12/07/2019 - 09:02

Phối hợp làm nông thông minh 

Hậu Giang là vùng đất nông nghiệp, rất ngẫu nhiên có 3 người đều thứ Sáu có thể xem như đại diện mở màn cho mô hình làm nông thông minh. Người đầu tiên là ông Sáu Châu (Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang), ông Sáu Vui (Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy) và ông Sáu Nhỏ (Trần Văn Nhỏ, nông dân ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy).

Gieo mạ bằng khay trong canh tác lúa thông minh.

Cuối tháng 6-2019, ông Sáu Nhỏ ngồi thảnh thơi tại một quán cà phê ở chợ xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy. Từ ngày thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh, thời gian được rảnh rỗi hơn, vì không tốn công chăm sóc, bón phân, xịt thuốc như canh tác lúa thông thường. 

Kể từ ngày chính quyền sở tại phối hợp với đại diện Tập đoàn Rynan Holding JSC xuống tận ruộng, coi từng cây mạ, hạt phân thông minh giúp nông dân bắt đầu thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh đầu tiên tại Hậu Giang. Sáng hôm đó, những khay mạ đầu tiên nhanh chóng được chuyển từ nhà ông Sáu Nhỏ ra cánh đồng và được đưa lên máy cấy. Với cách gieo mạ bằng khay tại nhà Sáu Nhỏ, khoảng 500m2 đất quanh nhà có những hàng khay mạ ngay hàng, thẳng lối thành những ô vuông như bàn cờ vô cùng bắt mắt. Những bó mạ cuộn tròn như những cuốn gỏi, với rễ mạ trắng phau bao quanh ra ngoài xen giữa những khay mạ chưa cuộn xanh rì, trong ánh nắng ban mai và một chút sương sớm, ẩn hiện và mờ ảo cứ ngỡ như đâu đó trong phòng thí nghiệm.

Tại Hội thảo “Làm nông thông minh” do UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Đài Phát thanh- Truyền hình Hậu Giang tổ chức có đại diện rất nhiều doanh nghiệp trình bày tham luận, trong đó có Tập đoàn Rynan Holding JSC. Phía chính quyền, ông Sáu Châu (Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) dự và chủ trì phần thảo luận. Ngay tại phần thảo luận ông Sáu Châu hỏi ông Lê Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holding JSC: Ngay ngày mai, tôi sẽ sắp xếp lịch để làm việc với Tập đoàn tại UBND tỉnh Hậu Giang để triển khai mô hình canh tác thông minh, được không?

Phân bón thông minh được sử dụng trong canh tác lúa thông minh.

Ông Lê Thanh Mỹ đồng ý và thế là ngày hôm sau một cuộc gặp giữa người đứng đầu chính quyền tỉnh Hậu Giang và Tập đoàn Rynan Holding JSC diễn ra. Tại đây ông Sáu Châu tiếp tục nghe cách thức canh tác thông minh do ông Lê Thanh Mỹ trình bày. Ngày sau cuộc gặp mặt, ông Sáu Châu chỉ đạo mỗi huyện, thị, thành phố của Hậu Giang sẽ hợp tác với Tập đoàn Rynan Holding JSC để thí điểm thực hiện một mô hình canh tác lúa thông minh. Nhưng vì sao huyện Vị Thủy là một trong những địa phương đầu tiên của Hậu Giang triển khai thực hiện, xin được nhắc đến ông Sáu tiếp theo, đó là ông Sáu Vui (Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy).

Theo ông Lê Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holding JSC, mô hình canh tác lúa thông minh mà Tập đoàn đang triển khai nhiều nơi tại ĐBSCL là quản lý, kiểm soát được nguồn nước bằng các hệ thống phao và điểm quan trắc nước thông minh. Sử dụng hệ thống bơm tưới thông minh bằng việc điều khiển từ xa qua mạng internet.

Cùng với đó là bón phân trong canh tác lúa thông minh, giảm thất thoát. Loại phân bón này được cấu tạo từ 5 thành phần là dưỡng chất cho cây, chất điều hòa tăng trưởng, dưỡng chất cho vi sinh, bào tử và vi sinh cùng vỏ nano polymer. Chỉ bón phân một lần trong suốt vụ lúa và phân sẽ tan từ từ theo thời gian sinh trưởng của lúa. Theo đó, sẽ giảm được 40% lượng phân đạm, giảm 75% công bón phân, giảm 40% phát thải khí nhà kính khi kết hợp với canh tác ngập xen kẽ.

Mô hình canh tác lúa thông minh tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang được thực hiện thí điểm với diện tích 12ha, của 10 hộ dân. Giống lúa chọn sản xuất là OM 5451, hình thức canh tác là áp dụng mô hình máy cấy lúa “3 trong 1”, gồm: cấy lúa, vùi phân và phun vi sinh. Phân bón sử dụng là phân bón thông minh nên chỉ bón một lần cho cả vụ, với lượng bón là 300 kg/ha, ước tính năng suất đạt gần 7 tấn/ha. Thu nhập từ mô hình ứng dụng canh tác lúa thông minh cao hơn canh tác bình thường từ 2 triệu đồng đến 7 triệu đồng/ha, tùy hình thức sạ lúa.

Nhớ lại cách nay gần 20 năm, những mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “cánh đồng lúa chất lượng cao”… xuất phát từ một trong những địa phương đầu tiên của ĐBSCL là từ cánh đồng lúa của xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Lúc này ông Sáu Vui đang là Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy. Bây giờ ông làm Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện từ đầu năm 2019 - thời điểm tỉnh Hậu Giang xác định bắt đầu xây dựng một nền nông nghiệp xanh, thông minh.

Ông Sáu Vui khoe: “Đi từ Hội thảo “Làm nông thông minh” và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Vị Thủy đăng ký là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh. Vụ hè thu này, hơn chục héc-ta ruộng tại xã Vị Thắng sẽ thực hiện canh tác lúa theo mô hình thông minh này”. Mô hình được “khởi động” trong thời gian rất nhanh. Chỉ hơn vài tuần để triển khai, họp dân, rồi hợp tác với Tập đoàn Rynam Holding JSC thực hiện.

Chúng tôi quay trở lại mô hình canh tác lúa thông minh tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy trước mấy ngày thu hoạch. Những cánh đồng thực hiện canh tác lúa thông minh nay cứ lồ lộ hạt lúa trên những bông lúa trĩu nặng, vàng rực. Đi trên bờ ruộng giữa một bên là lúa canh tác thông minh và một bên là lúa canh tác thông thường có thể thấy sự khác biệt rõ rệt.

Gặp lại ông Sáu Nhỏ, ông kể với chúng tôi: Vì lần đầu tiên áp dụng canh tác lúa thông minh nên nông dân còn bỡ ngỡ, lúng túng trong thực hiện. Nhưng nhờ hướng dẫn chu đáo của cán bộ nên từ từ rồi nông dân cũng làm thành thục, hiệu quả. Làm lúa theo mô hình canh tác lúa thông minh đỡ tốn công chăm sóc so với phương pháp canh tác bình thường rất nhiều, mình có thể đi chơi, đi đám tiệc thoải mái. Mặc dù chi phí đầu tư có cao hơn nhưng lợi nhuận thu được cũng cao hơn. Sắp tới ông dự kiến sẽ mở rộng diện tích thực hiện theo mô hình canh tác lúa thông minh từ 2,1ha ban đầu này.

Bài, ảnh: Phạm Duy Khương

Chia sẻ bài viết