Phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung, phụ nữ dân tộc Khmer nói riêng, thuộc nhóm phụ nữ yếu thế, trong cuộc sống thường nhật phải chịu nhiều thiệt thòi bởi những định kiến, những tác động của các tập tục lạc hậu… Dù vậy, không ít phụ nữ dân tộc Khmer ở miền Tây Nam Bộ đã thoát ra khỏi khuôn khổ, định kiến… để bản lĩnh hơn, tự tin hơn và trở thành những tấm gương truyền cảm hứng.
Bài 1: Những nữ thủ lĩnh của phong trào ở cơ sở
Từng là những phụ nữ bươn chải với con cá, rổ rau, với chuyện bếp núc gia đình, ngại giao tiếp,... nay, nhờ sự động viên của các hội, đoàn thể và nỗ lực không ngừng của bản thân, họ đã trở thành người đi đầu, nêu gương trong các phong trào của Ðoàn, của hội. Họ chính là gương sáng tập hợp hội viên, đoàn viên để xây dựng Ðoàn, xây dựng hội ngày càng vững mạnh.
Bí thư Xã đoàn năng động
Trưởng thành từ phong trào Ðoàn ở cơ sở, chị Lý Thị Tha Bôn, Bí thư Xã đoàn Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, hiểu rõ về công tác Ðoàn ở địa phương. Nhờ vậy, chị chủ động tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng nhiều phong trào, mô hình hay, hiệu quả, thu hút đoàn viên thanh niên (ÐVTN) dân tộc Khmer. Ðiển hình như: trao tặng quà hộ nghèo, học sinh, thiếu nhi Khmer có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, xây dựng đường giao thông nông thôn, giáo dục kiến thức về an toàn giao thông… Thấy được lợi ích của hoạt động xã hội, nhiều thanh niên Khmer có nguyện vọng vào Ðoàn.
Chị Lý Thị Tha Bôn.
Chị Dương Thị Kim Trang, Bí thư Chi đoàn ấp Bô Liên 2, kể: “Hồi trước, biết tin tôi xin cha mẹ đi thành phố (TP Hồ Chí Minh - NV) làm công nhân sau khi tốt nghiệp THPT, chị Bôn đến nhà vận động tôi ở lại địa phương. Lúc ấy, tôi bị cuốn hút bởi các hoạt động Ðoàn mà chị kể tôi nghe. Nào là đi phát quà cho học sinh, cho người nghèo; nào là trồng bông làm đẹp đường nông thôn; rồi đi làm đường, tham gia xây dựng nhà cho người nghèo… Từ cử chỉ, lời kể của chị, tôi thấy bản thân mình cần có trách nhiệm hơn với phum sóc. Thế là, tôi quyết định ở lại, trở thành đoàn viên, cùng chị Bôn tổ chức các hoạt động Ðoàn. Ðặc biệt hơn, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chị Bôn, năm 2022, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Ðảng và làm Bí thư Chi đoàn cho đến hôm nay”.
Không chỉ tập hợp thanh niên vào tổ chức Ðoàn, chị Lý Thị Tha Bôn còn chủ động liên kết các đơn vị hữu quan xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho ÐVTN ở địa phương. Qua đó, nhiều ÐVTN dân tộc Khmer được hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Chị Lâm Thị Kim Hiền ở ấp Trà Lây 2, chia sẻ: “Trước đây tôi làm công nhân ở thành phố (TP Hồ Chí Minh - NV). Bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tôi không còn việc làm nên về quê. Ðược chị Bôn đến nhà động viên, tôi tham gia nhiều phong trào của Ðoàn… Ðặc biệt, chị Bôn giới thiệu cho tôi vay 30 triệu đồng, cùng với tiền tích lũy, tôi nuôi 4 con bò. Khi bò đẻ ra con đực thì tôi bán, con cái thì tôi để nuôi… Bây giờ, tôi đã trả vốn lẫn lãi cho ngân hàng, cất được nhà tường ở. Năm 2022, sau khi được đi tham quan mô hình làm ăn hiệu quả của ÐVTN ở các địa phương khác, tôi chọn mô hình nuôi dê. Thông qua chị Bôn giới thiệu, tôi vay được 50 triệu đồng để nuôi dê. Hiện nay, tôi có 12 con dê, 4 con bò cái... Nhờ sự giúp đỡ của chị Bôn, tôi có điều kiện làm ăn, sống bên cạnh và lo cho cha mẹ già; tham gia hoạt động Ðoàn, giúp ích cho địa phương”.
Từ sự nhiệt quyết, trách nhiệm của chị Lý Thị Tha Bôn, công tác tập hợp ÐVTN dân tộc Khmer của Xã đoàn Thuận Hưng đều đạt chỉ tiêu. Trong công tác, chị Bôn luôn lắng nghe tâm tư, tình cảm và tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ ÐVTN bằng cả tấm chân tình. Vì vậy, càng tạo thêm niềm tin, sự ủng hộ của ÐVTN ở xã Thuận Hưng và đưa phong trào Ðoàn ở địa phương ngày càng phát triển. Chị Thái Dương Hồng Ngọc, Bí thư Huyện đoàn Mỹ Tú, cho biết: “Tha Bôn bản lĩnh và nhiệt huyết trong công tác xây dựng, phát triển phong trào Ðoàn vững mạnh. Tha Bôn biết cách tập hợp ÐVTN, nhất là ÐVTN dân tộc Khmer và tổ chức hiệu quả các phong trào, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Tha Bôn xứng đáng là tấm gương sáng cho ÐVTN, nhất là ÐVTN Khmer noi theo”.
Chi Hội trưởng Phụ nữ nhiệt tình, tâm huyết
Vừa đến Tổ liên kết Gia công sản phẩm lục bình ở ấp Ðịnh Phước, chị Ðào Thị Mỹ Duyên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ðịnh Phước, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, đã ngồi vào đan giỏ cùng chị em. Vừa tỉ mẩn thực hiện thao tác, chị vừa hỏi han tình hình nhận sản phẩm gia công. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, Tổ trưởng Tổ liên kết, nói: “Nhờ mấy chị trong Hội Phụ nữ, trong đó có chị Duyên đến vận động, tôi mới mạnh dạn thành lập Tổ liên kết này. Giờ hoạt động có tổ chức, mình phải cố gắng làm hết trách nhiệm, tạo điều kiện cho chị em kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi”. Chị Hà nói vậy là bởi trước đây, chị chỉ nhận hàng gia công đơn lẻ. Nhận thấy “tiềm năng” giải quyết việc làm cho chị em, chị Duyên đã nhiều lần đến thuyết phục chị Hà đứng ra thành lập Tổ liên kết. Kết quả là Tổ liên kết chính thức ra mắt vào cuối tháng 9 vừa qua với 15 thành viên và dần có hàng gia công ổn định.
Chị Ðào Thị Mỹ Duyên (bên trái).
…Chị Duyên là phụ nữ dân tộc Khmer duy nhất làm Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp của xã Ðịnh Môn suốt gần 24 năm qua. Hôm gặp chị, chúng tôi hỏi vui về bí quyết chị gắn bó với công tác Hội cơ sở. Chị cười hiền: “Mình thích hoạt động xã hội. Tâm huyết của mình là gặp gỡ, vận động các chị em, nhất là các chị em dân tộc Khmer nâng cao nhận thức trong cuộc sống, vun đắp gia đình, nuôi dạy con học hành đến nơi đến chốn”. Chị nói thế, bởi lẽ, chị đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả trong cuộc sống khi bản thân không được học hành đến nơi đến chốn, như chị kể. Chị đã cố gắng cật lực để có tấm bằng tốt nghiệp THPT khi gần 50 tuổi. Vậy nên, chị luôn tâm niệm không để trẻ em không được đến trường, nhất là con em đồng bào dân tộc Khmer. Trong những lần cùng cán bộ ấp đi vận động từng nhà đưa trẻ đến trường, chị nhớ mãi trường hợp gia đình anh Ðào Thanh Vũ. Hoàn cảnh khó khăn, anh Vũ chỉ cho con học đến hết lớp 3. Biết chuyện, chị cùng cán bộ ấp đến khuyên lơn, phân tích thiệt hơn… Cuối cùng, anh Vũ đã đồng ý cho con trở lại trường học.
Với vai trò Chi Hội trưởng, hằng năm, chị Duyên cùng Ban Chấp hành Chi hội rà soát, lập danh sách hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ và gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có biện pháp, kế hoạch giúp đỡ phù hợp: cho vay vốn ưu đãi, giúp cây giống, con giống, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, giới thiệu việc làm. Ðến nay, Chi hội đã tín chấp trên 2 tỉ đồng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thới Lai giúp trên 150 hội viên phụ nữ vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Chị Duyên còn vận động các chị em có mô hình làm ăn hiệu quả giúp đỡ, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các chị hội viên nghèo, cận nghèo học hỏi. Qua đó, đã giúp 13 hộ phụ nữ thoát nghèo, trong đó có 5 hộ do phụ nữ làm chủ hộ. Chị Duyên bộc bạch: “Người dân tộc mình còn khó khăn, nhận thức còn hạn chế, nên mình phải thường xuyên tới lui thăm hỏi, động viên. Khi đi gặp các chị dân tộc Khmer, mình nói chuyện bằng tiếng dân tộc của mình để họ dễ hiểu, tiếp nhận thông tin nhanh hơn”. Có lẽ, chính sự gần gũi, chân thật, làm việc có trách nhiệm, nên chị em tin tưởng chị, cùng hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào của Hội mà chị Duyên phát động.
Chị Mai Tuyết Phụng, Chủ tịch Hội LHPN xã Ðịnh Môn, cho biết: “Cô Duyên rất nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội. Cô rất chịu khó học hỏi, không ngại khó, luôn có tinh thần đoàn kết và hoàn thành tốt các phong trào Hội được giao. Cô được Hội LHPN thành phố tặng Bằng khen có thành tích tiêu biểu trong hoạt động Hội và phong trào phụ nữ thành phố; được huyện Thới Lai tặng nhiều giấy khen trong hoạt động công tác Hội, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình và học tập làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
(Còn tiếp)
Nhóm PV Báo Cần Thơ tiếng Khmer
--------------
Bài 2: Gần đồng bào, hiểu đồng bào để hỗ trợ, phục vụ đồng bào