19/07/2017 - 20:53

Phú Quốc hướng đến đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Vừa qua, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang diễn ra Hội thảo khoa học "Đề xuất cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức bộ máy nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo bước phát triển đột phá, bền vững cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc" (gọi tắt là Hội thảo). Tại hội thảo, các chuyên gia, học giả, nhà khoa học đã đề xuất, phân tích mô hình tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.

Tiềm năng lớn

 

 Một góc Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc. Ảnh: T.L

Nhiều ý kiến cho rằng, dù có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế, nhưng Phú Quốc thực sự được "đánh thức" sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020" tại Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, ngày 5/10/2004, với mục tiêu xây dựng đảo Phú Quốc thành "Thành phố biển đảo, trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái cao cấp, nghiên cứu khoa học công nghệ… của quốc gia và khu vực". Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang hoàn thiện đề án xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc với các ngành trụ cột chính là công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính ngân hàng; kinh tế biển. Theo đó, đề xuất các cơ chế chính sách theo hướng mở có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới; xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền đa ngành, đa lĩnh vực, nhất thể hóa cơ quan chuyên môn của cấp ủy Đảng với chính quyền; thu hút và phát triển nguồn nhân lực.

Phú Quốc đã vươn mình trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của tỉnh Kiên Giang nói riêng và cả nước nói chung, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm hơn 28%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2016, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 20.000 tỉ đồng, gần bằng 50% toàn tỉnh Kiên Giang; GDP bình quân đầu người 145 triệu đồng/người/năm; thu hút hơn 1,4 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế hơn 210.000 lượt người, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt gần 9.000 tỉ đồng… Đến nay, Phú Quốc đã thu hút được 265 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích 10.522 ha. Trong đó, 197 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 7.235 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 218.000 tỉ đồng; 31 dự án đã đi vào hoạt động tổng vốn đầu tư gần 50.000 tỉ đồng. Hầu hết các dự án đã và đang triển khai thực hiện là những dự án động lực, tạo điểm nhấn đặc biệt để Phú Quốc trở thành một điểm đến hàng đầu về du lịch của cả nước.

Xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở cấp cao nhất

Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc phải có lợi thế kết nối bên ngoài. Quyền lực độc lập của chính quyền phải được xác định rõ ràng, có cơ chế vận hành thông suốt và được đảm bảo bằng luật. Trên thực tế, các đặc khu ở mỗi nước, tùy theo điều kiện cụ thể và các yêu cầu phát triển đặc thù được trao các quyền lập quy không hoàn toàn giống nhau, các mẫu hình đều có sẵn. Đây là điều mà Phú Quốc cần tổ chức nghiên cứu để đề xuất áp dụng cho phù hợp. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc phải cạnh tranh - liên kết phát triển. Đó là cạnh tranh - liên kết quốc tế với các đặc khu khác của thế giới và trong khu vực. Phải xây dựng năng lực cạnh tranh vượt trội cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc ở cấp cao nhất.

 

Du khách nước ngoài tham quan nhà thùng nước mắm ở Phú Quốc. Ảnh: T.L

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hiện thực hóa và phát triển Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc trong bối cảnh hiện nay cần tính đến thực tế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới. Trên cơ sở phân tích nội hàm, tác động, triển vọng, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phân tích thực tế huyện đảo Phú Quốc, cần định hướng, giải pháp trên các khía cạnh như: tầm nhìn phát triển, tạo lập thể chế vượt trội, nâng cao cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối, chính sách ưu đãi mang tính cạnh tranh khu vực và quốc tế, bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, cơ chế đãi ngộ phù hợp…

Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể các chính sách quản lý trên một số lĩnh vực liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư kinh doanh và triển khai thực hiện dự án đầu tư tại Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Điển hình như: quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường, thương mại, mở cửa thị trường, lao động… theo hướng đơn giản tối đa về thủ tục và tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Các chính sách về phát triển kết cấu hạ tầng; miễn giảm các loại thuế, phí lệ phí; miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước, sử dụng đất; tiền tệ ngân hàng, quản lý ngoại hối; xuất nhập cảnh, đi lại, cư trú… đối với Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc được quy định cao hơn, vượt trội và thuận lợi hơn so với quy định hiện hành, không trái với Hiến pháp và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, đảm bảo cạnh tranh với một số đặc khu trên thế giới.

Cần chính sách đặc biệt

Phú Quốc sở hữu những ưu thế tuyệt đối về du lịch sinh thái biển đảo. Vừa là khu du lịch quốc gia, vừa là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Phú Quốc sẽ có cơ hội bứt phá phát triển du lịch khi được hưởng những cơ chế, chính sách đặc biệt. "Việc xác định sản phẩm chủ lực du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp làm động lực dẫn dắt phát triển và mô hình quản lý đi liền với hệ thống chính sách đặc thù sẽ quyết định đến tương lai phát triển bền vững và đẳng cấp thương hiệu của du lịch Phú Quốc" - Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết: Thực tiễn thời gian qua, ngoài lĩnh vực du lịch đã và đang là thế mạnh, Phú Quốc cần phát triển thêm các trụ cột kinh tế mũi nhọn để đảm bảo phát triển bền vững. Xây dựng mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả thật sự "đặc biệt", đủ sức đảm đương công việc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. "Cơ chế chính sách đặc biệt là vấn đề hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến sự thành công trong phát triển kinh tế của Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Nếu cơ chế, chính sách đủ mạnh, thật sự "khác biệt", đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế sẽ tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hết sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Phú Quốc; đồng thời là nơi ươm mầm cho các ý tưởng và hiện thực hóa các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao để Phú Quốc trở thành một khu vực kinh tế năng động, hiệu quả" – ông Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết