14/10/2017 - 16:59

Ông Trump giáng đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran 

Bất chấp lo ngại của các nước đồng minh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối xác nhận Iran tuân thủ toàn bộ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), đạt được năm 2015 và dọa có thể hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận này.

Ảnh: AP

 

Sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ được Tổng thống Trump đưa ra trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 13-10 (ảnh).

Đẩy trách nhiệm về phía Quốc hội

Tại đây, ông nêu chi tiết cách tiếp cận quyết liệt hơn đối với Cộng hòa Hồi giáo xung quanh chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Nhà lãnh đạo Mỹ tố Iran “không tuân thủ tinh thần” thỏa thuận, đồng thời khẳng định mục đích của ông là đảm bảo Tehran không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo ông Trump, JCPOA sẽ bị loại bỏ hoàn toàn nếu nó không được điều chỉnh để ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa liên lục địa.

 Mặc dù Tổng thống Trump không rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng trong bài phát biểu, ông chủ Nhà Trắng đã dành cho Quốc hội 60 ngày để quyết định xem có tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran hay không. Theo hãng tin Reuters, nếu Đồi Capitol tái áp đặt lệnh trừng phạt, Mỹ sẽ vi phạm các điều khoản của JCPOA và nhiều khả năng thỏa thuận lịch sử này sẽ đổ vỡ. Ngược lại, thỏa thuận vẫn được duy trì.

Tuy nhiên, New York Times cho biết thực ra các cộng sự của ông Trump muốn Quốc hội ban hành đạo luật nhằm xác định những yếu tố sẽ buộc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran. Tổng thống Trump cũng đã liệt kê cái gọi là “3 điểm kích hoạt” gồm việc Iran triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa, từ chối đàm phán mở rộng sự ràng buộc đối với các hoạt động hạt nhân của Tehran và bằng chứng cho thấy nước này có thể sản xuất một quả bom dưới 12 tháng. Vi phạm bất cứ điểm nào cũng có thể dẫn đến việc Mỹ quay lưng với JCPOA.

Phản ứng của dư luận

Phản ứng trước bài phát biểu trên của ông Trump, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng việc Tổng thống không ký gia hạn JCPOA là quyết định “nguy hiểm và tạo ra một cuộc khủng hoảng quốc tế” mới về vấn đề hạt nhân của Iran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tố nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra những cáo buộc vô căn cứ khi cho rằng Tehran “không tuân thủ tinh thần” JCPOA.

Chiến lược của ông Trump về vấn đề Iran không chỉ khiến Tehran nổi giận mà còn đẩy Washington vào thế bất đồng với Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc (cùng Mỹ tạo nên nhóm P5+1) và Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định niềm tin của họ đối với JCPOA. Các nước này nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran là “lợi ích an ninh quốc gia chung” và họ lo ngại về “những ẩn ý trong tuyên bố của ông Trump”. 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov  nhấn mạnh việc Mỹ rút khỏi JCPOA “chắc chắn sẽ gây tổn hại bầu không khí an ninh, ổn định và không phổ biến hạt nhân trên toàn thế giới”. Ông Peskov cho hay, Nga đã biết rằng Iran sẽ rút khỏi JCPOA nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Cách đây 2 năm khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, Iran đã ký kết thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử với nhóm P5+1, mà theo đó Tehran cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Một số nước trong P5+1 hiện hưởng những lợi ích kinh tế từ việc giao thương với Iran thời hậu JCPOA.

THANH BÌNH

Mỹ trừng phạt Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran

Ngày 13-10, cùng với bài phát biểu của Tổng thống Trump, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) với cáo buộc “lực lượng này hỗ trợ các tổ chức khủng bố ở Trung Đông”.

 Bộ Tài chính Mỹ đã đưa IRGC và danh sách trừng phạt chống khủng bố, với lý do “lực lượng này được chỉ định cung cấp hỗ trợ cho một số nhóm khủng bố, trong đó có có Hezbollah và Hamas, cũng như Taliban”. Ngoài ra, bộ trên cũng trừng phạt 4 thực thể, trong đó 3 tại Iran và 1 tại Trung Quốc, liên quan đến cáo buộc cung cấp “hỗ trợ cho IRGC hoặc lực lượng vũ trang Iran”.

Chia sẻ bài viết