29/10/2009 - 22:18

Phòng bệnh đau mắt đỏ

TP Cần Thơ đang có dịch đau mắt đỏ (viêm kết mạc). Dịch đã lây lan mạnh, tấn công vào trường học, cơ quan, nhiều hộ gia đình… Báo Cần Thơ giới thiệu bài viết của bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh đau mắt đỏ và cách phòng bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc. Bệnh có thể do vi trùng, virus hoặc do dị ứng gây ra nhưng phổ biến nhất là do Adenovirus. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, gặp nhiều ở trẻ nhỏ và xuất hiện quanh năm. Vào thời điểm giao mùa, bệnh có thể lây lan, phát triển thành dịch.

Một bệnh nhi mắc bệnh về mắt đang được khám tại Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ. Ảnh: K. LOAN 

Khi bị viêm kết mạc, bệnh nhân thường có cảm giác nóng rát mắt, đau, nặng ở mắt, cảm giác như có hạt cát trong mắt. Đôi khi bệnh nhân cảm thấy mờ mắt, nhìn thấy quầng màu và sợ ánh sáng. Mi mắt sưng nhẹ, kết mạc mi sưng đỏ, ghèn có thể bó chặt bờ mi lúc ngủ dậy. Lòng đen mắt vẫn bình thường, tầm nhìn không giảm. Tuy nhiên, nếu để bệnh nặng, diễn biến quá lâu, có thể tổn hại giác mạc, tầm nhìn giảm sút. Trường hợp bệnh nặng, mắt sẽ sưng nhiều, kết mạc mắt đỏ rực hoặc có thể xuất hiện hạch ở vùng tai.

Mầm bệnh viêm kết mạc có trong nước bọt, dịch mũi, nước mắt... người bệnh. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp qua tiếp xúc gần với người bệnh, các dịch tiết bắn vào người đối diện khi người bệnh ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với các đồ dùng cá nhân của người bệnh như: khăn tay, khăn mặt, quần áo, bàn phím máy vi tính, điện thoại... Đau mắt đỏ còn lây qua nước bị nhiễm mầm bệnh như nước hồ bơi. Đặc biệt, bệnh rất dễ lây lan ở trẻ học cùng trường, sống tập thể, người sống cùng nhà.

Để phòng bệnh, cần:

+ Hạn chế đi bơi trong giai đoạn có dịch

+ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, rửa mặt bằng khăn sạch và nước sạch.

+ Không dùng chung vật dụng cá nhân: khăn mặt, ca rửa mặt... với người khác, đặc biệt là người mắc bệnh. Thường xuyên giặt khăn mặt, khăn mùi xoa bằng xà bông và phơi nắng thật khô.

+ Tránh thói quen dùng tay trực tiếp dụi vào mắt.

+ Hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Bệnh nhân nên hạn chế tiếp xúc với người khác trong giai đoạn bệnh cấp. Trường hợp cần thiết phải đi ra ngoài nên đeo kính râm và mang khẩu trang.

+ Thường xuyên vệ sinh môi trường, lau bề mặt các vật dụng sinh hoạt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.

Cần đặc biệt lưu ý không nên tự mua thuốc uống mà phải đến cơ sở y tế, cơ sở chuyên khoa mắt, khám để được điều trị đúng cách nhằm phòng tránh biến chứng.

BS. NGUYỄN TRUNG NGHĨA
(Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết