Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là nhậm chức, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bắt đầu vạch ra lộ trình đối ngoại mới, trong đó không thiếu chính sách đe dọa táo bạo và quyết liệt khiến đồng minh lo ngại.
Ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo hôm 7-1. Ảnh: AFP
Ðe dọa dùng sức mạnh quân sự và kinh tế
Ngày 7-1, Tổng thống đắc cử Trump tổ chức họp báo rộng rãi tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Trong bài phát biểu khoảng một tiếng đồng hồ, tỉ phú Trump chủ yếu đề cập một loạt bất bình bao gồm các vụ kiện chống lại ông, cách chính quyền đương nhiệm xử lý tiến trình chuyển giao quyền lực cùng quyết định ủng hộ môi trường.
Ðáng chú ý, bỏ qua truyền thống bày tỏ tôn trọng thành viên khác trong “câu lạc bộ tổng thống không chính thức”, ông Trump lần nữa chỉ trích cố Tổng thống Mỹ Jimmy Carter vì ký hiệp ước chuyển giao quyền kiểm soát kênh đào Panama cho quốc gia sở tại. Bất mãn này xuất phát từ mức phí ông Trump coi là “phi lý” mà Panama hiện áp dụng với các chuyến tàu Mỹ; đồng thời nó cũng mang tính chính trị khi ông chỉ trích chính quyền Panama cho phép Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.
Tại cuộc họp báo, đáng chú ý nhất là chủ nhân sắp tới của Nhà Trắng nói ông không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự hoặc cưỡng chế kinh tế khi theo đuổi kế hoạch mua lại kênh đào Panama và cả đảo Greenland của Ðan Mạch. “Tôi không đảm bảo về bất kỳ điều nào trong 2 khả năng đó. Nhưng tôi có thể khẳng định, chúng ta cần những thực thể này vì kinh tế và an ninh quốc gia” - ông Trump nêu rõ. Ngoài ra, ông Trump cũng tuyên bố sẵn sàng sử dụng “sức mạnh kinh tế” để thâu tóm Canada. Hứa hẹn về “thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ”, ông Trump đồng thời cho biết muốn đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ.
Theo đuổi chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump cam kết tập trung hơn vào tình hình trong nước. Nhưng gần đây, tỉ phú New York chuyển hướng sang chương trình nghị sự “đế quốc mới” khi đe dọa giành quyền kiểm soát kênh đào Panama, Greenland và sáp nhập Canada thành tiểu bang thứ 51 của nước Mỹ. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại ở cử tri về lời hứa hạn chế chiến tranh.
Chủ nghĩa đế quốc mới?
Trong khi kênh đào Panama do Mỹ xây dựng nhưng đã chấm dứt quan hệ đối tác kiểm soát chung vào năm 1999, Greenland là vùng lãnh thổ tự trị của một trong những thành viên sáng lập NATO là Ðan Mạch. Giàu khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt, hòn đảo Bắc Cực còn có tầm quan trọng chiến lược với quân đội Mỹ, nhất là hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo vì tuyến đường ngắn nhất từ châu Âu đến Bắc Mỹ chạy qua Greenland. Năm 1946, Mỹ cử phái đoàn ngoại giao tới Ðan Mạch nêu rõ mục đích muốn sở hữu hòn đảo lớn nhất thế giới. Washington ra giá 100 triệu USD (tương đương 1,2 tỉ USD ngày nay), mục tiêu ngoài tiếp cận tầng băng vĩnh cửu phát triển công nghệ kỹ thuật và xây dựng công trình ngầm dưới băng thì còn để huấn luyện binh sĩ. Ðan Mạch từ chối nhượng Greenland, nhưng đáp lại sự hỗ trợ của Mỹ giúp Copenhagen trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, nước này đã cho phép Washington dựng căn cứ và thực hiện thí nghiệm khoa học. Năm 1951, Mỹ và Ðan Mạch đạt thỏa thuận xây dựng Căn cứ không quân Thule để bảo vệ Greenland khỏi Liên Xô. Năm 2022, Mỹ cam kết đầu tư hàng tỉ USD vào Bắc Cực và tiến hành nâng cấp căn cứ, cũng là cảng nước sâu cực Bắc của thế giới.
Nhiệm kỳ trước, ông Trump nhiều lần đề cập mua hòn đảo này và nghi ngờ tính hợp pháp trong tuyên bố chủ quyền của Ðan Mạch. Lần này trở lại Nhà Trắng, ông cho biết sẽ áp thuế đồng minh lâu năm nếu Copenhagen tiếp tục từ chối đề nghị bán hòn đảo “rất quan trọng với an ninh quốc gia Mỹ”. Ngay trước bình luận trên, sự hiện diện của con trai Donald Trump Jr ở Greenland càng làm gia tăng suy đoán về ý định của Tổng thống đắc cử Mỹ. Tuy nhiên, theo chính quyền Greenland, đó không phải chuyến thăm chính thức và đại diện của Greenland sẽ không gặp ông con trai ông Trump.
Việc ông Trump thúc đẩy “chủ nghĩa bành trướng” đánh dấu sự bác bỏ đối với cách tiếp cận ưu tiên quyền tự quyết hơn là mở rộng lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ của Mỹ. Tham vọng này nếu thành công, sẽ đại diện cho thay đổi lớn đầu tiên kể từ khi Hawaii trở thành tiểu bang thứ 50 vào năm 1959. Nhưng trong bối cảnh phương Tây phản đối nỗ lực của Nga mở rộng lãnh thổ trước đây của Liên Xô, cựu đại sứ Mỹ Daniel Fried cảnh báo việc chiếm Greenland sẽ phá hủy NATO khi nó phác họa hình ảnh nhà lãnh đạo Mỹ không khác “một kẻ đế quốc ở thế kỷ 19” muốn vẽ lại bản đổ Tây bán cầu.
Thủ tướng Trudeau bác bỏ ý tưởng của ông Trump về việc sáp nhập Canada vào Mỹ
Ngày 7-1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bác bỏ ý định của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sử dụng “sức mạnh kinh tế” để sáp nhập Canada vào Mỹ.
Chia sẻ trên trang cá nhân, nhà lãnh đạo Canada khẳng định: “Không có cơ hội nào, kể cả nhỏ nhất, để Canada trở thành một phần của Mỹ”. Ông nêu rõ người lao động và các cộng đồng ở cả hai quốc gia đều hưởng lợi từ việc là đối tác thương mại và an ninh lớn nhất của nhau.
Phát biểu này được xem là đáp lại tuyên bố một ngày trước đó của ông Trump rằng sẵn sàng sử dụng “sức mạnh kinh tế” để thâu tóm Canada.
|
MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)