20/10/2019 - 09:32

Phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao 

Thời gian qua, tại TP Cần Thơ ngày càng có nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, xu hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, giúp nhiều loại nông sản tại thành phố có đầu ra tốt hơn.

Những tín hiệu tích cực

Với 3 vụ lúa trong năm, diện tích trên dưới 230.000ha, sản lượng lúa thu hoạch đạt khoảng 1,4 triệu tấn/năm, nhưng tỷ lệ diện tích/nông hộ tại thành phố khá thấp. Để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển mô hình cánh đồng lớn (CĐL) và các mô hình liên kết sản xuất gắn với cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật và có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp.

Mô hình CĐL được triển thực hiện từ vụ hè thu 2011 tại Cần Thơ, diện tích ban đầu chỉ 400ha nhưng gần đây đã tăng lên trên dưới 25.000 ha/vụ. Trong đó, vụ đông xuân 2018-2019 và hè thu 2019, CĐL đạt diện tích hơn 29.000 ha/vụ, với trên 21.200 hộ dân tham gia. Nông dân tham gia mô hình CĐL có điều kiện ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, thực hiện đầu tư cơ giới hóa, nên giảm được chi phí và nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm.

Ông Võ Văn Rô ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ cho biết, từ năm 2013, ông và nhiều hộ dân tại địa phương đã tham gia mô hình CĐL và được Công ty Trung An cung ứng vật tư đầu vào đến cuối vụ mới thanh toán tiền và bao tiêu lúa đầu ra, với giá từ bằng đến cao hơn thị trường 100-200 đồng/kg. Doanh nghiệp còn hỗ trợ, hướng dẫn nhiều tiến bộ kỹ thuật mới để giảm chi phí, lúa đạt năng suất, chất lượng tốt, giúp nâng cao được lợi nhuận.

Bên cạnh mô hình liên kết trong sản xuất lúa, thành phố còn nhiều mô hình trồng cây ăn trái quy mô lớn. TP Cần Thơ có 19.369ha cây ăn trái và hiện đã hình thành những vùng trồng tập trung, như: vùng trồng xoài 2.112ha tại Thới Hưng-Cờ Đỏ, Tân Phú, Phú Thứ-Cái Răng; vùng vú sữa hơn 645ha tại xã Giai Xuân (huyện Phong Điền) và phường Thới An Đông (quận Bình Thủy); vùng trồng nhãn hơn 515ha tại các phường Thường Thạnh, Phú Thứ (quận Cái Răng), Tân Lộc (quận Thốt Nốt); 444ha dâu Hạ Châu tại xã Nhơn Ái (huyện Phong Điền)... Ngoài ra, 37 mô hình vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái cho lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với chuyên canh cây ăn trái.

Thành phố cũng hình thành các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, với tổng diện tích trên 229ha và vùng hoa kiểng với diện tích khoảng 56ha tại các quận, huyện. Đến nay, TP Cần Thơ xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho nhiều loại nông sản, như: nhãn hiệu tập thể cam xoàn, nhãn Ido Thới An-quận Ô Môn, dâu Hạ Châu Nhơn Ái-huyện Phong Điền, sầu riêng Tân Thới-huyện Phong Điền, nấm bào ngư Thới An Đông-quận Bình Thủy, vú sữa Thới An Đông, rau an toàn Long Tuyền...

Đồng thuận để nhân rộng mô hình

Có thể thấy, những mô hình liên kết sản xuất nông sản hàng hóa trên địa bàn thành phố đã thể hiện rất rõ hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nông dân, doanh nghiệp còn thiếu vốn đầu tư và khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Liên kết giữa nông dân với nhau và nông dân với doanh nghiệp tại nhiều nơi và nhiều lúc còn lỏng lẻo, chưa tìm được “tiếng nói chung” để cùng gắn bó và chia sẻ lợi ích lâu dài. Điều này cần sự nhập cuộc của ngành chức năng trong vai trò trung gian kết nối các liên kết, hài hòa lợi ích các bên.

Ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Long Tuyền, ở quận Bình Thủy, cho biết: “Để mở rộng quy mô sản xuất và kết nạp thêm nhiều xã viên mới, các HTX rất cần có doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Thời gian qua, nhiều HTX trồng rau an toàn còn gặp khó trong liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ, nhất là đưa hàng vào bán tại các siêu thị, họ đòi hỏi phải cung cấp sản phẩm liên tục, với chất lượng ổn định và đa dạng rất nhiều loại rau... nhưng lại chậm thanh toán tiền. Nông dân thì muốn bán hàng lấy tiền ngay để đầu tư tái sản xuất vì đồng vốn có hạn”.

HTX rau an toàn Long Tuyền có 18 thành viên, với diện tích hơn 6ha, mỗi năm có thể sản xuất trên 450 tấn rau các loại. Hiện các sản phẩm rau an toàn sản xuất tại HTX đã được cung ứng cho nhiều bếp ăn tập thể của doanh nghiệp và trường học.

Theo nhiều đơn vị kinh doanh gạo tại TP Cần Thơ, thời gian qua doanh nghiệp rất quan tâm liên kết với nông dân, nhưng chỉ mới xây dựng được vùng nguyên liệu đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu tiêu thụ, còn lại phải thu mua bên ngoài về chế biến nên khó truy xuất nguồn gốc.

Doanh nghiệp cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư cho mô hình CĐL. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở quận Thốt Nốt.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho rằng, cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thực hiện mô hình cánh đồng liên kết, CĐL để phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững. Muốn phát triển mạnh CĐL, nguồn vốn rất quan trọng. Các địa phương vùng ĐBSCL “trải thảm đỏ” mời các doanh nghiệp về đầu tư xây dựng CĐL, còn nông dân thì tích cực đồng hành, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng rất cần nguyên liệu ở trong CĐL để ổn định trong xuất khẩu.

Thế nhưng, theo ông Phạm Thái Bình, CĐL khó nhân rộng do thiếu vốn để thực hiện. Cánh đồng liên kết muốn sản xuất được thành công, chúng ta phải có vốn để xây nhà máy sấy lúa. Sấy lúa rồi phải có nơi chứa, đặc biệt doanh nghiệp khi bao tiêu toàn bộ lúa cho nông dân phải thanh toán tiền lúa cho nông dân ngay sau thu hoạch phải cần vốn rất lớn. Chính phủ và các cấp thẩm quyền Trung ương, địa phương cần quan tâm và có giải pháp đảm bảo nguồn vốn cho phát triển CĐL.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, Sở đã và đang tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và Sở cũng đã tham mưu UBND thành phố Ban hành Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 8-7-2019 về Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực và Danh mục sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố. Hiện Sở cũng phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết