Bài 3: Giúp đồng bào làm cho đồng đất nở hoa
Phụ nữ Khmer chịu thương, chịu khó. Ngay từ nhỏ, cuộc sống thường nhật của họ gắn bó với việc trồng màu, trồng lúa hay chăn nuôi… Trên những cánh đồng, nhiều phụ Khmer đã nuôi hoài bão làm sao để bà con nông dân bớt vất vả và tăng thu nhập trên chính mảnh đất của mình. Vượt qua rất nhiều khó khăn, định kiến, họ đã bước những bước dài trên hành trình chinh phục tri thức và trở lại, vận dụng kiến thức của mình góp phần cải thiện thu nhập của người dân, của đồng bào dân tộc.
1. Hơn 20 năm qua, kỹ sư Thạch Thu Hiền, Trưởng Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, luôn đồng hành cùng nông dân, xây dựng các mô hình sản xuất, phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Kỹ sư Thạch Thu Hiền, Trưởng Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, trong một lần tập huấn cho nông dân.
Ông Thạch Soal ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, nhớ mãi những ngày chị Hiền vận động ông áp dụng kỹ thuật trồng hành tím trong nhà lưới và xây dựng hệ thống tưới phun tự động. Ông Soal kể: “Khi chị Hiền đến chuyển giao kỹ thuật trồng hành tím trong nhà lưới, sử dụng phân hữu cơ, tôi chưa tin lắm về hiệu quả vì tôi đã có hơn 20 năm trồng hành tím truyền thống. Vậy mà, vụ trồng hành tím trong nhà lưới đầu tiên làm theo kỹ sư Hiền, dù là mùa mưa, ít sử dụng phân, thuốc hóa học, nhưng hành ít sâu bệnh, vẫn đạt năng suất khá cao, bán được giá. Cái hay của kỹ thuật trồng hành tím trong nhà lưới theo hướng hữu cơ, có gắn hệ thống tưới nước tự động là tiết kiệm được nhiều chi phí, công sức, phân bón, thuốc hóa học, sản phẩm an toàn, chất lượng… nên tôi làm theo mấy năm nay. Nhờ trồng hành mà cuộc sống gia đình tôi khá lên!”.
Thị xã Vĩnh Châu được mệnh danh là “thủ phủ” hành tím. Trước đây, đa số người dân trồng hành theo phương pháp truyền thống. Chị Hiền kể: “Vận động bà con Khmer bỏ thói quen sử dụng nhiều phân thuốc, nhất là thuốc trừ sâu trong trồng hành là rất khó khăn. Vì vậy, tôi thường xuyên gặp gỡ nông dân, khảo sát và tuyên truyền. Đồng thời, xây dựng mô hình mẫu sản xuất hữu cơ, hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và tận tay hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Khi mô hình mẫu đạt hiệu quả, nhiều nông dân Khmer mạnh dạn chuyển sang trồng hành hữu cơ. Để giúp nông dân Khmer thay đổi tư duy truyền thống, tiếp cận kỹ thuật hiện đại thì điều quan trọng là phải cho họ “mắt thấy, tai nghe”. Thấy được hiệu quả, họ mới tin, làm theo!”.
Ngay như việc hướng dẫn người dân trồng lúa chất lượng cao cũng vậy. Đa số nông dân Vĩnh Châu trồng lúa Thần Nông để lấy rơm, rạ trồng hành tím. Giống lúa Thần Nông có chu kỳ sinh trưởng trên 5 tháng, nở bụi to, năng suất cao nhưng gạo cứng cơm, hiệu quả sản xuất không cao. Hỗ trợ nông dân Khmer vừa có cơm ngon, tăng thêm thu nhập từ cây lúa, chị Hiền đề xuất xây dựng cánh đồng mẫu lớn 50ha trồng lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Chị trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng giống lúa ST25. Các hộ trong dự án được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ bệnh, trừ sâu sinh học. Vụ lúa năm 2022, nông dân ở khóm Cà Săng, phường 2, đồng loạt xuống giống và áp dụng kỹ thuật theo hướng dẫn của chị. Ông Thạch Dân nói: “Tôi tham gia đều các lớp tập huấn và áp dụng đúng theo kỹ thuật mà kỹ sư Hiền hướng dẫn nên lúa phát triển tốt; hiệu quả mang lại hơn mong đợi... Nhờ có cô Hiền mà bà con Khmer ở đây biết cách trồng lúa chất lượng cao thay thế cho giống lúa Thần Nông truyền thống để nâng cao thu nhập”.
Kỹ sư Thạch Thu Hiền có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng công nhận, như: kỹ thuật tưới phun tự động trên cây màu bằng phương pháp điều khiển bằng điện thoại thông minh; mô hình phòng trừ sâu xanh da láng bằng biện pháp thắp đèn trên hành tím; mô hình trồng hành tím xen canh gối vụ ớt sừng vàng châu Phi trong nhà lưới ứng dụng tưới công nghệ tự động… Những thành quả trên là cả quá trình phấn đấu và nhiệt huyết với nghề nông của chị Hiền. Chị kể, gia đình đều làm ngành y, nên việc chị theo ngành Nông học không được chấp nhận. Chị phải tự bươn chải lo chi phí sinh hoạt, học tập. Ra trường, được nhận vào làm ở Trung tâm Khuyến nông, chị chọn về thị xã Vĩnh Châu. “Vĩnh Châu là vùng trồng hành tím và trồng lúa, chủ yếu theo cách làm truyền thống nên nông dân cứ lẩn quẩn điệp khúc “trúng mùa, mất giá”, thu nhập bấp bênh. Đặc biệt, nông dân Khmer ít đất, cuộc sống còn khó khăn. Tôi chọn Vĩnh Châu là muốn đưa kỹ thuật, phương pháp sản xuất mình học được, nghiên cứu được đến với bà con Khmer để tăng gia sản xuất, thu nhập cao trên cùng một diện tích đất. Mong muốn lớn nhất của tôi là giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống để áp dụng sản xuất theo hữu cơ, VietGAP, GLOBALGAP…” - chị Hiền chia sẻ.
Thạc sĩ Sơn Thị Thanh Nga, giảng viên Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh.
|
2. Thạc sĩ Sơn Thị Thanh Nga, giảng viên Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh, luôn được sinh viên, phụ huynh yêu mến, đồng nghiệp quý trọng bởi tình yêu với nghề nông và mong muốn chuyển giao kiến thức đến sinh viên. Đặc biệt, cô Nga đã giúp nông dân nói chung và nông dân Khmer nói riêng, ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Cô Nga kể: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, tôi xin vào Trường Đại học Trà Vinh và được phân công làm giảng viên Bộ môn Nông nghiệp. Đây là Bộ môn có trên 70% sinh viên dân tộc Khmer. Tôi luôn tâm niệm làm thế nào để có những giờ học hay, thu hút được hứng thú, say mê học tập của sinh viên. Tùy theo trình độ của sinh viên mà tôi nghiên cứu tìm ra những phương thức dạy học phù hợp, làm cho tiết học sinh động hơn, giàu tính sáng tạo, giúp sinh viên nhớ nội dung bài tốt và lâu hơn...”.
Em Thạch Thị Trúc Linh, sinh viên Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, cho biết: “Nhờ cách truyền đạt dễ hiểu, học đi đôi với hành của cô Nga, em ngày càng thích học Bộ môn Trồng trọt. Không chỉ truyền dạy về kiến thức, kỹ năng, cô còn dạy cho sinh viên nền nếp trong cuộc sống, thể hiện trách nhiệm với gia đình, xã hội”. Cùng cảm nhận với Trúc Linh, em Sơn Thị Ngọc Mai, sinh viên Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, nói: “Cô Nga rất dễ gần, cô truyền đạt kiến thức dễ hiểu, em rất thích học những giờ của cô”.
Cô Huỳnh Thị Kim Hường, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh, nhận xét: “Cô Sơn Thị Thanh Nga tham gia công tác tại Trường Đại học Trà Vinh từ năm 2008 với vai trò là giảng viên thuộc Bộ môn Nông nghiệp. Những năm qua, cô Nga đã thực hiện khoảng 50 lớp chuyển giao kỹ thuật cho người dân, đặc biệt là bà con dân tộc người Khmer ở các huyện Trà Cú, Cầu Kè, Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành, Càng Long, Tiểu Cần… Cô cũng tập huấn cho nông dân ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Cô Nga chuyển giao cho bà con nông dân kiến thức thuộc các lĩnh vực: kỹ thuật canh tác các loại rau, kỹ thuật canh tác cây lúa, kỹ thuật canh tác cây có múi, kỹ thuật trồng hành củ... Những năm gần đây, cô Nga tập huấn cho bà con sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững... Trong quá trình giảng dạy, cô Nga luôn nỗ lực học tập, trau dồi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới để truyền đạt một cách hiệu quả nhất đến sinh viên. Kết quả đánh giá hàng năm từ sinh viên cho thấy các em đánh giá cao nhiệt huyết cũng như kiến thức do cô Nga truyền đạt”...
Cô Nga còn tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, như: đề tài cấp Bộ về kỹ thuật nhân giống phôi dừa sáp; đề tài nghiên cứu cấp cơ sở về sâu đầu đen hại dừa, nghiên cứu kỹ thuật canh tác cây sâm. Cô còn tham gia thực hiện các dự án nông thôn mới, dự án vay tín dụng cho người nghèo, đặc biệt là người dân tộc Khmer. Cô Nga chia sẻ, ngoài giảng dạy, cô luôn trăn trở với những nghiên cứu nhằm giúp nông dân sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao để thu nhập của nông dân được nâng lên, cuộc sống khấm khá hơn. Vì vậy, các nghiên cứu của cô được nông dân hưởng ứng, áp dụng... Ông Kiên Thy ở ấp Chông Nô 1, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, cho biết: “Nghe thông tin nghiên cứu của cô Nga về dừa sáp, tôi mua 300 giống cây dừa sáp cấy phôi của Trường Đại học Trà Vinh về trồng cách đây 4 năm. Tôi trồng và chăm sóc dừa theo hướng dẫn kỹ thuật của Trường Đại học Trà Vinh, chỉ bón phân hữu cơ, phân bò đã ủ... Cây phát triển tốt, đang cho trái vụ đầu và sau 30 ngày là thu hoạch đợt kế tiếp. So với cây dừa sáp thông thường, dừa cấy phôi này cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Cô Nga vẫn không ngừng học tập, nghiên cứu để giúp nông dân nâng cao thu nhập từ đồng đất. Đặc biệt là truyền cảm hứng cho sinh viên thêm yêu nông thôn, dấn thân với nông nghiệp, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao và bền vững.
Nhóm PV Báo Cần Thơ tiếng Khmer
(Còn tiếp)
-------------
Bài 4: Những câu chuyện truyền cảm hứng