Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Việt, Trường các ngôn ngữ phương Đông thuộc Đại học quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU) (Học viện các nước Á Phi, Đại học quốc gia Moskva MGU ngày nay) nhà báo Aleksey Sunnerberg (ảnh) đã cống hiến trọng đời mình cho Ban Tiếng Việt Đài Tiếng nói Moskva, sau này là Tiếng nói nước Nga, Sputnik ngày nay.

Những năm cuối thập kỷ 1960, vì bối cảnh thời cuộc, tất cả các giáo viên Việt Nam dạy tiếng Việt tại Moskva đều phải trở về nước. Chàng sinh viên Aleksey Sunnerberg đã tìm đến các sinh viên người Việt Nam đang học tại Moskva để rèn luyện thêm vốn tiếng Việt của mình. Chính qua họ, ông biết đến chiến tranh Việt Nam lần đầu khi chứng kiến các cuộc mít tinh phản đối chiến tranh, phản đối Mỹ xâm lược, phản đối các hành động tàn bạo của Mỹ ở miền Nam, sau đó là phản đối các cuộc ném bom của Mỹ ở miền Bắc, đồng thời các phong trào ủng hộ Việt Nam diễn ra rộng khắp tại Moskva.
Nhà báo Aleksey Sunnerberg kể, khi chiến tranh tại Việt Nam ở vào giai đoạn cam go nhất, Liên Xô có phong trào toàn dân ủng hộ Việt Nam. Nòng cốt là Hội hữu nghị Xô-Việt, Hội hữu nghị lớn nhất Liên Xô do phi công vũ trụ, Anh hùng Liên Xô Germen Titov làm chủ tịch. Hội có hàng nghìn thành viên, có chi nhánh tại tất cả các tỉnh, các nước cộng hòa ở Liên Xô. Các thành viên Hội gồm nhiều nhà hoạt động, các nghệ sĩ nổi tiếng nên đã có thể huy động sự giúp đỡ cả vật chất lẫn ngoại giao cho Việt Nam.
Thời đó, hầu hết các chuyến thăm, chuyến công tác nước ngoài của các đoàn đại biểu hai miền Việt Nam đều đi qua Moskva, nơi họ nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình như “với người nhà”. Aleksey Sunnerberg khi còn đang học năm thứ tư cũng đã bắt đầu đi phiên dịch cho các đoàn Việt Nam tại các hội nghị, cuộc gặp ở Moskva, qua đó chàng sinh viên trẻ tuổi càng hiểu thêm về cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
Một trong những người bạn sinh viên Việt Nam, dịch giả Trần Phú Thuyết, thậm chí còn đặt cho Sunnerberg một cái tên Việt - Hồ Văn Dân. Cái tên mà chắc hẳn người Việt Nam nào cũng liên tưởng ngay đến những người Vân Kiều ở Việt Nam đã chọn họ Hồ để tỏ lòng kính yêu Bác. Còn A. Sunnerberg cười khiêm tốn: “Tôi không dám đặt mình với Hồ Chủ tịch, song cảm ơn bạn Thuyết đã nghĩ cho tôi cái tên rất hay”.
Trong nhà ông có treo chiếc nón lá Việt Nam. Người vợ (đã quá cố) của ông khéo tay chế chiếc nón thành chụp đèn rất đẹp. Chiếc nón lá là món quà của người bạn Trần Phú Thuyết gửi tặng, vượt qua hàng chục nghìn km đường tàu hỏa, từ Việt Nam qua Trung Quốc, Mông Cổ mới đến được tay ông ở Moskva. Ông Aleksey Sunnerberg chia sẻ: “Họ là bạn tôi, cũng là thầy tôi, họ làm tôi thêm yêu Việt Nam, yêu tiếng Việt”.
Sau khi tốt nghiệp đại học và đi tìm việc làm, Aleksey Sunnerberg tình cờ được biết đến công việc viết báo bằng tiếng Việt cho một số cơ quan truyền thông. Vậy là ông bắt đầu chặng đường cống hiến tại Ban tiếng Việt của Đài phát thanh Moskva, sau này là đài Tiếng nói nước Nga, tiền thân của hãng Sputnik bây giờ. Lãnh đạo ban lúc đó là nhà báo Leonid Krichevky, người đã thường trú tại Việt Nam tổng cộng 20 năm song vốn không biết tiếng Việt mà chỉ biết tiếng Pháp. 20 năm đó gồm cả giai đoạn chiến tranh leo thang tại miền Bắc những năm 1967-1968.
Ông Aleksey Sunnerberg nhớ lại, ông Krichevky truyền tin về Đài qua điện thoại, ông đọc để biên tập viên tại Đài ghi lại. Trong những buổi truyền tin đó, tiếng của nhà báo nhiều lần xen lẫn tiếng bom, tiếng nổ, nhiều lần bị ngắt quãng, phải mất nhiều cuộc gọi quốc tế mới thực hiện xong một lần truyền tin. Chiến tranh Việt Nam đến thật gần Aleksey Sunnerberg qua các bản tin âm thanh, qua những tiếng bom nổ xen lẫn đó. Ông xúc động nói, người Việt Nam đã sống trong chiến tranh như vậy, thật sự anh hùng.
Ngày 30-4-1975 ông đi làm như thường lệ tại Đài. Rồi ông không tin vào tai mình khi nghe ông Krichevky thông báo có thông tin rằng Giải phóng quân đã vào đến Sài Gòn, bao vây phủ tổng thống Việt Nam Cộng hòa. “Nghĩa là Việt Nam đã chiến thắng, nghĩa là 30 năm chiến tranh đã chấm dứt?”. Những phút bất ngờ qua đi thì lo lắng tràn về: Thông tin chưa chính thức, phóng viên không hiện diện tại Sài Gòn mà mới chỉ nghe được tin từ Hà Nội. Nhà báo trẻ Sunnerberg đứng trước lựa chọn khó khăn: phát tin hay chờ tin chính thức? Một bên là cuộc chạy đua đưa tin sớm nhất, một bên là tính kiểm chứng của thông tin còn chưa được bảo đảm.
Nhà báo Aleksey Sunnerberg nhớ lại: “Tôi suy nghĩ và quyết định liều. Tôi chọn đoạn tin ngắn, đưa cho phiên dịch, rồi chuyển cho phát thanh viên. Và trong bản tin ngay sau đó chúng tôi đã phát đi tin Quân đội giải phóng đã tiến vào Sài Gòn. Đài phát thanh Moskva trở thành Đài nước ngoài đầu tiên phát tin bản tin Chiến thắng 30/4/1975, phát bằng tiếng Việt”.
Thông tin chính thức được chuyển đến Đại sứ Liên Xô tại Hà Nội Boris Chaplin vào sáng sớm 1-5-1975. Ông Chaplin được mời đến gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng gấp. Theo hồi ký ông Chaplin kể lại, Thủ tướng đã ra đón Đại sứ, ôm chầm lấy ông và nói: “Chúc mừng đại sứ, ta đã giải phóng Sài Gòn!”.
50 năm đã qua, nhà báo Aleksey Sunnerberg vẫn cảm thấy may mắn vì mình đã lựa chọn đúng: “Tôi đã đúng khi chọn tin vào chủ nghĩa anh hùng, vào lòng quả cảm, vào quyết tâm và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam”.