24/10/2020 - 06:03

Ông Putin úp mở về liên minh quân sự Nga - Trung 

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh hiện chưa cần liên minh quân sự Nga - Trung Quốc, nhưng không loại trừ trong tương lai sẽ thành lập. Phát biểu cho thấy quan hệ song phương ngày càng sâu sắc trong bối cảnh hai nước này đều xảy ra căng thẳng với Mỹ.

Các tướng lĩnh quân đội Nga và Trung Quốc tại cuộc tập trận Caucasus 2020. Ảnh: joint-forces

Các tướng lĩnh quân đội Nga và Trung Quốc tại cuộc tập trận Caucasus 2020. Ảnh: joint-forces

Tại hội nghị trực tuyến của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ngày 22-10, Tổng thống Putin cho rằng Mát-xcơ-va đã chia sẻ những công nghệ quân sự nhạy cảm với Bắc Kinh và sự hợp tác này đang giúp thúc đẩy năng lực quốc phòng của Trung Quốc. Chủ nhân Điện Kremlin nói thậm chí trong tương lai có thể chứng kiến mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn giữa Mát-xcơ-va và Bắc Kinh. Nga và Trung Quốc thường ca ngợi “quan hệ đối tác chiến lược” của họ, nhưng cho đến nay vẫn phủ nhận mọi cuộc đàm phán về việc thành lập một liên minh quân sự. Tuy vậy, ông Putin đề cập đến các cuộc tập trận giữa lực lượng vũ trang Nga - Trung là tín hiệu cho thấy hợp tác quân sự ngày càng lớn mạnh giữa hai nước.

Được biết, những năm gần đây, Nga và Trung Quốc đã gia tăng đáng kể tần suất cũng như quy mô các cuộc tập trận quân sự chung với ít nhất hai đợt mỗi năm. Đơn cử như tháng 9 vừa rồi, hai nước cùng một số quốc gia khác đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật đa quân chủng Caucasus 2020 ở khu vực Bắc Biển Đen. Cũng thời điểm đó năm ngoái, quân đội Nga và Trung Quốc thậm chí tiến hành cuộc diễn tập lớn hơn mang tên Center-2019 tại phía Tây nước Nga, với sự tham gia của 128.000 binh sĩ và hơn 20.000 loại khí tài quân sự, bao gồm 15 tàu chiến, 600 máy bay, 250 xe tăng... Trong đó, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gửi đến nhiều xe tăng chiến đấu Type 96A, máy bay ném bom chiến lược H-6K cùng nhiều vũ khí khác.

Đáng nói, sự kiện trên diễn ra trùng hợp với thời điểm Nga chính thức bàn giao Hệ thống radar cảnh báo tên lửa sớm (SPRN) trị giá 60 triệu USD cho Trung Quốc. SPRN là một trong những hệ thống cảnh báo tối tân nhất, có khả năng điều chỉnh để phối hợp với hệ thống phòng không S-400 (hiện Bắc Kinh đã đưa vào biên chế) cũng như thế hệ tiếp theo là S-500 mà Mát-xcơ-va đang phát triển.

Nga tìm cách xích lại gần hơn với Trung Quốc ở thời điểm quan hệ giữa xứ bạch dương với phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, liên quan chuyện Mát-xcơ-va sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina, nghi án can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và các vấn đề khác.

Nga, Mỹ đã “hết thời”

Cũng tại hội nghị trên, Tổng thống Putin nhấn mạnh thời đại mà Mỹ và Nga quyết định các vấn đề quan trọng nhất của thế giới đã kết thúc. Theo ông, Trung Quốc và Đức giờ đây đang hướng đến vị trí siêu cường. “Xét về sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị, Trung Quốc đang tích cực hướng tới vị trí siêu cường. Đức cũng đang di chuyển theo hướng tương tự”, lãnh đạo Nga nói.

Ngay trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3-11 tới, Tổng thống Putin cũng bày tỏ hy vọng chính quyền mới tại Mỹ sẽ sẵn sàng đối thoại về an ninh và kiểm soát vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, hôm 22-10, ông khẳng định ngay cả khi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) không được gia hạn, Nga vẫn có thể đảm bảo an ninh quốc gia với các loại vũ khí hiện đại.

Tuần trước, Mỹ đã bác đề xuất của Nga về việc gia hạn vô điều kiện New START thêm một năm. New START được đàm phán dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và dự kiến hết hạn vào đầu tháng 2-2021. Các điều khoản trong hiệp ước này quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình sau 7 năm kể từ khi ký văn kiện và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa, máy bay ném bom cũng như 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết