05/02/2013 - 15:23

Nội chiến ở Syrie

Phe đối lập bế tắc với “kịch bản không có al-Assad”

Khi mà chưa có tổ chức đối lập đáng tin cậy nào lộ diện, tương lai Syrie vẫn còn khá mù mịt. Ảnh: scmp.com 

Mặc dù phe đối lập tại Syrie sắp đánh dấu “cột mốc” hai năm (tháng 3-2011 đến 3-2013) nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy lực lượng này vẫn chưa thay đổi được cục diện, nếu không muốn nói là “thất bại”.

Đặt kỳ vọng vào một tổ chức đại diện hợp pháp hơn so với Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC)- nhóm đối lập có trụ sở đặt tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới hồi tháng 12-2012 đã công nhận liên minh đối lập của Syrie, tổ chức được thành lập tại Thủ đô Doha, Qatar. Tuy nhiên, liên minh gồm 71 thành viên này, bao gồm nhiều thành phần của SNC, không có thiện chí đàm phán với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, cũng như chẳng có những bước chuẩn bị từ xa cho việc nắm giữ chính quyền. Theo nhận định của Thời báo New York hôm 3-2, lợi ích nhỏ nhoi đang chiếm ưu thế, phe Hồi giáo đang áp đảo những người theo chủ nghĩa thế tục, cảnh lưu vong đang che khuất những người trong cuộc và chỉ có một số ít thành viên phe nổi dậy dường như có đủ tín nhiệm trở về quê hương.

Giới quan sát đặt giả thuyết rằng nếu Tổng thống al-Assad chết hoặc rời khỏi Syrie, phe đối lập có thể lãnh đạo một quá trình chuyển tiếp khá suôn sẻ, như đã từng xảy ra ở Libye sau khi cố Đại tá Muammar Gadhafi bị lật đổ. Tuy nhiên, với hiện trạng chia rẽ sâu sắc ở Syrie, bạo lực gần như không thể lắng xuống trong giai đoạn chuyển tiếp, đặc biệt khi không có một chính phủ lâm thời được đa số dân chúng ủng hộ có thể kiểm soát các nhóm vũ trang. Dân số Syrie bị chia cắt thành nhiều phe phái và bao vây bởi các cường quốc trong khu vực vốn tranh giành sự ảnh hưởng. Quốc gia Trung Đông này cũng đang “lún lầy” trong một cuộc nội chiến đẫm máu và kéo dài nhất. Nỗi sợ và sự trả thù gần như ngày càng đóng vai trò lớn trong chế độ hậu al-Assad tại Syrie so với Libye sau khi ông Gadhafi bị lật đổ.

Bên cạnh đó, giới quan sát còn cho rằng nhiều lãnh đạo của phe đối lập tại Syrie đã “nản lòng” với các cuộc đàm phán mà họ cho lộ rõ “chủ nghĩa cơ hội”, tính toán sao cho có lợi nhất về mình khi chế độ al-Assad sụp đổ. Chủ tịch liên minh đối lập Syrie Ahmed Moaz al-Khatib đã bị cho là biểu tượng “bù nhìn” với việc thiếu kinh nghiệm tham gia “cuộc chơi bất đồng chính kiến” bên phe đối lập. Trong khi đó, Riad Seif, một đồng minh chủ chốt của Mỹ và là nhân vật bất đồng quan điểm bấy lâu nay tại Syrie, thì bị cho là chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Diễn biến trên bàn chính trị tại Syrie càng thêm rối rắm khi các văn bản dưới luật của liên minh đối lập đều được phân bố rải rác với các điều khoản bắt nguồn từ SNC, trong đó có quy định cấm các cuộc đàm phán với những nhân vật cấp cao của chính quyền al-Assad. Điều này khiến các nỗ lực hòa bình trở nên vô vọng vì không có một thành phần nào quan trọng. Song song đó, việc ông al-Khatib phát đi tín hiệu sẵn sàng đàm phán nhưng bị cho chỉ là “quan điểm cá nhân” của ông càng cho thấy sự từ chối đeo đuổi con đường hòa giải của liên minh đối lập.

THANH BÌNH (Theo NY Times)

Khi mà chưa có tổ chức đối lập đáng tin cậy nào lộ diện, tương lai Syrie vẫn còn khá mù mịt. Ảnh: scmp.com 

Chia sẻ bài viết