06/04/2023 - 09:01

Ông Trump đả kích đảng Dân chủ 

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, CNA)

Trong bài phát biểu sau buổi trình diện tại tòa và nghe cáo trạng đầy kịch tính ở New York khiến cả nước sửng sốt, cựu Tổng thống Donald Trump (ảnh) lên án thủ tục tố tụng hình sự nhắm vào bản thân là “sự sỉ nhục” đối với nước Mỹ.

Ảnh: Reuters

Tại dinh thự Mar-a-Lago, cựu Tổng thống Trump trước người ủng hộ phủ nhận mọi hành vi sai trái và tuyên bố bản thân là nạn nhân của “cuộc săn phù thủy” chính trị mà đảng Dân chủ tiến hành nhằm phá hoại chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024. Ông xác định các công tố viên “cực tả” trên khắp nước Mỹ đã ra tay để bắt mình “bằng bất cứ giá nào”. “Tôi chưa và không bao giờ nghĩ bất cứ điều gì như thế có thể xảy ra ở Mỹ. Tội ác duy nhất mà tôi phạm phải là không sợ hãi bảo vệ đất nước chúng ta khỏi những kẻ tìm cách phá hủy nó... Ðó là sự xúc phạm đối với quốc gia này” - chính trị gia 76 tuổi nói, đồng thời cho biết nước Mỹ “đang suy tàn” dưới sự lãnh đạo của người kế nhiệm Joe Biden.

Trước đó vài giờ, cựu Tổng thống Trump đã tới Văn phòng Chánh biện lý Manhattan, Alvin Bragg và bị cảnh sát tạm giữ, chụp hình, lấy dấu vân tay theo thủ tục rồi trình diện ở Tòa Hình sự quận. Tại đây, ông Trump nghe cáo trạng với 34 cáo buộc liên quan ngụy tạo sổ sách công ty nhằm giấu các khoản thanh toán trước thềm cuộc bầu cử năm 2016. Cụ thể, ông Trump bị tố thông qua luật sư chi 130.000 USD cho nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels để ngăn cô tiết lộ quan hệ ngoài luồng giữa họ hồi năm 2006. Ngoài ra, các công tố viên cho biết cựu Giám đốc điều hành nhà xuất bản National Enquirer và là bạn lâu năm của ông Trump, David Pecker từng nhận đề nghị tìm mua và trấn áp thông tin tiêu cực để giúp ông Trump có cơ hội thắng cử năm 2016. Theo tài liệu của tòa, công ty mẹ của National Enquirer là American Media đã trả cho cựu người mẫu Playboy Karen McDougal 150.000 USD để mua bản quyền câu chuyện giữa cô và ông Trump nhưng sau đó giữ bí mật. Công ty này cũng trả 30.000 USD cho một người gác cửa trước đây của Trump Tower để mua câu chuyện sai sự thật về đứa con ngoài giá thú của ông Trump.

Làm giả hồ sơ kinh doanh là tội nhẹ với mức phạt không quá 1 năm tù, nhưng nó có thể bị nâng lên thành trọng tội với án 4 năm tù nếu nhằm mục đích thúc đẩy hoặc che giấu một tội ác khác, chẳng hạn như vi phạm luật bầu cử. Theo công tố viên Chris Conroy, bị cáo Trump làm giả hồ sơ kinh doanh ở New York để che giấu âm mưu bất hợp pháp nhằm phá hoại tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 cùng các vi phạm luật bầu cử khác. Nhưng tại tòa, ông Trump không thừa nhận bất kỳ tội danh nào. Phiên tòa tiếp theo được ấn định vào ngày 4-12 và quá trình xét xử có thể bắt đầu vào đầu năm 2024, một tháng trước khi vòng bầu cử tổng thống sơ bộ bắt đầu.

Nước Mỹ chia rẽ

Không chỉ là tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự, ông Trump trước đó là nhà lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử nước này bị luận tội và tha bổng 2 lần trong một nhiệm kỳ. Hiện ngoài vụ chi tiền “bịt miệng”, tỉ phú New York còn đối mặt một loạt cuộc điều tra hình sự ở cấp tiểu bang và liên bang. Dù gặp rắc rối về pháp lý, nhưng ông Trump đang là một trong những ứng viên hàng đầu cho đề cử của đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống năm 2024. Và trong lúc ông nghe cáo trạng, bên ngoài Tòa Hình sự quận Manhattan là “cuộc đấu tay đôi” giữa những người ủng hộ và phản đối cựu tổng thống. Có thời điểm, người ủng hộ ông Trump với khẩu hiệu “Trump hay là chết” đã cố gắng xé biểu ngữ “Trump luôn nói dối” của đối phương, buộc cảnh sát phải can thiệp.

Theo các học giả Ðại học Washington, truy tố các quan chức hàng đầu đương nhiệm hoặc mãn nhiệm là điều hiển nhiên đối với một nền dân chủ. Nhưng tổng thống hoặc thủ tướng vốn do người dân hoặc các đảng phái bầu chọn để lãnh đạo. Vì vậy, thủ tục tố tụng chống lại họ chắc chắn bị coi là chính trị và gây chia rẽ. Ðây là một phần lý do tại sao cố Tổng thống Mỹ Gerald Ford ân xá cho người tiền nhiệm Richard Nixon vào năm 1974, dù có bằng chứng rõ ràng về hành vi phạm tội trong vụ bê bối Watergate.

Việc cáo buộc một cựu tổng thống phạm tội hình sự là chưa có tiền lệ ở Mỹ, nhưng ở nhiều quốc gia khác, các cựu lãnh đạo thường xuyên bị điều tra, truy tố và thậm chí bỏ tù. Chẳng hạn như ở Pháp, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy hồi tháng 3-2021 bị kết án 1 năm tù vì tội tham nhũng và sử dụng ảnh hưởng để thu lợi trong thời gian tại nhiệm. Cuối năm đó, Israel bắt đầu phiên tòa xét xử Thủ tướng Benjamin Netanyahu liên quan cáo buộc gian lận, hối lộ và gây mất lòng tin khi đương chức. Ðặc biệt ở Hàn Quốc, nước này đã điều tra và kết án 5 cựu tổng thống kể từ những năm 1990.

Chia sẻ bài viết