03/07/2021 - 08:51

Philippines giằng co lựa chọn đồng minh 

Tuần này, Nhật Bản và Philippines sẽ tiến hành cuộc tập trận phòng không chung đầu tiên. Đây được xem là tín hiệu mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong lúc Washington đang tìm cách tập hợp liên minh chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Duterte  (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi năm 2019. Ảnh: Kyodo

Tổng thống Philippines Duterte  (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi năm 2019. Ảnh: Kyodo

Theo đại sứ quán Nhật Bản tại Philippines, chương trình huấn luyện diễn ra từ ngày 5 đến 8-7, tập trung vào hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Thiếu tá Mizuno Masaki thuộc Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản cho biết Tokyo với tư cách “đối tác chiến lược và bạn của Manila” hy vọng hoạt động quân sự lần này góp phần cải thiện khả năng phối hợp, thắt chặt hơn nữa hợp tác quốc phòng song phương.

Năm 2015, Nhật Bản và Philippines ký một thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ quân sự. Hai bên kể từ đó đã tiến hành 17 cuộc tập trận hải quân chung. Nhật Bản cũng chuyển giao nhiều thiết bị quốc phòng và công nghệ hỗ trợ hoạt động tuần tra của Philippines trên Biển Đông. Về chương trình lần này, tuy chủ yếu về cứu nạn cứu trợ nhưng theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yasuhide Nakayama, đây cũng là hình thức thể hiện sự răn đe trước “những hành vi hung hăng và động thái nguy hiểm” đang được thúc đẩy trong khu vực.

Theo giới quan sát, tuyên bố của quan chức Nhật không trực tiếp đề cập Trung Quốc nhưng phản ánh sự cảnh giác cao độ của Tokyo trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng và sự quyết đoán của Bắc Kinh trong tranh chấp với các nước láng giềng. Đáng chú ý, thông báo tập trận được đưa ra cùng ngày các quan chức Mỹ tại Philippines khởi động lễ kỷ niệm 75 năm Hiệp ước Manila được ký kết vào ngày 4-7-1946 và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Nằm trên các tuyến đường thủy chiến lược, Philippines được coi là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực để chống lại tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ - Philippines trở nên phức tạp từ khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào năm 2016 và thường xuyên đe dọa hạ cấp liên minh quân sự với Washington trong khi tìm kiếm quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc. Năm ngoái, Tổng thống Duterte kêu gọi đánh giá lại Hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951 bất chấp đây là nền tảng cho quan hệ Mỹ - Philippines. Ông còn chỉ thị cho chính phủ đơn phương chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA), nhưng mới đây đã quyết định gia hạn để tạo điều kiện đàm phán các điều khoản tốt hơn.

Mỹ tìm cách cải thiện quan hệ đồng minh

Hồi tháng 2, quan chức Mỹ - Philippines bắt đầu thảo luận về VFA và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định giữ vững cam kết bảo vệ đồng minh trước một Trung Quốc ngày càng cứng rắn ở Biển Đông. Trong tháng 4, quân đội hai nước tiếp tục tham gia cuộc tập trận chung thường niên Balikatan.

Nhóm tàu sân bay tác chiến Ronald Reagan hồi tháng 6 được điều động tham gia diễn tập ở Biển Đông như một phần của sự hiện diện thường xuyên của Hải quân Mỹ hỗ trợ các đồng minh châu Á. Trong động thái thể hiện thiện chí sẵn sàng giúp Manila cải thiện năng lực, Bộ Ngoại giao Mỹ tuần rồi đã thông qua một loạt thỏa thuận bán vũ khí trị giá hơn 2,5 tỉ USD cho Philippines.

Lựa chọn của Philippines

Dưới thời của Tổng thống Duterte, Philippines một mặt phản đối sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế nhưng cũng hy vọng tiếp tục nhận được viện trợ từ Bắc Kinh trong đầu tư phát triển hạ tầng. Trong khi đó, Tổng thống Duterte không giấu ác cảm trước cái mà ông coi là “thói đạo đức giả và sự can dự” của Washington. Nhưng ông thừa nhận hầu hết người dân và quân đội Philippines rất tôn trọng Mỹ, đồng thời cũng biết rõ không thể cắt đứt liên minh quân sự với Washington khi Manila cần sự bảo đảm về an ninh trước bất cứ hành vi gây hấn nào từ Trung Quốc ở Biển Đông.

Điều này được phản ánh qua việc chính quyền Tổng thống Duterte 3 lần gia hạn việc hủy thỏa thuận VFA và ông có thể tiếp tục tìm kiếm nhượng bộ nhiều nhất có thể từ Washington. Với Trung Quốc, một số nhà phân tích chỉ rõ kiểu hành xử cứng rắn của họ ở Biển Đông khiến Tổng thống Duterte không còn nhiều thời gian thúc đẩy chương trình nghị sự ủng hộ Bắc Kinh khi ông phải rời nhiệm sở vào tháng 6-2022 do hết nhiệm kỳ và không được phép tái tranh cử.

Đây được xem là cơ hội cho các ứng viên có quan điểm khác về chính sách đối ngoại. Trước mắt, ông Duterte có thể tiếp tục dịu giọng với Bắc Kinh để kéo dài di sản chính trị, đặc biệt khi con gái ông và những người ủng hộ cũng đang tìm kiếm cơ hội tranh cử. Trong khi đó, Mỹ hy vọng người kế nhiệm ông Duterte sẽ có lập trường hợp lý hơn và đưa mối quan hệ đồng minh trở lại đúng quỹ đạo. Theo Yun Sun tại Trung tâm Stimson ở Washington, tất cả sẽ phải chờ tới cuộc bầu cử ở Philippines vào năm tới.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, CNN)

Chia sẻ bài viết