23/09/2022 - 19:49

Philippines xích lại gần Mỹ? 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đang có chuyến công du kéo dài một tuần đến Mỹ, trở thành nhà lãnh đạo Philippines đầu tiên đến thăm xứ cờ hoa kể từ năm 2015. Trong khi đó, Rodrigo Duterte, người tiền nhiệm thân Bắc Kinh của ông Marcos Jr, thậm chí còn không màng đến thăm dù chỉ là một thủ đô của phương Tây trong suốt 6 năm cầm quyền.

Dù mục đích chính của chuyến thăm Mỹ lần này là để tham dự tuần lễ cấp cao của Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 77, diễn ra từ ngày 20 đến ngày 26-9, nhưng Tổng thống Marcos Jr đã không để lãng phí khoảng thời gian quý báo này để thu hút các nhà đầu tư Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Philippines thời hậu đại dịch COVID-19, bởi các khoản đầu tư quy mô lớn từ các công ty Mỹ giữ vai trò rất quan trọng đối với hy vọng hồi sinh lĩnh vực sản xuất của Philippines cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp mới nổi, chẳng hạn như công nghệ tài chính.

Tổng thống Philippines Marcos Jr (trái) và người đồng cấp Mỹ Biden. Ảnh: AP

Theo tờ Asia Times, trước khi rung chuông kết thúc phiên giao dịch trong ngày 19-9 tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York, ông Marcos Jr tranh thủ quảng bá Philippines là “một trong những thị trường mới nổi hứa hẹn nhất”, đồng thời ca ngợi mối quan hệ kinh tế Mỹ - Philippines bền chặt trong suốt nhiều thập niên.

“Trong vài thập niên qua, khi Philippines chuyển đổi thành một trong những thị trường mới nổi hứa hẹn nhất, Mỹ đã là một trong những đối tác ổn định của chúng tôi. Vì điều đó mà chúng tôi thực sự biết ơn Mỹ. Ðồng thời, các công ty Mỹ kinh doanh tại Philippines cũng được hưởng lợi đáng kể từ những thành công kinh tế của chúng tôi” - Tổng thống Marcos Jr cho biết. Nhà lãnh đạo quốc gia Ðông Nam Á này tuyên bố tương lai nước ông sẽ gắn liền với Mỹ với tư cách là một “đối tác”. Thật vậy, trong suốt 2 thập niên qua, các công ty Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển các lĩnh vực quan trọng của Philippines, gồm ngành nghiệp gia công, vốn tạo ra gần 30 tỉ USD hồi năm ngoái.

Ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông 

 Trong cuộc hội đàm bên lề Khóa họp 77 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ) ngày 22-9, lãnh đạo Mỹ và Philippines đã nhấn mạnh sự ủng hộ đối với tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Đây là lần gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos, người vừa nhậm chức hồi tháng 6. 

Quan điểm của ông Marcos Jr hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm Duterte, người trong chuyến thăm Trung Quốc hồi năm 2016 tuyên bố “tách biệt” Manila khỏi Washington và định hướng “kết thân” với Bắc Kinh, thậm chí còn đe dọa chấm dứt một thỏa thuận quân sự với Mỹ.

Dẫu vậy, ông Marcos Jr cam kết vẫn thu hút các khoản đầu tư chất lượng từ các nguồn khác nhau, kể cả Trung Quốc. Ðể đạt được mục tiêu này, Manila và Bắc Kinh gần đây đã tái khởi động các cuộc đàm phán về các khoản đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng công cộng. Trong khi Mỹ tiếp tục là nguồn đầu tư tư nhân hàng đầu của Philippines, Trung Quốc có thể sớm nổi lên như một nguồn đầu tư chính do nhà nước hậu thuẫn vào Philippines.

Ngoài ra, ít có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Marcos Jr có ý định tách khỏi Trung Quốc. Theo Asia Times, nhà lãnh đạo Philippines từng tôn vinh Trung Quốc là “đối tác mạnh nhất” của Philippines, và điều này sẽ là trọng tâm trong nỗ lực của ông nhằm “giữ ổn định cho sự phục hồi kinh tế” của Manila trong thời kỳ hậu COVID-19. Thống kê cho thấy, thương mại song phương với Trung Quốc đạt 61,2 tỉ USD vào năm 2020, khiến cường quốc châu Á trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Philippines.

Và để thu hút thêm dòng vốn, Philippines gần đây đã nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực quan trọng, cho phép các đối tác nước ngoài tự do đầu tư vào các ngành viễn thông, vận tải biển, đường sắt, tàu điện ngầm và hàng không. Trong khi đó, nhận thức rõ những lo ngại về kinh tế, tình trạng nợ nần chồng chất, ông Marcos Jr cam kết “duy trì các nguyên tắc kinh tế vĩ mô cơ bản để cung cấp một lộ trình phát triển rõ ràng”.

Chia sẻ bài viết