18/03/2012 - 19:41

TĂNG GIÁ ĐIỆN

Phải có lộ trình rõ ràng và chi phí minh bạch

Công nhân kỹ thuật Điện lực Ninh Kiều (Công ty Điện lực TP Cần Thơ) thực hiện kéo cáp trên tuyến Nguyễn Văn Cừ nối dài.
Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giá cả hiện nay đã có sự chuyển đổi lớn từ cơ chế quản lý giá hành chính sang cơ chế giá thị trường thông qua những lộ trình và bước đi thích hợp. Giá bán điện cũng không nằm ngoài quỹ đạo này. Chính sách về giá điện và điều chỉnh giá điện lên dần từng bước, tiến tới giá bán điện được thực hiện theo cơ chế giá thị trường thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc đổi mới công tác quản lý nhà nước về giá cả. Tuy nhiên, tại hội thảo khoa học về quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ở Việt Nam do Học viện Tài chính vừa tổ chức, các đại biểu tham dự đều cho rằng: việc tăng giá điện cần phải có lộ trình rõ ràng và minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh điện, như vậy sẽ giảm bớt hiệu ứng tiêu cực và phản ứng xã hội.

Bộc lộ những bất cập

Trước tiên phải thấy rằng chính sách giá điện nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành điện, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt là khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Chính sách này yêu cầu giá điện cũng đảm bảo cho nhà đầu tư bù đắp được chi phí sản xuất và có lợi nhuận hợp lý.

Bên cạnh đó, chính sách giá điện hiện hành đã thực hiện cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt. Tuy nhiên, qua các lần điều chỉnh giá điện, giá bán điện cho sinh hoạt vẫn thấp hơn giá bán điện cho sản xuất trong khi ở phần lớn các nước trên thế giới thì ngược lại nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm và tăng sức cạnh tranh hàng hóa của họ trên thị trường thế giới. Mặt khác, giá điện thấp còn là nguyên nhân đẩy “cầu” về điện lên cao, khuyến khích người sử dụng điện lãng phí ở quy mô lớn nhưng không khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện.

Thêm vào đó, những năm gần đây, các địa phương phát triển quá nhanh và tràn lan không theo quy hoạch các dự án sản xuất thép xây dựng, xi măng, dệt có công nghệ lạc hậu, tiêu hao điện năng lớn đã làm tăng nhanh phụ tải và sử dụng lãng phí điện năng, phá vỡ quy hoạch ngành điện, kéo theo cả mất cân đối cung cầu.

Theo ông Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế-Tài chính, trên thực tế, mặc dù cơ chế, chính sách quản lý và điều hành giá điện đã có những thay đổi theo hướng thị trường nhưng đó là thị trường gì, độc quyền hay cạnh tranh ... vẫn chưa được rõ ràng và minh bạch dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Điều này đã dẫn đến nhiều bất đồng trong đàm phán về giá bán điện của các nhà máy phát điện độc lập với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết. Thị trường độc quyền nhưng chính sách giá cạnh tranh là hoàn toàn không phù hợp. Ngược lại, thị trường cạnh tranh mà áp đặt giá cũng không đúng quy luật.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng cần phải làm rõ mức độ lỗ của ngành điện sau khi đã thực hiện việc tiết kiệm triệt để chi phí, giảm thiểu đến mức cao nhất tổn thất điện năng, tình trạng gian lận trong sử dụng điện... cũng như xác định rõ ràng mức độ đầu tư của Chính phủ thì mới xét đến việc tăng giá điện.

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Viện Kinh tế-Tài chính đề cập đến việc giá điện không nên thực hiện quá nhiều nhiệm vụ, vừa đảm bảo sản xuất, an ninh năng lượng, vừa thực hiện chức năng xã hội. Có thể nói cơ chế quản lý nhà nước về giá điện ở nước ta đang dần được hoàn thiện; kết quả sản xuất, kinh doanh điện đã bước đầu được công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận nhất định đối với xã hội. Tuy nhiên có thể thấy, dù giá điện đã từng bước được điều chỉnh theo lộ trình nhưng thay đổi của giá điện chưa phản ánh hết được biến động của các chi phí sản xuất kinh doanh điện đầu vào hợp lý, hợp lệ.

Kiên trì thực hiện theo cơ chế thị trường

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và thảo luận tại hội thảo là cần minh bạch hóa trong điều hành giá điện theo cơ chế thị trường. Các chuyên gia đều khẳng định việc tăng giá điện trong thời gian tới là tất yếu do giá các yếu tố đầu vào tăng cao, giá điện chưa bù đắp được giá thành. Song mức độ tăng là bao nhiêu, bù đắp các chi phí ở mức nào... cần phải được nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định nhất là trong giai đoạn cả nước đang tích cực kiềm chế lạm phát như hiện nay. Một khi các yếu tố cấu thành giá, mức thay đổi được công bố một cách rõ ràng và minh bạch, người tiêu dùng sẽ nhận thức rõ là đang trả cho các chi phí hợp lý và vì thế sẽ giảm các hiệu ứng tiêu cực của xã hội.

Thống nhất với quan điểm tăng giá điện không phải là lời giải duy nhất cho bài toán điện ở Việt Nam, TS Nguyễn Thị Lan, Học viện Tài chính cho rằng giá điện bình quân cần điều chỉnh theo hướng tăng do chi phí sản xuất tăng, do trượt giá và lạm phát song phải có lộ trình rõ ràng và minh bạch chi phí. Việc một doanh nghiệp lớn nắm giữ và chi phối hầu hết các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện là một trong những nguyên nhân làm cho không thể minh bạch được chi phí cho từng khâu. Điều này đã làm cho hoạt động của ngành điện kém hiệu quả. Để giải quyết được vấn đề này, trước hết theo bà Lan giá điện phải được vận hành theo cơ chế thị trường, làm cơ sở để tiến hành tái cơ cấu ngành điện ở những bước tiếp theo.

Đề cập đến việc giá điện phải bù đắp chi phí hợp lý nhằm khuyến khích sản xuất phục vụ phát triển kinh tế và xã hội, các đại biểu cũng cho rằng cần phân biệt chi phí sản xuất thực tế và chi phí hợp lý. Người tiêu dùng có quyền không trả cho việc lãng phí, thất thoát của EVN. Chính vì vậy, việc hình thành giá điện ngoài căn cứ vào số liệu quyết toán, kiểm toán và kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật của EVN cần thiết phải so sánh, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tham khảo mức giá, cơ cấu giá của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Một điểm nhấn được nhiều chuyên gia cùng khẳng định tại hội thảo là giá điện trong giai đoạn tới cần tiếp tục được điều hành theo cơ chế thị trường và có sự giám sát chặt chẽ của nhà nước nhằm hạn chế các lợi thế độc quyền gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và lãng phí nguồn lực xã hội. “Khi khâu sản xuất và khâu phân phối đủ điều kiện thị trường cạnh tranh, cơ chế hình thành và quản lý giá điện mới theo thị trường cạnh tranh, lúc đó giá cả do người sản xuất và bán lẻ điện mới hoàn toàn do thị trường điều tiết”, bà Anh bày tỏ.

Bà Anh cũng đề xuất việc bù chéo giữa sản xuất và tiêu dùng nên dần thu hẹp đồng thời với việc bỏ bao cấp qua giá cho các đối tượng khác. Các hộ nghèo cần được hỗ trợ thông qua các chính sách thu nhập và trợ cấp khác (quỹ trợ cấp xã hội) thay vì trợ cấp qua giá điện.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường giá điện vào thời điểm thích hợp, phù hợp với mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Giá điện phải dần bù đắp được các chi phí thực tế, hợp lý khi bỏ ra để sản xuất và kinh doanh điện; trong đó có các chi phí sản xuất, kinh doanh điện còn “treo” lại chưa được tính vào phương án giá điện. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ sử dụng điện là hộ nghèo, hộ thu nhập thấp như hiện nay. Tất cả các chi phí cần công bố công khai để nhận được phản biện của xã hội, đồng thời tạo sự minh bạch và đồng thuận của xã hội khi có đề xuất tăng giá điện.

MAI PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết