25/05/2019 - 20:21

Thương chiến Mỹ-Trung

Ông Tập kêu gọi chuẩn bị dài hơi 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có động thái khích lệ tinh thần dân tộc qua chuyến thăm Giang Tây, tỉnh Đông Nam vốn là cái nôi cách mạng của Trung Quốc.

Vạn lý Trường chinh mới    

 Đây là chuyến công cán nội địa đầu tiên của ông Tập sau hàng loạt vụ tăng thuế “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong tháng 5. Trong bài diễn văn tại đây hôm 20-5 và được truyền thông đưa tin rộng khắp, ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc phải chuẩn bị cho thời điểm khó khăn trong bối cảnh tình hình quốc tế đang ngày càng phức tạp. “Ngày nay, trên Vạn lý Trường chinh mới, chúng ta phải vượt qua nhiều nguy cơ và thách thức lớn từ bên trong lẫn bên ngoài. Đất nước chúng ta vẫn còn trong giai đoạn có nhiều cơ hội chiến lược quan trọng cho phát triển, nhưng tình hình quốc tế đang gia tăng phức tạp. Chúng ta phải nhận thức rõ bản chất phức tạp và lâu dài của nhiều yếu tố bất lợi ở trong và ngoài nước, đồng thời phải chuẩn bị cho nhiều tình huống khó khăn” - Chủ tịch Tập nêu rõ.

Ông Tập Cận Bình (trái) thăm một nhà máy chế biến đất hiếm hôm 20-5. Ảnh: Nytimes

 “Vạn lý Trường chinh” mà ông Tập đề cập được Tân Hoa xã lý giải là quãng đường 4.000 dặm mà lực lượng Hồng quân công nông chạy thoát vòng vây và sự truy lùng của quân đội Quốc dân đảng dưới thời Tưởng Giới Thạch năm 1934. Những người Cộng sản Trung Quốc sau đó tái hợp và lên nắm quyền năm 1949. Sự kiện Vạn lý Trường chinh trở thành một trong những huyền thoại, tinh thần bất diệt của Trung Quốc ngày nay.

Và trên Vạn lý Trường chinh mới, ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc cần “tạo ra sự khởi đầu mới”, trong đó cần đề cao tinh thần tự lực và sáng tạo. “Sáng tạo công nghệ là sự sống cốt lõi của doanh nghiệp. Chỉ khi chúng ta có quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ cốt lõi thì khi đó chúng ta mới có thể sản xuất ra sản phẩm với tính cạnh tranh cao và không bị đánh bại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt” - ông Tập nói.

Trong bài phát biểu trên, Chủ tịch Tập không nói đến thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng giới phân tích cho rằng ông nhắc lại bài học gian khổ quá khứ để động viên tinh thần dân tộc cho cuộc chiến khó khăn với Mỹ. Thương chiến Mỹ-Trung dâng cao ngày 10-5, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD, đúng thời điểm hai bên đang tiến hành đàm phán, đồng thời còn đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỉ USD thời gian tới.

Kiểu trả đũa đặc trưng Trung Quốc

Tháp tùng ông Tập trong chuyến thăm Giang Tây có Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc với Mỹ. Sự xuất hiện của ông Lưu bên cạnh Chủ tịch Tập trong buổi thăm một công ty chế biến đất hiếm ở thị trấn Cám Châu được cho là thông điệp báo hiệu Bắc Kinh sẽ tăng mạnh thuế hoặc cấm xuất khẩu kim loại quý này. Đất hiếm bao gồm 17 nguyên tố kim loại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các ngành chế tạo công nghệ cao, từ điện thoại, xe điện cho đến vệ tinh, tên lửa. Tại đây, ông Tập kêu gọi tăng cường các nỗ lực phát triển đất hiếm, nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng và không thể tái tạo của đất nước. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong, động thái trên của ông Tập diễn ra giữa lúc có những tiếng nói thúc giục chính phủ cấm xuất khẩu tất cả đất hiếm sang Mỹ trong cuộc chiến công nghệ. Đất hiếm là một trong số ít danh mục hàng hóa của Trung Quốc không bị Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Theo Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ, Trung Quốc sở hữu khoảng 81% sản lượng đất hiếm thế giới và cung cấp 80% lượng đất hiếm nhập khẩu của Mỹ giai đoạn 2014-2017. Nhật Bản từng cáo buộc Trung Quốc ngăn cản xuất khẩu đất hiếm khi hai nước căng thẳng ngoại giao vì tranh chấp hải đảo năm 2010. Dù Bắc Kinh phủ nhận nhưng dư luận quốc tế vẫn quan ngại về nguy cơ phụ thuộc vào một nguồn cung đất hiếm. Vấn đề nằm ở chỗ ít có nguồn cung thay thế đủ khả năng cạnh tranh với Trung Quốc, nơi chiếm 37% trữ lượng đất hiếm toàn cầu.

Ngoài việc tăng thuế 25% lên lượng hàng hóa trị giá 60 tỉ USD của Mỹ từ tháng 6 tới, Trung Quốc còn trả đũa thương mại bằng các biện pháp khác. Thăm dò của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc công bố hôm 22-5 cho thấy nhiều công ty Mỹ đối mặt với các rào cản như bị thanh tra, hồ sơ hải quan và giấy phép chậm giải quyết. Vì thế, có tới 40,7% doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cho biết họ đang xem xét rút nhà máy ra bên ngoài. Có 3/4 doanh nghiệp thừa nhận chiến tranh thương mại tác động đến năng lực canh tranh của họ khi sản xuất tại Trung Quốc. 1/3 doanh nghiệp nói rằng họ phải tăng cường tập trung sản xuất cho thị trường nội địa Trung Quốc chứ không xuất khẩu và 1/3 cho biết đã phải hoãn hoặc hủy bỏ quyết định đầu tư mới tại đây.

Thật ra, mối quan hệ căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung từ nhiều năm qua đã khiến doanh nghiệp Mỹ bị phân biệt đối xử khi làm ăn tại Trung Quốc. Trung Quốc cũng ngăn cản các công ty công nghệ lớn của Mỹ, trong đó có Google và Facebook hoạt động đầy đủ tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Hiện Washington đang tìm cách buộc Bắc Kinh thay đổi chính sách thương mại và kinh tế, bao gồm việc chấm dứt chuyển giao công nghệ bắt buộc và các hành vi đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ. Mỹ cũng muốn Trung Quốc ngừng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và mở rộng cửa thị trường cho các công ty Mỹ.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết