09/09/2010 - 20:50

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Phải quyết liệt phòng chống dịch bệnh heo tai xanh

Nhờ phát hiện và xử lý kịp thời, trang trại heo của anh Nguyễn Đình Chí (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã được cứu nguy khỏi dịch tai xanh.
Ảnh: VŨ HÀ

Từ trung tuần tháng 8 đến nay, dịch heo tai xanh (HTX) tiếp tục lây lan trên diện rộng ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo nhận định của ngành thú y ĐBSCL, nguyên nhân của tình trạng vừa nêu do công tác phòng và chống dịch bệnh kém. Vì thế, đối với các hộ chăn nuôi cần tiếp tục nâng cao ý thức đề phòng bệnh trên đàn heo...

Diễn biến phức tạp do công tác phòng dịch kém

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: Qua khảo sát các tỉnh phía Nam, nguyên nhân làm dịch bùng phát nhanh trên diện rộng do lực lượng thú y tư nhân chưa biết cách xử lý bệnh và phòng ngừa, vô tình làm dịch bệnh lây lan từ chuồng trại này sang chuồng trại khác. Lực lượng thương lái mua heo cũng làm phát tán dịch từ chuồng trại heo bệnh sang chuồng trại heo khỏe trên diện rộng. Trước tình hình này, ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định: “Cơn bão” tai xanh đang đi vào Nam bộ và phát triển mạnh, đánh vào các trang trại chăn nuôi có số lượng hàng ngàn con, gây thiệt hại lớn...

Tại An Giang, lần đầu tiên dịch HTX xuất hiện khiến người chăn nuôi heo lúng túng trong cách đề phòng, lực lượng thú y cơ sở chưa có kinh nghiệm xử lý khiến mức độ lây lan rất nhanh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Qua kiểm tra các nơi đã xảy ra dịch HTX, Chi cục Thú y An Giang, nhận định: Ổ dịch đầu tiên ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, xảy ra ngày 22-7 trên 45 con nái và 65 heo thịt của 7 hộ nuôi, nguồn lây lan do thương lái mua heo đem tới. Ngày 9-8-2010, UBND tỉnh An Giang công bố dịch tại địa phương này. Chưa đầy 1 tháng kể từ ngày xuất hiện bệnh HTX đầu tiên, đến 27-8-2010, dịch đã lan ra 7 huyện và thành phố với 44 xã, phường, thị trấn của tỉnh An Giang với tổng số 2.022 con heo của 265 hộ dân mắc bệnh và số heo chết đã lên tới 1.332 con. Ngành chức năng đã thực hiện tiêu hủy 1.422 con. Tiếp sau đó, ngày 30-8-2010, UBND tỉnh An Giang công bố dịch bệnh tai xanh trên toàn địa bàn TP Long Xuyên và thị trấn An Châu, huyện Châu Thành. Ngày 31-8-2010, UBND tỉnh này tiếp tục công bố dịch tai xanh đã lan rộng khắp địa bàn tỉnh An Giang...

Dịch HTX tiếp tục diễn biến khá phức tạp nhiều địa phương khác trong vùng ĐBSCL từ đầu tháng 9-2010 đến nay. Diễn biến của dịch được Cục Thú y thống kê như sau: Ngày 2-9-2010, dịch xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi heo của huyện Phú Tân và huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) làm 2 con heo mắc bệnh. Trong ngày, dịch cũng xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi heo của các huyện An Phú, Chợ Mới và thị xã Tân Châu (An Giang) làm 32 con heo mắc bệnh trong tổng đàn 82 con. Tại Trà Vinh, dịch xảy ra ở 1 hộ chăn nuôi heo, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè làm 10 con heo mắc bệnh trong tổng đàn 27 con. Riêng tại Tiền Giang, dịch diễn biến phức tạp nhất với số heo phát hiện mắc bệnh trong ngày lên đến 627 con trên tổng đàn 1.188 con và số heo tiêu hủy là 545 con ở 69 hộ chăn nuôi thuộc 8 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công. Ngày 3-9, HTX tiếp tục xuất hiện các ổ dịch mới tại Đồng Tháp, Cà Mau và Tiền Giang. Trong đó, Tiền Giang có số lượng heo mắc bệnh trên 92 con và số lượng tiêu hủy là 810 con. Các ngày tiếp sau đó HTX tiếp tục xuất hiện tại Đồng Tháp, Cà Mau và Tiền Giang với tổng số hàng ngàn con heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy. Gần đây nhất, ngày 6-9, dịch bệnh HTX tiếp tục hoành hành ở Kiên Giang (206 con mắc bệnh, số chết và tiêu hủy là 86 con), Long An (834 con mắc bệnh, 92 con chết và tiêu hủy)...

Theo Cục Thú y, đến ngày 7-9-2010, cả nước có 29 địa phương; trong đó, 13/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có dịch HTX chưa qua 21 ngày.

Phòng ngừa, xử lý kịp thời hạn chế nguồn lây bệnh

Tại TP Cần Thơ, vào ngày 9-8-2010, ngành thú y thành phố phát hiện 108 con (6 con đã chết) trong tổng đàn 990 con có dấu hiệu bệnh HTX ở 1 trại heo thuộc xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Sau đó, ngành thú y thành phố tiếp tục phát hiện bệnh HTX xảy ra trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ, cho biết: Sau khi phát hiện có bệnh HTX xảy ra, ngành thú y thành phố phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Nhờ vậy, tại TP Cần Thơ dịch HTX không lây lan trên diện rộng và dịch bệnh này chỉ xảy ra lẻ tẻ ở một vài hộ chăn nuôi thuộc 2 huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh. Gần đây, tại huyện Cờ Đỏ cũng đã không còn phát sinh thêm ổ dịch mới. Còn ở huyện Vĩnh Thạnh, ngành thú y đang tập trung điều trị cho số heo bị bệnh đang nuôi tại một vài hộ... Theo Chi cục Thú y TP Cần Thơ, thời gian qua, ngoài tập trung dập tắt các ổ dịch và không để lây lan trên diện rộng, ngành thú y còn tăng cường giám sát chặt chẽ đàn heo nuôi tại địa phương để kịp thời phát hiện dịch bệnh HTX, xử lý; đẩy mạnh kiểm soát vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt gia súc... Ngoài ra, Chi cục Thú y TP Cần Thơ cũng vừa tiếp nhận 9.000 liều vắc-xin HTX (vắc-xin loại mới) và chuẩn bị tiêm phòng thí điểm cho đàn heo nuôi tại thành phố...

Theo ông Mai Tân Trào, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh An Giang, để hạn chế dịch bệnh lây lan, người chăn nuôi phải cảnh giác và phòng ngừa; thực hiện phun thuốc sát trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi thường xuyên, rắc vôi bột quanh chuồng. Nếu thời tiết đang lạnh nên sử dụng bạt ni lông che kín chuồng trại. Không cho người khác vào chuồng trại, tránh lây lan dịch từ nơi khác đến. Ngoài ra, khi phát hiện heo bệnh, người chăn nuôi phải báo ngay cho cán bộ thú y để kịp thời can thiệp chữa trị. Việc phát hiện bệnh càng sớm thì hiệu quả chữa trị khỏi càng cao, tránh thiệt và giảm hại đàn. Điển hình như trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Đình Chí (ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) có đàn heo nái 42 con và 185 heo thịt. Anh Chí cho biết: Vừa qua, cả đàn “dính” dịch tai xanh, anh lập tức báo ngay cho cán bộ Trạm Thú y TP Long Xuyên đến hỗ trợ xử lý bệnh kịp thời. Kết quả, trang trại heo của anh đã được cứu nguy, chỉ hao 7 con nái và một heo thịt.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Sơn, heo thịt mắc bệnh tai xanh đã chữa khỏi thì tiếp tục nuôi sau 21 ngày mới được xuất bán để tránh lây lan dịch bệnh. Riêng heo nái dự bị phải làm xét nghiệm để kiểm tra và có kết quả âm tính với bệnh tai xanh mới cho mang thai lại.

Nhóm PV-CTV

XỬ LÝ NGHIÊM CÁC ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG GIẤU, PHÁT HIỆN CHẬM, KHÔNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG QUYẾT LIỆT DỊCH HTX

Hiện nay, dịch HTX đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Nguyên nhân là do địa phương chưa chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn Bộ NN&PTNT; phần lớn các cơ sở chăn nuôi phát dịch đều không được phát hiện kịp thời và có liên quan đến việc vận chuyển gia súc bệnh từ những địa phương có dịch; công tác tuyên truyền cho người dân chưa thực hiện đầy đủ.

Để nhanh chóng dập dịch, hạn chế đến mức thấp nhất khi có dịch xảy ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh thành các tỉnh Nam Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây nguyên chú trọng các biện pháp cấp bách như: Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên toàn tỉnh, có trách nhiệm cho người cụ thể thường xuyên theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch HTX đến từng hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch mới xảy ra, báo cáo kịp để UBND các cấp chỉ đạo thực hiện các biện pháp cần thiết quản lý ổ dịch, không để dịch lây lan. Tổ chức thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức để nhân dân tự giác phòng chống dịch; công khai chính sách hỗ trợ do tiêu hủy gia súc mắc bệnh để mọi người dân biết và hợp tác trong công tác phòng, chống bệnh. Kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương giấu dịch, phát hiện chậm, không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt để dịch lây lan, dây dưa kéo dài, những tổ chức cá nhân làm phát sinh dịch...

(Trích Công điện số 18/CĐ-BNN-TY, của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ngày 1-9-2010 về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh tai xanh)


Chia sẻ bài viết