Bài 4: Những câu chuyện truyền cảm hứng
… Vượt ra khỏi chái bếp, phum sóc, không ít phụ nữ dân tộc Khmer trở thành đầu tàu trong kinh doanh, phát triển các sản phẩm bản địa. Không chỉ tiêu dùng trong nước, nhiều sản phẩm của các cô, các chị có tiềm năng cạnh tranh ở thị trường nước ngoài… Chúng tôi đã gặp những phụ nữ Khmer như thế. Hành trình của các chị là những câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ phụ nữ Khmer tự tin, bản lĩnh vượt khó.
Chị Sơn Thị Lang, Giám đốc HTX Làng nghề Cờ Ðỏ (bìa trái) đang giới thiệu sản phẩm của HTX.
Truyền đam mê nghề đan đát lục bình
Sau hơn 10 năm bén duyên với lục bình, chị Sơn Thị Lang ở ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Ðỏ, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ đã “lột xác”. Từ một phụ nữ quê, không có nghề nghiệp ổn định, chị trở thành Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Làng nghề Cờ Ðỏ. Chị Lang bộc bạch: “Lục bình trước đây là loại thực vật trôi nổi, thường bị xem là loại bỏ đi. Nhưng, chính lục bình giúp tôi đổi đời và còn tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ ở địa phương với thu nhập tương đối ổn định”.
Mỗi khi được học viên gọi là cô, chị Lang hạnh phúc, hãnh diện lắm. Chị kể: “Nhà nghèo, chồng tôi là công nhân viên, đi làm ở xa, tôi làm thuê, bắt ốc, chăn nuôi không nghỉ mà gia đình 5 người cứ thiếu trước hụt sau”. Chị Lang vẫn nhớ như in, mùa nước về, chị bơi xuồng vào sâu các kênh rạch để bắt ốc, hái rau muống bán... Những tuyến kênh gần nhà dần hết ốc, hết rau, chị phải đi thật xa. “Mỗi mùa nước, thấy lục bình lấn hết rau muống là tôi buồn bực vì không có nhiều rau muống là giảm thu nhập. Vậy mà không ngờ, cái thứ mình từng ghét lại làm mình đổi đời” - chị nói.
Khi Hội phụ nữ thị trấn phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện mở lớp dạy nghề đan lục bình cho chị em phụ nữ Khmer nghèo ở ấp Thới Hòa B, chị Lang xin học. Thời điểm đó, việc vận động phụ nữ nông thôn vào học các lớp nghề khá khó khăn. Vì vậy, chị Lang là điển hình vì tinh thần tự giác. Quyết tâm có được nghề nên chị Lang học rất chăm chỉ, hầu như không vắng một buổi nào. Chuyên cần cộng với khéo léo, sản phẩm của chị Lang đều đẹp. Thế là, chị được Trung tâm nghề chọn để hướng dẫn thêm về kỹ thuật của nghề đan lục bình. Rồi chị trở thành cộng tác viên của Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Ðỏ, đi dạy đan lục bình ở các ấp khi Trung tâm mở lớp. Chị Lang nói vui: “Hiện nay, lục bình không chỉ “kéo” tôi ra khỏi ấp Thới Hòa B, ra khỏi Cờ Ðỏ mà “trôi” đến tận Sóc Trăng, Hậu Giang để dạy nghề cho chị em ở đây mỗi khi Hợp tác xã Kim Hưng mở lớp ở những địa phương này”.
Qua những lần đi dạy, chị kết nối được “đầu ra” cho sản phẩm đan đát từ lục bình. Nhận thấy được cơ hội tạo việc làm cho phụ nữ địa phương, chị đứng ra vận động, tập hợp chị em thành lập, ra mắt HTX Làng nghề Cờ Ðỏ vào năm 2019 với 38 xã viên, khoảng 100 người lao động, đa số là đồng bào dân tộc Khmer… Trở thành Giám đốc HTX, chị Lang bận rộn hơn rất nhiều. Tuy cực nhưng rất phấn khởi, chị cho biết: “Nhờ Nhà nước dạy nghề đan lục bình mà nhà tôi vượt qua khó khăn. Bây giờ, mỗi ngày tôi giao nguyên liệu cho hơn 100 chị em phụ nữ nghèo ở Cờ Ðỏ đan thành các sản phẩm từ lục bình. Có việc làm ổn định, chị em mừng lắm”. Theo anh Cao Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cờ Ðỏ, chị Lang rất nhiệt tình, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chị là người tâm huyết với HTX, truyền nghề được cho nhiều chị em, giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm.
Hành trình của chị Lang là nguồn cảm hứng của nhiều lao động nữ ở nông thôn. Chị Thạch Thị Thanh Tuyền ở ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Ðỏ, kể: “Trước đây, vợ chồng tôi đi làm công nhân ở Bình Dương. Trong một lần về thăm nhà, tôi thấy chị Lang dạy đan lục bình cho chị em trong ấp nên bàn với chồng về quê học nghề và an cư... 2 chị và mẹ tôi cũng đan lục bình, thu nhập khá”. Chị Thạch Thị Xuân, Thạch Thị Ðẫm… - những phụ nữ Khmer ở nông thôn trước đây, sống chủ yếu bằng việc làm thuê thì nay, nhờ cảm hứng từ chị Lang, đã có được một nghề ổn định. Chị Lang phấn khởi: “Tôi vừa dạy xong lớp nghề ở Thới Ðông, trước đó là lớp ở thị trấn Cờ Ðỏ. Sau khi học xong, 60 chị sẽ nhận gia công sản phẩm cho HTX. Mỗi khi dạy xong một lớp, thấy các chị theo nghề đan và có thu nhập ổn định là tôi vui. Ðể có thể nâng cao thu nhập cho các chị, Ban giám đốc HTX đang nghiên cứu sản xuất các sản phẩm phù hợp với thị hiếu nhằm mở rộng thị trường”.
Ðưa sản phẩm đường thốt nốt vươn xa
“Pal trong tiếng Khmer có nghĩa là cây cọ, mania có nghĩa là đam mê. Tôi đặt tên Công ty CP Palmania chuyên sản xuất sản phẩm đường thốt nốt. Tôi mong muốn đặc sản quê hương của đồng bào Khmer mình sẽ vươn tầm ra khỏi vùng quê còn nhiều nghèo khó” - chị Chau Ngọc Dịu giải thích và để thực hiện ước mơ đó, chị Dịu đã từ bỏ công việc với mức lương cao, về quê khởi nghiệp…
Chị Chau Ngọc Dịu, Giám đốc Công ty CP Palmania.
Quê chị Dịu ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Hơn 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, chị làm nhân viên ngân hàng rồi chuyển sang công tác cho đơn vị phúc lợi cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh. Lúc bấy giờ, lương của chị Dịu lên đến hàng chục triệu mỗi tháng. Vì vậy, nhiều người ngạc nhiên khi chị từ bỏ tất cả để khởi nghiệp từ cây thốt nốt ở quê nhà. Nói về quyết định táo bạo của mình, chị Dịu chia sẻ: “Cây thốt nốt có vị ngọt thanh, hương thơm nồng... Ðặc trưng của mật đường cây thốt nốt thấm vào máu, thịt của tôi từ bé. Tôi muốn làm ra một sản phẩm đặc trưng của quê hương mà ai cũng có thể biếu, tặng dễ dàng. Tôi muốn mang lại giá trị cho sản phẩm bản địa cũng như nâng cao giá trị phụ nữ Khmer”.
Tháng 6-2017, chị Dịu cùng người bạn hùn vốn thành lập Công ty CP Palmania, trụ sở đặt tại TP Hồ Chí Minh, do chị làm Giám đốc. Ðến tháng 8-2019, Công ty chuyển trụ sở về thị trấn Tri Tôn. Sau 2 năm nỗ lực tìm tòi nghiên cứu, Công ty phát triển thành công sản phẩm mới đường thốt nốt bột Palmania nguyên chất, tự nhiên, không phụ gia… Hiện Palmania có 3 dòng sản phẩm chính là đường thốt nốt sệt, đường thốt nốt bột và mật thốt nốt bột, có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước. Không dừng lại ở đó, chị Dịu muốn đưa sản phẩm xuất ngoại. “Tháng 9-2020, sản phẩm mật nốt nốt bột tham gia cuộc thi Great Taste Awards được tổ chức ở Anh và đạt 2 sao. Great Taste Awards được xem như “giải Oscar” trong thế giới ẩm thực. Sản phẩm tham gia được hơn 500 chuyên gia hàng đầu trong ngành ẩm thực, đồ uống đánh giá và lựa chọn…Tại cuộc thi Great Taste Awards tháng 9-2021, sản phẩm mật thốt nốt sệt của Palmania đạt tiêu chuẩn 1 sao… Kết quả này là bước đệm quan trọng để Palmania có mặt tại thị trường ở Hà Lan, Phần Lan và một số quốc gia khác ở châu Âu” - chị Dịu chia sẻ.
Thành quả như hôm nay là cả quá trình nỗ lực vượt khó của cô gái Khmer Chau Ngọc Dịu. “Hàng trăm mẻ đường thành phẩm thất bại. Hàng loạt sản phẩm thử nghiệm phải đem bỏ do không đạt yêu cầu… Ngoài ra, còn phải đối mặt với hàng ngàn, hàng vạn khó khăn khác. Tất cả không làm tôi chùn bước. Bởi lẽ, mong mỏi lớn nhất của tôi là truyền cảm hứng để phụ nữ Khmer có thu nhập, có tiếng nói hơn, có quyền tự quyết nhiều hơn” - chị Dịu bộc bạch. Trước đây, khi còn làm cho đơn vị phúc lợi cộng đồng, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều, chị Dịu thấu hiểu sự thiệt thòi của phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số. Những điều này khiến chị Dịu đau đáu nghĩ về những người bà, người mẹ, người chị dân tộc Khmer ở vùng quê...
Còn giờ, theo chia sẻ của chị Dịu, những phụ nữ Khmer cộng tác với Palmania đã dạn dĩ hơn trong tiếp xúc. Các chị đã mạnh dạn bày tỏ ý kiến cá nhân của mình trong gia đình, trong quan hệ xã hội hằng ngày. Chúng tôi gặp chị Neang Kim Xanh ở ấp Tân Long, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, là cộng tác viên của Palmania. Gia đình chị Xanh hợp đồng cung cấp mật thốt nốt tươi cho Palmania hơn 4 năm qua. Ngoài việc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình của Palmania, chị và gia đình ngày càng nhận thức được giá trị của tình yêu thương. “Tôi học được ở chị Dịu tính quyết đoán, sự mềm mỏng, khéo léo trong cách giao tiếp. Tôi không còn ngại khi nói chuyện với người lạ. Trong gia đình, tôi cùng chồng bàn bạc về cách giáo dục con, về những dự định, những kế hoạch lo cho con gái của chúng tôi học hành. Từ ngày làm việc với Palmania, gặp gỡ, tiếp xúc với chị Dịu, các thành viên trong gia đình ai nấy cũng tôn trọng ý kiến lẫn nhau. Tôi thấy, gia đình mình gắn bó nhiều hơn!” - chị Xanh chia sẻ.
Năng lượng tích cực từ chị Chau Thị Dịu đã và đang ngày càng lan tỏa ở vùng Bảy Núi. Chị cũng đã có kế hoạch phát triển sản phẩm dài hơi hơn. “Palmania sẽ tiếp tục đầu tư tăng công suất nhà máy để đáp ứng nhu cầu của thị trường, để giải quyết việc làm nhiều hơn cho lao động nữ dân tộc Khmer. Palmania đang gấp rút cho ra thị trường siro mật thốt nốt, nước hoa thốt nốt. Trong đó sản phẩm siro mật thốt nốt đã được công nhận 2 sao tại cuộc thi Great Taste Awards vào năm 2022” - chị Dịu thông tin.
(Còn tiếp)
-----------
Bài cuối: Ðể ngày càng có nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin, năng động...
Nhóm PV Báo Cần Thơ tiếng Khmer