Bài 2: Gần đồng bào, hiểu đồng bào để hỗ trợ, phục vụ đồng bào
Nhóm PV Báo Cần Thơ tiếng Khmer
Chị Hữu Thị Hiếu, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Muốn chị em dân tộc Khmer nghe và tin mình nói, thì mình phải làm cho chị em thấy. Từ đó, chị em mới làm theo…”. Ðây cũng là mẫu số chung của những nữ cán bộ Khmer ở cơ sở mà chúng tôi đã gặp. Họ không chỉ gần dân, gần gũi đồng bào Khmer mà còn là hình mẫu sống động “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, không ngừng hoàn thiện để hiểu, hỗ trợ người dân, hỗ trợ đồng bào Khmer trong cuộc sống.
Chị Lâm Thị Sa Ly (người ngồi giữa), Bí thư Chi bộ ấp Trà Sất A, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Bí thư chi bộ hết lòng chăm lo đời sống nhân dân
Về ấp Trà Sất A, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, hỏi chị Lâm Thị Sa Ly, Bí thư Chi bộ ấp, hầu như ai cùng biết bởi nhiều năm qua, chị Sa Ly luôn thể hiện tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, hết lòng trong công tác và đã giúp nhiều hộ Khmer thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, chị còn là phụ nữ duy nhất trong 7 bí thư chi bộ ấp của xã Long Hiệp.
Ấp Trà Sất A có 298 hộ dân, trong đó hộ dân tộc Khmer chiếm khoảng 70%. Chi bộ ấp có 12 đảng viên là người dân tộc Khmer và đa số cuộc sống còn khó khăn. Sinh ra ở ấp Trà Sất A và qua nhiều năm làm bí thư chi bộ, chị Sa Ly hiểu rất rõ hoàn cảnh kinh tế từng hộ dân ở ấp mình. Chị cho biết: “Phần nhiều bà con Khmer thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, không am hiểu về khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất. Vì vậy, tôi muốn góp sức để giúp bà con. Tôi nghĩ công việc mà đàn ông làm được thì phụ nữ sẽ làm được nếu quyết tâm”.
Sự nhiệt tình của chị Sa Ly được người dân đánh giá cao. Bà Kim Thị Tý ở ấp Trà Sất A, kể: “Cô Sa Ly rất năng động, nhiệt tình, chăm lo từ nhà ở cho dân. Trong mùa dịch COVID-19, cô vận động nhà hảo tâm quyên góp nhiều phần quà cho bà con trong ấp và vận động cất nhà Ðại đoàn kết cho gia đình tôi. Tôi biết ơn cô ấy lắm”. Còn ông Thạch Tuộne cũng ở ấp Trà Sất A, cho biết: “Khi dân có việc cần, chị Sa Ly đều cố gắng giải quyết, giúp đỡ. Nhờ có chị Sa Ly bảo lãnh, tôi vay 15 triệu đồng vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội và được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Chị Sa Ly còn thường xuyên đến động viên, hướng dẫn cách chăn nuôi, chăm sóc hoa màu... Nhờ đó, gia đình tôi đã trả được nợ ngân hàng, tích lũy được một số vốn để thuê thêm đất trồng ớt chỉ thiên. Bây giờ gia đình tôi thoát nghèo rồi!”.
Những năm gần đây, diện mạo nông thôn của ấp Trà Sất A không ngừng thay da đổi thịt, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên. Thành quả đó có sự đóng góp rất lớn của chị Sa Ly. Ngoài vai trò là Bí thư Chi bộ ấp, chị còn là hòa giải viên khéo léo, tận tình... Chị đã tham gia hòa giải hàng chục vụ mâu thuẫn lớn nhỏ, từ chuyện trong gia đình đến tranh chấp đất đai. Ðể hòa giải thành công, chị đến nhà tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng hộ gia đình, khuyên nhủ cả hai bên giữ gìn, vun đắp tình làng nghĩa xóm...
Ông Thạch Kim Sĩ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Long Hiệp, cho biết: “Bí thư Chi bộ ấp Trà Sất A - Lâm Thị Sa Ly rất tận tâm với công việc của mình. Chị không quản ngại khó khăn, luôn giúp đỡ, động viên mọi người làm ăn thoát nghèo, động viên con em trong phum sóc học hành, là tấm gương sáng để bà con ở đây noi theo”. Tâm nguyện của chị Sa Ly là giúp chị em phụ nữ trong ấp được tiếp cận thông tin bổ ích, hiểu biết về vai trò bản thân trong gia đình và xã hội để ứng xử một cách tự tin, năng động hơn. Ðồng thời, chị quyết tâm cải thiện kinh tế cho phụ nữ Khmer. Chị em phải biết sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, bản thân chị phải phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống để chị em tự tin cùng mình phấn đấu.
Ông Kim Bảy Ly, Chủ tịch UBND xã Long Hiệp, nhận xét: “Ðồng chí Lâm Thị Sa Ly được dân tín nhiệm rất cao, đi đầu trong các phong trào. Ðồng chí là nữ bí thư chi bộ người dân tộc Khmer gương mẫu, tích cực trong công việc gia đình và xã hội, biết sắp xếp thời gian để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sa Ly luôn được người dân tín nhiệm và tin yêu. Ðặc biệt, gia đình đồng chí còn hiến đất làm đường nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ðồng chí là tấm gương tiêu biểu được Ðảng ủy, UBND xã đánh giá cao”.
Cán bộ Hội Phụ nữ được đồng bào tin yêu
Tháng 5-2010, sau khi tốt nghiệp gần 1 năm, cô sinh viên Hữu Thị Hiếu, sinh năm 1986, được nhận vào công tác ở Hội LHPN xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nơi đây đã góp phần để cô gái dân tộc Khmer viết tiếp ước mơ của mình và trở thành nữ cán bộ Hội Phụ nữ được đồng bào Khmer yêu mến.
Tốt nghiệp ngành Tin học Kế toán, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Cà Mau năm 2008, mong muốn của chị Hiếu là trở về làm việc tại quê nhà. Thứ nhất là để phụng dưỡng cha mẹ già. Thứ hai là để thực hiện ước mơ của chị: giúp đỡ những phụ nữ Khmer, nhất là phụ nữ Khmer nghèo cùng tiến bộ.
Những ngày đầu đi làm việc, chưa biết công tác Hội là gì, chị Hiếu luôn lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước. Gần 4 năm kể từ ngày đi làm, năm 2014, chị được kết nạp Ðảng. “Ðược đứng vào hàng ngũ của Ðảng, tôi mừng lắm bởi bao nhiêu nỗ lực, cố gắng của mình đã được Ðảng ủy nhìn thấy và công nhận… 6 tháng sau, tôi được điều chuyển về sinh hoạt tại Chi bộ ấp Cơi Tư, nơi mình đang sinh sống” - chị Hiếu nhớ lại.
Chị Hữu Thị Hiếu, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Khánh Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Cơi Tư là 1 trong 4 ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất của xã Khánh Bình Tây. Chi bộ ấp lúc bấy giờ có trên 10 đảng viên, nhưng phần lớn đều ở tuổi chú, bác của Hiếu. “Là đảng viên trẻ, lại là nữ, nên được các chú thương lắm. Việc gì các chú cũng chỉ bảo nhiệt tình. Nhưng không gì vậy mà tôi ỷ lại bởi Ðảng ủy xã phân công tôi sinh hoạt Ðảng tại Chi bộ ấp Cơi Tư, ngoài vai trò là đảng viên, tôi còn là cán bộ phụ trách ấp. Tôi phải luôn gần dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để báo cáo, hoặc đề xuất Ðảng ủy tháo gỡ khó khăn” - chị Hiếu chia sẻ.
Kể từ khi là cán bộ phụ trách cơ sở, hàng loạt phong trào phụ nữ được chị triển khai, tuyên truyền, vận động chị em thực hiện có hiệu quả. Nổi bật nhất là phong trào vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi. Không chỉ vậy, chị còn là “đầu tàu” trong xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ nhằm thu hút, tập hợp phụ nữ và tạo điều kiện để chị em giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm… Chị Hiếu chia sẻ: “Ngày trước, vận động chị em, nhất là phụ nữ Khmer vào Hội khó lắm. Bây giờ, ai cũng muốn xin vào Hội bởi nhiều năm nay, bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, Hội LHPN xã Khánh Bình Tây đã trở thành chỗ dựa cho nhiều chị em trong cuộc sống, nhất là trong phát triển kinh tế gia đình”. Bà Huỳnh Thị Bình, người dân tộc Khmer ở ấp Cơi Tư, tấm tắc khen: “Cô Hiếu rất năng nổ, nhiệt tình giúp đỡ phụ nữ. Ðặc biệt, cô là người dân tộc Khmer, luôn quan tâm, giúp đỡ phụ nữ Khmer, nhất là phụ nữ Khmer nghèo”.
Từ cô sinh viên nhiều rụt rè, bỡ ngỡ ngày nào giờ chị Hữu Thị Hiếu đã là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Khánh Tây. Ông Hữu Văn Sil, người có uy tín ở ấp Cơi Tư, cho biết: “Cô Hiếu luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân. Cô luôn quyết đoán để có những đề xuất hay quyết định những việc làm có lợi cho dân… Cán bộ nữ dân tộc như vậy ai mà không quý mến!”.
(Còn tiếp)
-----------
Bài 3: Giúp đồng bào làm cho đồng đất nở hoa