05/01/2023 - 09:00

Philippines tìm cách hạ nhiệt với Trung Quốc 

MAI QUYÊN (Theo Nikkei)

Ngày 3-1, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đáp chuyến bay tới thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Trung Quốc nhằm tìm kiếm giải pháp cho “các vấn đề” còn tồn đọng và giúp cải thiện quan hệ song phương.

Tổng thống Philippines Marcos (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nâng tầm hợp tác

Tổng thống Marcos là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên được Trung Quốc đón tiếp trong năm 2023. Ðây cũng là lần đầu chính trị gia 65 tuổi thực hiện chuyến công du bên ngoài Ðông Nam Á. Trong lịch trình kéo dài 3 ngày, Tổng thống Marcos có buổi hội đàm với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình, trước khi gặp gỡ các quan chức cấp cao khác bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư.

Chuyến công du dự kiến tạo tiếng vang cho Tổng thống Marcos về chính sách đối ngoại với Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại lớn của Philippines nhưng cũng là đối thủ ở Biển Ðông. Phát biểu trước khi khởi hành, Tổng thống Marcos cho biết kể từ khi được thiết lập vào năm 1975, quan hệ ngoại giao Philippines - Trung Quốc phát triển rất ổn định và ngày càng được củng cố theo hướng cùng có lợi trên nhiều mặt. Với chuyến thăm lần này, ông Marcos kỳ vọng kết quả sẽ giúp nâng quan hệ Manila - Bắc Kinh lên tầm cao hơn. “Khi rời Trung Quốc, tôi sẽ mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước” - Tổng thống Marcos nhắc lại đề nghị trước đó của Bắc Kinh.

Neal Imperial, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines phụ trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, cho biết Manila chuẩn bị “làm mới” tiến trình tham gia Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Và trong chuyến công du, Tổng thống Marcos chứng kiến việc ký kết 14 thỏa thuận với Trung Quốc trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư, nông nghiệp, năng lượng tái tạo cũng như các khoản tài trợ tiềm năng lên tới 218 triệu USD.

Giảm căng thẳng ở Biển Ðông

Ngoài đầu tư thương mại, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Imperial cho biết Tổng thống Marcos mong muốn thảo luận với giới lãnh đạo và quan chức Trung Quốc các vấn đề chính trị - an ninh mang tính chất song phương và khu vực. “Chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết những vấn đề đó vì lợi ích chung của hai nước” - ông Marcos nói thêm. Tuy không đề cập tình hình cụ thể, giới phân tích cho rằng “vấn đề” mà Manila muốn giải quyết là ngăn tranh chấp hàng hải leo thang trong bối cảnh căng thẳng Biển Ðông bùng lên những tuần gần đây. Trong đó, ông Marcos dự kiến ký thỏa thuận mà hai bên đã đề ra về việc lập kênh liên lạc trực tiếp ở nhiều cấp độ ngoại giao để tránh “tính toán sai lầm” trên tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực.

Vốn năm 2016, quan hệ Trung Quốc - Philippines trở nên bất đồng sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” và “quyền lịch sử” Bắc Kinh đơn phương đưa ra trên Biển Ðông. Nhưng trong nhiệm kỳ của mình sau đó, cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần như không quan tâm phán quyết và công khai xu hướng ngả về Bắc Kinh. Sau khi lên kế nhiệm vào tháng 6-2022, ông Marcos khẳng định không nhân nhượng một cm2 lãnh thổ cho bất kỳ nước nào. Cùng lúc, ông cũng áp dụng chính sách đối ngoại “độc lập và làm bạn với tất cả”.  Nhưng kể từ tháng 12-2022, mâu thuẫn manh nha khi Philippines tỏ ra quan ngại trước báo cáo mới cho thấy Trung Quốc đã cải tạo ít nhất 4 thực thể ở Biển Ðông. Manila cũng cử lực lượng theo dõi sự hiện diện liên tục của các tàu dân quân Trung Quốc quanh các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam. Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines còn gửi công hàm đến Bắc Kinh để phản đối hải cảnh Trung Quốc “dùng vũ lực” để thu giữ các mảnh vỡ từ một tên lửa được tàu Philippines vớt lên.

Chia sẻ bài viết