17/08/2019 - 13:17

Ông Trump muốn mua đảo Greenland? 

Trong động thái khiến các cố vấn cấp cao hoang mang, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho đang có ý định “thâu tóm” đảo Greenland thuộc Vương quốc Ðan Mạch.

Tin tức Tổng thống Trump quan tâm hòn đảo lớn nhất thế giới ngay lập tức trở thành đề tài “hot” trên mạng xã hội Twitter. Mặc dù chưa biết lãnh đạo Mỹ nghiêm túc cỡ nào, nhưng hàng loạt hãng truyền thông lớn nước này dựa trên nhiều nguồn tin tiết lộ ông chủ Nhà Trắng đã chỉ thị nhóm trợ lý hàng đầu xem xét khả năng Chính phủ Mỹ liệu có thể mua vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch hay không.

Đây không phải lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ quan tâm đến hòn đảo nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực. Theo Nhật báo Phố Wall, Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 1867 đã ngỏ ý với quốc gia Bắc Âu để mua Greenland và Iceland. Tuy Washington từng thành công khi mua lại thuộc địa Tây Ấn Đan Mạch mà sau này đổi tên thành Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, nhưng Tổng thống Harry Truman năm 1946 tiếp tục thất bại khi thuyết phục Copenhagen về thương vụ Greenland với mức giá đề nghị 100 triệu USD.

Dự kiến, Tổng thống Trump sẽ có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Đan Mạch vào đầu tháng 9 nhưng vấn đề Greenland có thể sẽ không nằm trong chương trình nghị sự. Theo Guardian, ông chủ Nhà Trắng nảy ra ý tưởng mua băng đảo nói trên tại một bữa tiệc tối năm ngoái sau khi ông nhắc qua thông tin Đan Mạch đang tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ vùng lãnh thổ tự trị. Với hơn 2 triệu km2 đá và băng, Greenland là vùng lãnh thổ lớn thứ 12 trên thế giới và có khoảng 58.000 cư dân, trong đó 88% là người Inuit bản địa (hay còn gọi người Eskimo). Tuy sở hữu tài nguyên thiên nhiên đáng kể với các mỏ than đá và uranium, nhưng kinh tế vùng này chủ yếu dựa vào dịch vụ hàng không và nguồn ngân sách 591 triệu USD do Chính phủ Đan Mạch cấp hàng năm.

Sinh sống tại Greenland đa số là người Inuit bản địa. Ảnh: Independent

Hiện Hoàng gia và đại sứ quán Đan Mạch ở Washington cùng giới chức Greenland chưa lên tiếng bình luận. Theo các cố vấn, ông Trump dường như xem việc mua lại Greenland cũng giống như trường hợp Mỹ mua lại Alaska từ Nga năm 1867. Nếu thành công, đây có thể là di sản của tỉ phú New York tương tự khi Tổng thống Dwight Eisenhower công nhận Alaska là bang thứ 49 của Mỹ năm 1959. Trong khi đó, hạ nghị sĩ Mike Gallagher thuộc đảng Cộng hòa coi ý định của Tổng thống Trump là động thái địa chính trị thông minh. Một số cố vấn của ông Trump cũng đặt câu hỏi liệu Washington có thể sử dụng Greenland để tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực hay không hoặc nó có thể mang đến những cơ hội nghiên cứu nào.

Được biết năm 1951, Đan Mạch ký hiệp ước cho phép Mỹ hiện diện tại Greenland. Khu vực này trở nên quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ sau khi căn cứ không quân Thule (hiện gọi là Qaanaaq) được thiết lập trong cùng năm. Với khoảng 600 nhân viên, đây không chỉ là trạm radar cảnh báo sớm của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ mà còn hỗ trợ Bộ Chỉ huy không gian, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ và là nơi đặt nhiều thiết bị của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA). Năm 2016, có tin Đan Mạch trước sự thúc ép của Washington đã chặn không cho doanh nghiệp Trung Quốc mua lại công trình hàng hải trên đảo. Lầu Năm Góc năm ngoái cũng thành công trong việc ngăn Bắc Kinh tranh thầu dự án xây dựng 3 sân bay quốc tế lớn ở Greenland. Theo nhiều chuyên gia phân tích, đầu tư của cường quốc châu Á có thể đe dọa căn cứ không quân Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại Bắc Cực. l

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết