10/10/2023 - 11:20

Phụ nữ Trung Quốc thách thức “nghĩa vụ làm đẹp” 

Tờ Thời báo New York (NYT, Mỹ) cho biết, một số phụ nữ ở Trung Quốc đang từ chối đi giày cao gót, không trang điểm, không ăn kiêng cũng như không tuân theo các tiêu chuẩn làm đẹp khác mà họ cho là tốn kém và bất công đối với phụ nữ.

Legend Zhu khi còn làm người mẫu (trái) và sau khi cắt tóc ngắn. Ảnh: NYT

Legend Zhu là một ví dụ điển hình. Zhu là hình mẫu của phụ nữ Trung Quốc. Sở hữu chiều cao lý tưởng cùng với mái tóc dài ngang vai, Zhu là trưởng nhóm người mẫu tại trường cô theo học. Các thành viên trong nhóm thường được mời “sải bước” trên các sàn diễn thời trang trong những bộ váy ôm sát cơ thể và được trang điểm ấn tượng. 

Gần đây, Zhu một lần nữa thu hút sự chú ý nhờ vẻ ngoài của mình nhưng theo một cách hoàn toàn khác khi đăng một bức ảnh selfie với mái tóc ngắn và gương mặt mộc trên mạng xã hội Tiểu hồng thư. “Tôi cảm thấy thật thoải mái khi từ một người mẫu trở thành một người phụ nữ bình thường. Để luôn xinh đẹp, bạn không ngừng đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức. Hầu hết nam giới đều không phải làm điều đó, thật là không công bằng” - Zhu viết trong bài đăng.

Bức ảnh của Zhu nhận được hơn 1.000 lượt thích và nhiều lời khen. Cô cũng được cư dân mạng tán thưởng vì đã dũng cảm vượt qua áp lực buộc phụ nữ phải có ngoại hình đẹp. Theo công ty tư vấn iResearch, thị trường mỹ phẩm và chăm sóc da Trung Quốc hồi năm ngoái đã vượt con số 69 tỉ USD.

Zhu kể rằng khi còn học đại học ở Bắc Kinh và đang cân nhắc theo đuổi sự nghiệp trong ngành thời trang, một công ty người mẫu đã khuyên cô nên giảm ít nhất 10kg, xuống còn 50kg. Song, với chiều cao 1m77, cô thấy điều này không hợp lý. “Tôi không thể tưởng tượng ra được tác hại đối với cơ thể mình” - Zhu nói. Do đó, Zhu quyết định theo học chương trình thạc sĩ về quy hoạch đô thị.

Annie Xie là một trường hợp khác. Khi học cấp 2, Xie bắt đầu trang điểm, đeo kính áp tròng màu và ăn kiêng để có thể mặc vừa những chiếc váy cỡ 0. Đến năm 15 tuổi, Xie phải nhập viện vì mắc chứng chán ăn tâm thần. Xie lúc đó mới bắt đầu suy ngẫm và được tác phẩm kinh điển về nữ quyền “Giới tính thứ hai” của nhà triết học người Pháp Simone de Beauvoir truyền cảm hứng. Xie cho biết các triết lý về nữ quyền đã giúp cô thoát khỏi nỗi ám ảnh về ngoại hình. Năm nay khi tròn 23 tuổi, Xie đã ngừng ăn kiêng, mặc quần áo rộng thùng thình, không trang điểm và nhiều lúc còn không mặc áo ngực. Nói với NYT, Xie cho biết bạn trai cũ của cô nói rằng cô đã “từ bỏ” chính mình. “Tôi nghĩ điều đó thật nực cười. Tôi không muốn quay trở lại thời trước đây” - Xie nhấn mạnh.

Thật ra, Zhu và Xie chỉ là 2 trong số những phụ nữ trẻ can đảm thách thức “nghĩa vụ làm đẹp” vốn tốn kém và đôi khi gây tổn hại cho bản thân vì những quan niệm sai lầm về cái đẹp. Thay vào đó, họ dành thời gian, tiền bạc cho việc học hành và phát triển sự nghiệp, trong bối cảnh bất cứ điều gì liên quan đến nữ quyền đều có thể trở thành chủ đề tế nhị ở đất nước tỉ dân. Ví dụ, phụ nữ đưa ra các tuyên bố về nữ quyền trên mạng xã hội thường bị sỉ nhục và đôi khi bị khóa tài khoản vì “phân biệt giới tính” dù Trung Quốc từ lâu nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới.

Những phụ nữ “dám” thách thức “nghĩa vụ làm đẹp” của Trung Quốc cũng từ chối bỏ đói bản thân, tránh xa văn hóa ăn kiêng nguy hiểm vốn đã tạo ra những thách thức phổ biến trên mạng Internet. Còn nhớ, giới trẻ Trung Quốc từng “phát sốt” với trào lưu khoe eo nhỏ với tờ giấy A4. Theo đó, những người muốn trải nghiệm thử thách khoe eo sẽ phải cầm một tờ giấy A4, có chiều rộng chỉ 21cm, đặt dọc ở phía trước hoặc sau phần eo. Nếu như tờ giấy che gọn vòng eo thì chứng tỏ người đó đã có vòng eo đạt chuẩn. Tuy được hưởng ứng khá nhiệt tình nhưng thử thách này cũng nhận phải chỉ trích, bởi nhiều người cho rằng nó gây áp lực lên phụ nữ, khiến họ cứ phải cố sức đạt được mục đích khó hoặc không thể thực hiện được.

Leta Hong Fincher, tác giả cuốn “Sự trỗi dậy của tình trạng bất bình đẳng giới ở Trung Quốc”, cho biết nhận thức về nữ quyền đang ngày càng tăng ở phụ nữ trẻ Trung Quốc, đặc biệt là những người có trình độ đại học. Theo bà Fincher, tình trạng phân biệt giới tính trong tuyển sinh đại học và trên thị trường việc làm đã khiến một số phụ nữ trẻ lên tiếng phản đối “vai trò giới tính” - một nhóm các chuẩn mực hành vi gắn liền với nam giới hay nữ giới được người khác cảm nhận.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết