Hôm nay (31-1), hàng triệu cử tri Iraq ở 14 trên tổng số 18 tỉnh toàn quốc sẽ bỏ phiếu bầu đại biểu hội đồng nhân dân và tỉnh trưởng địa phương. Theo tờ “Người hướng dẫn khoa học Cơ đốc giáo” (Csmonitor - Mỹ), đây là cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên được tổ chức bởi một đất nước Iraq có đầy đủ chủ quyền, có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng Sunni thiểu số cũng như có sự góp mặt đông đảo ứng cử viên đại diện cho các sắc tộc. Có cả thảy 14.431 ứng cử viên của hơn 400 đảng phái tranh tổng cộng 444 ghế đại biểu và tỉnh trưởng ở 14 tỉnh.
Theo Nhật báo McClatchy (Mỹ), cuộc bầu cử này là phép thử đầu tiên đối với nền dân chủ kiểu Mỹ ở Iraq. Nếu cuộc bầu cử và quá trình chuyển giao quyền lực sau đó diễn ra trong hòa bình thì người dân Iraq có lý do tin rằng sự đổi thay có thể đến với đất nước mình thông qua lá phiếu hơn là bằng súng đạn. Và Mỹ cũng sẽ bớt “mất mặt” hơn khi rút quân khỏi một quốc gia được tái lập dân chủ hơn là một đất nước rối ren triền miên mà họ là tác nhân chính gây ra. Nói theo tờ Csmonitor, cuộc bầu cử lần này với người dân Iraq không chỉ nhằm lựa chọn các đại diện của mình ở cấp địa phương mà còn để xác định một tương lai mới của đất nước.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Baghdad, ông Stefan de Mistura, cho rằng những đại biểu được nhân dân Iraq lựa chọn lần này sẽ là những người có đủ thực quyền giải quyết (hoặc không thể giải quyết) các vấn đề quá khó khăn như cung cấp nước sạch, điện, chăm sóc y tế và tạo ra việc làm. Cựu Thủ tướng lâm thời Iraq Iyad Allawi cho rằng chính quyền mới ở Mỹ chắc chắn sẽ rút quân về nước, nên người Iraq cần phải tự giải quyết các vấn đề của mình để có một tương lai ổn định hơn.
 |
Người Iraq chào mừng ngày bầu cử 31-1 với hy vọng được đổi đời. |
Nhiều cử tri Iraq cho biết họ sẽ tích cực đi bỏ phiếu vì điều kiện an ninh từ đầu năm đến nay được cải thiện hơn hẳn so với cuộc bầu cử đầy bạo lực hồi năm 2005. Họ đã chán ngán cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu vào những năm trước và hy vọng cuộc sống rồi đây sẽ tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, điều người dân Iraq lo lắng chính là tính trung thực và công bằng của cuộc bầu cử, chứ nếu không sẽ xảy ra mâu thuẫn khó lường trước.
Nếu cuộc bầu cử thất bại và bạo lực tái diễn (trước thềm bầu cử đã có ít nhất 5 ứng viên thuộc các đảng thiểu số bị sát hại song giới chức Mỹ và Iraq khẳng định bạo lực không gia tăng), thì theo tờ McClatchy, thiệt hại lại sẽ thuộc về người dân Iraq và cả chính quyền Mỹ. Chính quyền của ông Barack Obama với mục tiêu tập trung sức lực cho cuộc chiến chưa có hồi kết ở Afghanistan có thể sẽ đưa ra một quyết định hết sức khó khăn: hoặc tiếp tục ở lại Iraq hay “bỏ của chạy lấy người” khỏi vũng lầy ngốn không biết bao nhiêu xương máu và tiền của của dân Mỹ lẫn Iraq.
KIẾN HÒA (Theo McClatchy, Csmonitor, IPS)