08/03/2019 - 15:16

Peru “nhờ” quân đội bảo vệ rừng Amazon 

Giới chức Peru vừa khánh thành căn cứ quân sự đầu tiên trong số 4 căn cứ mà quốc gia Nam Mỹ này sẽ sử dụng để đẩy lùi nạn khai thác mỏ trái phép, đe dọa rừng nhiệt đới Amazon.

Các binh sĩ Peru trong chiến dịch truy quét bọn khai thác vàng trái phép ở Madre de Dios hồi đầu tháng này. Ảnh: AP

Từ những căn cứ trên, binh sĩ sẽ triển khai các máy bay không người lái và sử dụng hình ảnh vệ tinh để thực hiện hoạt động bảo vệ rừng Amazon trong phạm vi nước này. Mỗi căn cứ dự kiến có 100 lính, 50 cảnh sát và một công tố viên. Trại lính đầu tiên đặt tại vùng Madre de Dios, Đông Nam Peru. Madre de Dios nổi tiếng bởi sự đa dạng sinh học và những khu rừng giàu các-bon, nhưng đây cũng là nơi hoạt động của bọn buôn vàng. Peru hiện là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ 6 trên thế giới.

Động thái sử dụng quân đội bảo vệ rừng chưa từng có được đưa ra hai tuần sau khi giới chức Peru phát động chiến dịch quân sự xua đuổi hàng ngàn đối tượng khai thác vàng bất hợp pháp - thủ phạm khiến đất đai và các con sông ở Amazon nhiễm thủy ngân. 300 binh sĩ Peru đã được điều động đến Madre de Dios làm nhiệm vụ trong 6 tháng. Năm 2018, tình trạng phá rừng do khai thác mỏ ở miền Nam Peru đã lên đến đỉnh điểm, với 9.280ha rừng bị xóa sổ.

Hơn 50% lãnh thổ Peru nằm trong quần xã sinh vật Amazon, nhưng rừng nhiệt đới này đang trải cuộc biến đổi ghê gớm do tình trạng chăn nuôi gia súc và khai thác vàng trái phép tràn lan. Rừng rậm nhiệt đới Amazon thuộc lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ. Với diện tích gần 7 triệu km2, rừng Amazon trải dài trên lãnh thổ của 8 nước, gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname. Trong đó, Amazon ở Peru là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Tuy nhiên so với các vùng khác của rừng Amazon rộng lớn, Amazon ở Peru bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của con người ít hơn, nên nó trở thành khu vực ưu tiên bảo tồn của thế giới.

Trong nỗ lực bảo tồn Amazon ở Peru, các nhà khoa học cũng đã nhờ đến “siêu anh hùng mới”: máy bay không người lái. Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học tại Viện Bảo tồn Sinh học Smithsonian (SCBI), các máy bay không người lái sẽ tham gia cuộc chiến chống nạn phá rừng, bảo vệ sự phục hồi hệ sinh thái và che chở thiên nhiên. Công nghệ bay này sẽ phác họa những địa điểm nghiên cứu bằng những hình ảnh có độ phân giải cao, qua đó cho phép nhóm nghiên cứu nắm rõ quá trình cũng như kết quả của các dự án của họ ở mức độ bao quát.

Tuy nhiên, công nghệ máy bay không người lái hiện nay có 3 hạn chế lớn, đòi hỏi các kỹ sư phải nỗ lực tháo gỡ. Đó là thời gian bay hạn ngắn (chỉ khoảng 20-60 phút), trọng tải thấp và khả năng cất/hạ cánh của mỗi thiết bị khác nhau.

THANH BÌNH (Theo AP, Nationalzoo)     

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Perurừng Amazon