ từng áp đặt lên chúng tôi” - Charles Yang, Giám đốc Huawei khu vực Trung Ðông, nói với tờ AFP.

Trong khi đó tại UAE, Huawei tham gia vào hàng loạt dự án, từ xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu đến dịch vụ thanh toán trực tuyến dành cho mạng lưới giao thông công cộng. Emirates, hãng hàng không lớn nhất Trung Ðông của UAE, năm ngoái đã chọn Huawei xây dựng trung tâm tăng cường khả năng giám sát và an ninh của hãng này. Theo người phát ngôn của Emirates, “các giải pháp như vậy được sử dụng trên khắp thế giới chủ yếu vì lý do an toàn và an ninh công cộng”.

Ngoài ra, nhiều công ty tại Bahrain, Kuwait và Oman cũng đã ký với Huawei những hợp đồng 5G khổng lồ mà theo giới phân tích sẽ mang lại tác động tích cực đối với một loạt ngành công nghiệp ở các nước vùng Vịnh, đặc biệt là tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, điện toán đám mây, băng thông rộng siêu nhanh và đổi mới về Internet vạn vật, gồm xe tự hành, giao thông vận tải và trang thiết bị trong nhà máy.

Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei rõ ràng đã tìm thấy “mảnh đất màu mỡ” tại Trung Ðông trong bối cảnh bị các thị trường Mỹ và châu Âu “quay lưng” do nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Mỹ khó cản đường

Huawei mới đây bày tỏ hy vọng tái thiết lập quan hệ với Washington, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump xem Huawei là nguồn cơn của sự gia tăng căng thẳng về thương mại và công nghệ giữa 2 nước.

Tuy nhiên, chuyên gia Camille Lons tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cảnh báo rằng quan hệ mật thiết giữa Huawei với vùng Vịnh có thể mang lại những lo ngại về an ninh đối với xứ cờ hoa, bởi “nguy cơ thông tin hoặc công nghệ quân sự nhạy cảm của Mỹ có thể bị theo dõi và chuyển giao cho Trung Quốc”. Bà Lons lưu ý Mỹ có các căn cứ quân sự tại vùng Vịnh và các nước trong khu vực này là khách hàng lớn mua sắm trang thiết bị quân sự Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của vùng Vịnh. Số liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy, kim ngạch thương mại song phương của Trung Quốc với Saudi Arabia trong năm 2019 đạt khoảng 36,4 tỉ USD, trong khi với UAE là 38 tỉ USD.

Theo giới phân tích, Mỹ không thể “cản đường” buộc các nước đồng minh vùng Vịnh không hợp tác với Huawei như các nước châu Âu khác, bởi khu vực này phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc. Ðại dịch COVID-19 càng khiến các nền kinh tế vùng Vịnh phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi đã nhanh chóng phục hồi kinh tế nhanh hơn Mỹ trong cuộc suy thoái toàn cầu. Việc Bắc Kinh sớm mở cửa lại nền kinh tế đã giúp Huawei thẳng tiến vào Trung Ðông với các sản phẩm viễn thông giá rẻ và dễ dàng đánh bại các đối thủ cạnh tranh phương Tây.

Sự hiện diện của Huawei tại Saudi Arabia còn xuất phát từ chiến lược xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng theo tầm nhìn đến năm 2030 đẩy tham vọng của Riyadh. Huawei cũng đang cạnh tranh với đối thủ Vodafone của Anh trong việc phát triển hệ thống 5G phục vụ cho vòng chung kết bóng đá thế giới World Cup 2022 tại Qatar. Quốc gia vùng Vịnh này hy vọng đây sẽ là kỳ World Cup 5G đầu tiên trên thế giới.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết