30/11/2014 - 19:33

Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Theo thống kê, cả nước mỗi năm có khoảng 1.500-3.000 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ. Tuy nhiên, nếu những phụ nữ mang thai (PNMT) nhiễm HIV được tư vấn, chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống rất thấp (dưới 5%), nghĩa là hàng ngàn trẻ sẽ được cứu thoát khỏi căn bệnh HIV/AIDS. Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (gọi tắt là chương trình lây truyền HIV) có ý nghĩa nhân văn, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

* Nhiều can thiệp dự phòng điều trị sớm

Tại TP Cần Thơ, những năm qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm: tư vấn, xét nghiệm HIV cho PNMT tại 100% xã, phường; cấp thuốc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con cho PNMT nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tư vấn nuôi dưỡng trẻ sau sinh, cung cấp sữa ăn thay thế… Năm 2013, toàn thành phố có hơn 25.000 PNMT được tư vấn xét nghiệm HIV, trong đó có 49 PNMT có kết quả dương tính; 52 trẻ đẻ sống được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con; 55 trẻ xét nghiệm PCR, chỉ phát hiện 1 trẻ có kết quả dương tính.

Đầu năm 2014, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ cũng triển khai các quận, huyện thực hiện chương trình điều trị ARV bằng phác đồ 3 thuốc cho PNMT nhiễm HIV không phụ thuộc tuổi thai và số lượng tế bào CD4 (hay còn gọi là phương án B+). Theo Bác sĩ CKII Lại Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, ưu điểm của phương án B+ là khi PNMT phát hiện nhiễm HIV sẽ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị ARV ngay và điều trị suốt đời. Đây là một phương án tối ưu, dễ thực hiện và hiệu quả.

Hiện nay, tư vấn xét nghiệm HIV cho PNMT được thực hiện miễn phí ở trạm y tế xã, phường.

Trước đây, PNMT khi phát hiện nhiễm HIV, tình trạng lâm sàng miễn dịch còn tốt, bác sĩ chỉ định uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con từ tuần thai thứ 14, sinh xong thì ngưng và chỉ khi nào số lượng tế bào CD4 có mức giảm dưới 350 TB/mm3, người mẹ mới điều trị ARV. Sự ngắt quãng này khiến một số bà mẹ sau sinh thường hay quên vì bận nuôi con và không chú ý sức khỏe. Khi thực hiện phương án B+, người mẹ được điều trị sớm, liên tục, giúp giảm lượng virus HIV trong máu nên sinh xong được quyền chọn lựa cho con bú đúng cách để đảm bảo lợi ích sữa mẹ. Bé được tiếp tục uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con. Nếu người mẹ điều trị sớm thì bé chỉ cần uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con trong 6 tuần. Nếu người mẹ điều trị muộn hoặc cho con bú thì bé chỉ uống thuốc dự phòng lây truyền mẹ con trong 12 tuần".

Bác sĩ Đoàn Thị Xuân Nguyệt, Phó khoa Kiểm soát dịch bệnh, cán bộ quản lý chương trình HIV/AIDS, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) quận Ninh Kiều, cho biết, từ khi thực hiện phương án này, PNMT khi phát hiện nhiễm HIV được chuyển gửi qua phòng khám ngoại trú của quận để tư vấn, điều trị uống thuốc suốt đời (trước đây, chuyển gửi khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa thành phố (nay là Bệnh viện Phụ Sản thành phố). Do đó, việc quản lý, theo dõi điều trị PNMT nhiễm HIV chặt chẽ hơn vì liên kết với các bà mẹ ngay từ đầu, hạn chế tình trạng mất dấu.

* Giảm kỳ thị trong cộng đồng

Hiệu quả chương trình lây truyền HIV giúp PNMT dần nâng cao nhận thức, hiểu biết về HIV, quan tâm thực hiện các biện pháp dự phòng, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, không phải các bà mẹ đều có điều kiện nắm bắt đầy đủ thông tin; một số PNMT có nguy cơ nhiễm HIV cao trong cộng đồng còn mặc cảm, e ngại, chưa tự nguyện chủ động đến các cơ sở y tế xét nghiệm HIV, nên phát hiện và tiếp cận điều trị muộn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ sinh ra có nguy cơ cao nhiễm HIV từ mẹ. Bác sĩ Vũ Đăng Khoa, cán bộ phụ trách chương trình lây truyền HIV, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, cho biết, trong số PNMT xét nghiệm HIV dương tính, tỷ lệ phát hiện nhiễm HIV khi chuyển dạ gần đây đã giảm nhưng còn chiếm khoảng 50% (những năm trước chiếm 80%). Nhiều PNMT nhiễm HIV đến lúc sinh còn dấu bệnh, không muốn gia đình biết vì lo bị ruồng bỏ, kỳ thị và phân biệt đối xử…

Bà Trần Thị Ngọc Ánh, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, TTYTDP quận Cái Răng, cho rằng, để hỗ trợ PNMT nhiễm HIV ổn định tinh thần, an tâm, tuân thủ điều trị và sinh con khỏe mạnh, bên cạnh sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ y tế, tư vấn viên, rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, đặc biệt là sự gần gũi, cảm thông của người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, mọi người nên xem nhiễm HIV giống như các bệnh lây nhiễm khác, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử để phụ nữ nhiễm HIV bớt mặc cảm, lo lắng; tuyên truyền, hỗ trợ cung cấp thông tin, giúp PNMT hiểu rõ mục đích, lợi ích việc dự phòng, điều trị lây truyền mẹ con; tạo điều kiện để PNMT nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ điều trị dự phòng lây truyền mẹ con sớm để sinh con khỏe mạnh, bảo vệ trẻ tránh khỏi nguy cơ nhiễm HIV.

Bài, ảnh: NGUYỆT HƯƠNG

Chia sẻ bài viết